Bình Dương liên kết vùng để phát triển du lịch bền vững

Thứ Hai, 31/08/2020, 14:45
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng hơn 20km; giáp với tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Dương liên kết vùng phát triển du lịch bền vững.

Nhận diện tiềm năng phát triển du lịch Bình Dương

Không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên du lịch như một số tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, tuy nhiên, Bình Dương cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cần được khai thác. Với một số không gian thu nhỏ của hệ sinh thái, cảnh quan miền sông nước thuộc hạ lưu các dòng sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính như vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TP Thuận An) nổi tiếng xưa nay, vườn bưởi Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) hay những vườn cây tại thị xã Bến Cát và huyện Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, quần thể núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng hay Làng tre Phú An (được coi là Bảo tàng tre lớn nhất Việt Nam)… là những điều kiện thuận lợi hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến Bình Dương.

Bình Dương cũng là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời như: Làng sơn mài Tương Bình Hiệp; gốm sứ Tân Phước Khánh; chạm trổ, điêu khắc gỗ Phú Thọ; guốc gỗ Phú Văn; mây tre đan Tân Uyên…Trong đó, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia”. Những làng nghề truyền thống hiện nay tại Bình Dương kết hợp với các Showroom như gốm sứ Minh Long, Cường Phát, Sơn mài Tư Bốn, Định Hòa…đang được rất nhiều du khách quan tâm, đặc biệt là khách quốc tế.

Du khách tham quan vườn cây ăn trái Lái Thiêu (ảnh CTV).

Bên cạnh đó, Bình Dương có một hệ thống di tích lịch sử, văn hoá cách mạng khá đa dạng (13 di tích cấp Quốc gia và 47 di tích cấp tỉnh) với những địa danh đi vào lịch sử như: Nhà tù Phú Lợi - được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” thời Mỹ - Diệm; các công trình kiến trúc cổ như Nhà cổ ông Trần Văn Hổ, Trần Công Vàng…là những di tích lịch sử in đậm bản sắc văn hóa địa phương. Đặc biệt, Di tích cấp Quốc gia Chùa Hội Khánh, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống và làm việc; đồng thời, nơi đây có tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m, đây là công trình kiến trúc tôn giáo đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là pho tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn nằm trên mái chùa lớn nhất Việt Nam…thích hợp cho phân khúc du khách nghiên cứu và tâm linh.

Một điểm nổi bật nữa, Bình Dương có vị trí tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hóa luôn ở mức cao. Bình Dương đang nổi lên như là điểm đến lý tưởng cho các hội nghị, hội thảo quốc tế thu hút nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, nhiều doanh nhân đến tìm hiểu cơ hội đầu tư kết hợp du lịch. Đây chính là phân khúc du khách quan trọng cho ngành du lịch Bình Dương khai thác những tiềm năng hiện có thông qua các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, mua sắm, du lịch thể thao cao cấp hoặc du lịch gắn với hội họp (MICE)…Các địa điểm nổi tiếng trong tỉnh đáp ứng loại hình du lịch này có thể kể đến như: Khu du lịch văn hoá, thể thao Đại Nam; Phương Nam Resort; Khu du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng; Khu du lịch Thuỷ Châu; du lịch Đọt Chămpa; An Lâm Sài Gòn River; các sân Golf, khách sạn, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh...

Với tiềm năng và tầm nhìn, ngành du lịch Bình Dương luôn mong muốn kết nối với các trung tâm du lịch quan trọng của các vùng miền trong và ngoài nước để cùng phát triển các tour, tuyến du lịch trong thời gian tới.

Kích cầu du lịch

Hội thảo “Phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam bộ” được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh mới đây là cơ hội để các tỉnh, thành trong vùng giới thiệu các điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch mới, cùng các chính sách kích cầu tại địa phương nhằm xây dựng sản phẩm liên tuyến, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Tại hội thảo, các tỉnh, thành trong vùng đã giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch mới cùng những chính sách kích cầu của địa phương. Trước đó, các địa phương đã phối hợp tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng và xây dựng các chính sách kích cầu du lịch làm cơ sở liên kết các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp lữ hành. Qua đó, đã hình thành được nhiều tuyến du lịch vùng hấp dẫn, góp phần thực hiện hóa mục tiêu liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, kích cầu du lịch nội địa.

Chính tại hội thảo này, có 3 tuyến du lịch liên vùng mới đã được công bố để đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch trong thời gian tới, bao gồm các tuyến: TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Đông Nam bộ”; TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”. Các tour chủ yếu thiết kế cho gói 2 ngày 1 đêm với giá rất hấp dẫn.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải ) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; ông Vũ Đức Đam (thứ 2 từ phải qua) - Phó Thủ tướng Chính phủ thăm quan gian hành trưng bày sản phẩm du lịch của Bình Dương.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ đã ký kết hợp tác ghi nhớ phát triển du lịch liên vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, thu hút du lịch và đầu tư đến các địa phương trong vùng như: Du lịch MICE, du lịch văn hóa - lịch sử, mua sắm, y tế, đường thủy, du lịch biển đảo, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, khám phá văn hóa làng nghề, cộng đồng, ẩm thực, sản phẩm chuỗi nông sản…Song song đó, các tỉnh, thành phố cũng định hướng cho các doanh nghiệp du lịch liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch kết nối giữa các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ (chuỗi gắn kết gồm lữ hành, lưu trú, ăn uống, mua sắm…) tạo chuỗi giá trị du lịch lữ hành quốc tế giữa các địa phương, nhất là lữ hành quốc tế từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh).

Chia sẻ các giải pháp liên kết vùng phát triển du lịch, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, cho biết: Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả khả quan như chưa khai thác hết tiềm năng du lịch, còn nghèo về sản phẩm, chưa thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế. Bên cạnh việc tự phát triển du lịch của từng địa phương, sự thiếu liên kết giữa các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân của hạn chế để phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ. Do đó, để thực hiện hiệu quả việc liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, cần khai thác, đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương, làm mới, hoàn thiện sản phẩm vốn có; liên kết sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương phải bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý và làm hài lòng du khách khi đến trải nghiệm dịch vụ của từng địa phương. Ngoài ra, cần hỗ trợ và chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động về lĩnh vực du lịch trong vùng có cơ hội tìm hiểu, tham gia thực hiện các dự án đầu tư, phát triển du lịch ở từng địa phương. Sau khi hoàn thiện sản phẩm du lịch sẽ lựa chọn, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, chất lượng của từng địa phương để đưa vào hệ thống cung cấp sản phẩm du lịch. Hoạch định các cơ chế chính sách trong việc liên kết giữa các địa phương để phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ. Chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm đã hình thành trong khuôn khổ chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và chương trình kích cầu du lịch nội địa để tranh thủ tối đa cơ hội dành cho du lịch nội địa. Tiếp tục kết nối, mở rộng số lượng doanh nghiệp trong vùng tham gia các chương trình kích cầu và tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khác để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý.

“Có thể nói, liên kết là xu hướng tất yếu trong du lịch của các địa phương vùng Đông Nam bộ. Bởi lẽ, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Và để cùng nhau đi xa, doanh nghiệp du lịch cũng như các cơ quan quản lý du lịch trong vùng phải thay đổi tư duy từ phát triển điểm du lịch thành vùng du lịch. Ngành du lịch Bình Dương sẽ tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất để việc liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ đạt được những kết quả như mong muốn”, ông Phong khẳng định.

3 tuyến du lịch liên vùng gồm:

1/ Tuyến du lịch TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh, lộ trình 2 ngày 1 đêm với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Đông Nam bộ” gồm các điểm đến: Chùa Thái Sơn, Thánh thất Cao Đài, cáp treo núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng...

2/ Tuyến TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông” gồm các điểm tham quan như địa đạo Củ Chi, Tam Giác Sắt, Nhà tù Phú Lợi, Chiến khu Vĩnh Lợi, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam...

3/ Tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca” gồm hàng loạt điểm tham quan như: Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều, Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor, Khu du lịch cáp treo hồ Mây...

Xuân Hà
.
.
.