Bitcoin “điên loạn”: Rủi ro nào chờ nhà đầu tư?

Thứ Sáu, 08/12/2017, 19:04
Điên rồ- đó chính xác là từ dùng để miêu tả sự nhảy múa hoảng loạn của đồng tiền số bitcoin trong vài ngày vừa qua, với tốc độ tăng tới 30% trong vòng 24h. Người ngoài cuộc nóng ruột, kẻ “đàng trong” người hả hê, kẻ méo mặt. Bong bóng bitocin còn làm mưa làm gió đến bao giờ?


Tăng giá vì “không có lý do”

Sau 1 ngày hoảng loạn, vào lúc 7h sáng ngày 8-12, bitcoin đã cán mốc 18.000 USD lần đầu tiên trên biểu đồ của Coinmarketcap. Còn trên sàn Coinbase, đã có lúc giá bitcoin lên tới hơn 19.340 USD. Tuy nhiên, sau khi liên tiếp lập đỉnh,bitcoin đã quay đầu giảm giá. 

Theo số liệu trên CoinDesk vào lúc 13h30 ngày 8-12, 1 bitcoin có giá 14.566,81 USD, tức là giảm 14% so với mức đỉnh 17.153,94 USD. Tuy nhiên đến 15h giá đã hồi phục trở lại quanh mức 16.000 USD. Đáng chú ý, khi giá bitcoin trở nên điên rồ, mỗi sàn một giá, mạnh ai nấy tăng, thì tình trạng giao dịch đã trở nên bất ổn, thậm chí hỗn loạn. 

Sàn Coinbase đã có lúc không thể truy cập được và vẫn đang tiếp tục ở trong tình trạng không ổn định do lượng truy cập quá lớn. Lượng khách hàng của Coinbase đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái và chỉ tính riêng từ trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn đến nay đã có thêm ít nhất 300.000 người dùng. Còn trên Twitter, sàn bitcoin lớn nhất thế giới là Bitfinex thông báo đang bị tấn công từ chối truy cập.

Giá bitcoin nhảy múa, nhưng giao dịch luôn bị lỗi

Giá bicoin điên loạn, nhiều nhà đầu tư liều nhảy vào hòng kiếm lợi. Sau cả tuần “dập dình”, quá nóng ruột, chị Thủy Lê (Hà Nội) không đừng được nữa cuối cùng cũng quyết định “xông vào” mua coin. Vốn ít, tiền mỏng, chị chỉ dám “ôm” 200 triệu lò dò lên mạng mở tài khoản. 

“Cả ngày 7-12, tôi canh từ sáng đến tối để mở tài khoản giao dịch, từ khi giá bitcoin ở mốc 12.000 USD, nhưng hệ thống liên tục báo lỗi. Tới tận 11h đêm, khi đặt được lệnh mua 0,5 coin, giá của đồng tiền số này đã nhảy lên đến 17.000 USD. Song, đắt cũng không dễ mua, vì tiền chuyển đi rồi nhưng hệ thống báo… hết giờ giao dịch và coin đã được trả về cho người bán. 

Suốt cả đêm, tôi mất ăn mất ngủ nhìn giá coin nhảy múa, trong khi tiền mất hút không thấy đâu. Mãi tới tân trưa hôm sau, tiền mới được chuyển về, cứ như trút được 1 gánh nặng. May mà chỉ mất một ít phí giao dịch, coi như “học phí”. Thôi cạch không dám tham gia nữa”- chị Thủy Lê chia sẻ.

Chị Thủy Lê là một trong số ít những người may mắn lấy lại được tiền, vì khi đã chấp nhận cuộc chơi tiền ảo, chẳng khác gì đánh bạc, có thể mất trắng. Trên các “sàn”, các trang web, số  người kêu mất tiền nhan nhản. Người thì tiền chuyển đi nhưng không thấy coin về, người thì tài khoản bỗng dưng "bốc hơi" với nhiều lý do khác nhau. Bloomberg mới đây đã liệt kê một loạt các lý do khiến bitcoin lao dốc như rủi ro bị hack, sàn giao dịch bỗng dưng biến mất hay sự kiểm soát của giới chức. Tuy nhiên, có một lý do gọi là "chẳng có lý do gì" khiến đồng bitcoin tăng giá.

4 nguy cơ đối với nền kinh tế

Cho rằng có thể hoạt động kinh doanh và sử dụng tiền ảo trên các website là một phương thức mới, đây là xu hướng tất yếu cùng với sự phát triển của công nghệ thương mại điện tử, song Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Tổng cục An ninh) cho rằng nếu để chúng phát triển một các ồ ạt, không có định hướng, không có sự quản lý của Nhà nước thì có thể gây ra những hậu quả khó lường kể cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh, chủ quyền đất nước. 

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh chỉ ra 4 nguy cơ của tiền ảo tới nền kinh tế gồm thứ nhất là các băng nhóm tội phạm lợi dụng tiền ảo để rửa tiền. Đây là nguy cơ đầu tiên và cũng là nguy cơ lớn nhất. Hiện nay, công tác quản lý hoạt động liên quan đến tiền ảo vẫn còn lỏng lẻo, hầu như chưa có văn bản pháp quy nào quy định về thanh toán thông qua tiền ảo. 

Việc sử dụng một cách quá dễ dãi, thậm chí có thể khai khống, khai giả thông tin nhân thân, không cần kiểm tra, xác minh nhân thân mà vẫn có thể giao dịch được chính là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng tôi phạm thực hiên hành vi rửa tiền, hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản bất chính.

Nguy cơ thứ 2 là các thế lực thù địch và phản động lưu vong sử dụng tiền ảo để chuyển tiền tài trợ cho các hoạt động chống đối trong nước. Với các công cụ nhận biết khách hàng lỏng lẻo, tính ẩn danh cao, các đối tượng dễ dàng giả mạo thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch do đó sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa phát hiện đấu tranh.

Nguy cơ thứ 3, Ngân hàng Nhà nước với chức năng là Ngân hàng trung ương sẽ mất dần sự kiểm soát đối với hệ thống tiền tệ. Sự xuất hiện của tiền ảo đã thay thế một phần chức năng của loại tiền truyền thống và có khả năng tạo ra những thanh công cụ tiền tệ mới. Thanh công cụ tiền tệ ở đây chính là việc sử dụng thực sự hoặc là về mặt không gian mà ở đó đồng tiền đã phục vụ được tất cả hoặc một vài chức năng của nó. 

Khi tiền ảo đạt được điểm tối ưu, nó sẽ thay thế loại tiền truyền thống trong một số lĩnh vực thanh toán của hệ thống tiền tệ. Tiền ảo cũng tạo ra sức mua ngoài hệ thống tiền tệ và chỉ dựa trên “tổng cầu” thực, không phụ thuộc vào quyền kiểm soát cung tiền của Ngân hàng trung ương. Việc mua bán tiền ảo nếu không có nguồn tiền đảm bảo đối ứng sẽ ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.

Thứ 4 là tiềm ẩn nguy cơ rất cao khi thanh toán bằng tiền ảo. Người dân khi tham gia vào hoạt động kinh doanh không chính thức với nhiều yếu tố ảo trên mạng, không chỉ gặp rủi ro về tài chính mà còn liên đới chịu trách nhiệm pháp lý khi giao dịch dịch với tội phạm mà chính bản thân minh cũng không biết. “Các hoạt động kinh doanh , mua bán tiền ảo phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin nên luôn hiện diện những nguy cơ mất an toàn sữ liệu như lộ tài khoản, lộ mật mã bảo mật, tài khoản bị giả mạo…

Vì vậy, nếu xảy ra sự cố hacker tấn công mạng hoặc mạng bị đóng cửa thì người tham gia sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại. Ngoài ra, những thông tin về giao dịch có thể được lưu giữ lại, điều đó dẫn tới nguy cơ mất tính riêng tư của giao dịch nếu bị lộ, lọt thông tin”-  Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh khuyến cáo.

Lệ Thúy
.
.
.