Bánh kẹo “nội” cạnh tranh trên thị trường Tết

Chủ Nhật, 28/01/2018, 07:07
Tết là thời điểm ngành bánh kẹo sôi động nhất trong năm, đặc biệt là bánh kẹo “ngoại”, sản phẩm nhập khẩu được các công ty nhập ồ ạt về với đa dạng mẫu mã chủng loại. Dù các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại Việt Nam chiếm đến 80%, nhưng để DN “nội” chiếm lĩnh thị phần của thị trường Tết ngay trên sân nhà không hề dễ dàng.


Hiện mức tiêu thụ bánh kẹo trung bình của người Việt chỉ đạt 2 kg/người/năm so với 2,8 kg/người/năm của thế giới. Thị trường Việt Nam vẫn là mảnh đất tiềm năng đối với các DN.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thời gian qua, DN nước ngoài tăng đầu tư vào thị trường trong nước cũng như các thương vụ mua bán sáp nhập giữa các “đại gia” lớn tăng. Cùng với xu hướng tiêu dùng giải trí tại nhà nhiều hơn, ngành bánh kẹo được mong đợi sẽ sôi động với sự đa dạng hơn về sản phẩm, ngành hàng mới, nhãn hiệu mới.

Thời điểm này, trên kệ hàng các siêu thị tràn ngập bánh kẹo phục vụ cho thị trường Tết. Tại các siêu thị ngoại như: Big C, Lotte Mart, Aeon Mall… bánh kẹo nội chiếm 80% - 90%, nhưng  các siêu thị này vẫn có những quầy riêng dành cho bánh kẹo nhập khẩu.

Bánh kẹo nội cần phải nâng cao chất lượng, mẫu mã để cạnh tranh hàng ngoại.

Đa phần là những thương hiệu ngoại nhập từ Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Pháp, Đức, Mỹ... với các nhãn hiệu quen thuộc Royal, White Castle, Bristish, Danisa...

Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty PAN Food (sở hữu Bibica - PAN Group) nhìn nhận: Thị trường có nhiều phân khúc. Tết là dành cho biếu tặng, nhưng yếu tố chuộng ngoại của người tiêu dùng (NTD) hiện vẫn khá phổ biến, nhất là ở các thành thị.

Trong khi đó, hiện nay, kênh hiện đại phát triển chủ yếu ở các thành phố nên sự xuất hiện của sản phẩm ngoại nhập trên quầy kệ là đương nhiên. “Tuy nhiên, nói bánh kẹo ngoại nhập đang chiếm lĩnh thị trường là chưa đúng.

Chẳng hạn, trong phân khúc bánh cake nói chung với quy mô 3.000 tỉ đồng, các DN sản xuất tại Việt Nam đang chiếm 80%, gồm các DN Việt và DN đa quốc gia. Trong khi đó, sản phẩm nhập ngoại lại chiếm không nhiều”, ông Nguyễn Quốc Hoàng phân tích.

Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cũng cho rằng: “Dịp Tết hay các dịp đặc biệt, NTD có xu hướng chọn mua hàng ngoại nhập để làm quà tặng nhiều hơn, vì đa phần bánh kẹo ngoại nhập đánh vào phân khúc cao cấp”.

Chính vì mùa Tết nhu cầu biếu tặng tăng cao nên các loại bánh kẹo ngoại nhập được tiêu thụ mạnh. Để cạnh tranh với sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập trên thị trường Tết, một số DN trong nước đã có những bước đi riêng để đến được tay NTD.

Như Công ty Mondelez Kinh Đô, cung ứng cho thị trường Tết hơn 40 loại bánh các nhãn hiệu Orion, Cosy, Lu, Oreo, Solite, Ritz, Afc... với giá rất linh động từ 40.000 – 194.000 đồng/sản phẩm để NTD dễ dàng lựa chọn. Đặc biệt dòng bánh Cosy, Lu, được Kinh Đô chăm chút kỹ về bao bì, mẫu mã, mang đến một diện mạo mới sang trọng nên được NTD “săn đón” trong mùa Tết năm nay.

Với Công ty Bibica, dự kiến đưa ra thị trường 2.500 tấn sản phẩm (tăng 15% so Tết năm ngoái) gồm 56 loại sản phẩm. Đặc biệt, công ty đưa ra dòng bánh Goody cao cấp để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Bên cạnh đó, Bibica còn sản xuất dòng bánh kẹo Tết truyền thống, thiết kế hộp quà với các chủ đề: Tết Đoàn Viên, bánh Lạc Việt, Mã đáo thành công, thuận buồm xuôi gió... Ở phân khúc thấp hơn, thị trường bánh kẹo Tết còn có sự góp mặt của nhiều nhãn hiệu “nội” khác như Hải Hà, Hải Châu, Minh Ngọc...

Ông Nguyễn Quốc Hoàng cho rằng: “Chính sự nổi trội của bánh kẹo ngoại nhập đã tạo ra thách thức buộc các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ thay đổi về chất lượng, mẫu mã, mà cả về quảng cáo thương hiệu thuyết phục NTD.

Tuy nhiên, hạn chế của DN Việt so với DN nước ngoài từ trước đến nay là chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu bài bản. “Hữu xạ tự nhiên” không phù hợp nữa trong thời đại ngày nay. DN muốn xây dựng thương hiệu là phải dựa trên chất lượng tốt, đi kèm là chiến dịch marketing có trọng tâm để quảng bá…”.

Ông Hoàng cho rằng, để tận dụng lợi thế sân nhà, các DN Việt cần hiểu và nhạy bén hơn trước những xu hướng mới. Tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng, nguyên liệu tự nhiên vì hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm đang là mối lo ngại hàng đầu của NTD. DN phải đầu tư, mở rộng danh mục sản phẩm mới, thương hiệu mới, tạo ra nhiều hương vị, chủng loại mới đang thịnh hành hoặc có tiềm năng.

Mở rộng phân khúc NTD, đánh vào những phân khúc chưa được chú trọng nhiều như tầng lớp trung lưu hay phân khúc người lớn tuổi thay vì chỉ nhắm vào gia đình hoặc trẻ em. Để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan…

PanFood xác định các yếu tố: sản phẩm đó phải ngon - phù hợp với khẩu vị NTD Việt, phải dựa trên những nguyên liệu tự nhiên theo xu hướng thực phẩm tốt cho sức khỏe, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với lợi thế sản xuất tại chỗ, sẽ rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến NTD hơn so với sản phẩm nhập khẩu. DN Việt cần nắm rõ thị trường, có thể thay đổi linh hoạt theo nhu cầu của NTD.

Nếu như trong các hệ thống phân phối hiện đại thì bánh kẹo Tết trưng bày chủ yếu là những sản phẩm có thương hiệu trong và ngoài nước. Còn tại các chợ sỉ như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), ngoài một số loại bánh kẹo của các thương hiệu được đóng hộp, bao bì bắt mắt, thì phần lớn bánh kẹo bán ở đây được đựng trong các bao lớn để bán xá, cân ký theo yêu cầu của NTD. Các loại bánh kẹo bán xá chủ yếu do các DN, cơ sở sản xuất nhỏ trong nước cung ứng.

Thúy Hà
.
.
.