Cần mạnh tay xử lý hàng giả, hàng nhái

Thứ Sáu, 22/09/2017, 07:58
Nói đến hàng giả, hàng nhái, mặt hàng nào được tiêu thụ mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng (NTD) tín nhiệm thì ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng thường phân ra hàng giả có hai loại: Giả về hình thức (giả kiểu dáng, nhãn hiệu), đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp (DN) và hàng giả công dụng (thành phần, chất lượng) thì đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp chính là NTD...

Nếu như các DN điêu đứng vì bị các đối tượng làm giả kiểu dáng, giả nhãn hiệu sản phẩm của DN để bán kiếm lời, làm ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu, thương hiệu của DN thì với các mặt hàng: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... bị làm giả thì sẽ rất cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng.

Phân bón bị làm giả thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh lương thực. Tuy nhiên, nếu sản phẩm bị hàng giả hình thức thì chỉ cần có sản phẩm thật để đối chứng sẽ xác định được hàng giả - hàng thật. Còn với sản phẩm giả công dụng, chỉ đến khi xét nghiệm thì mới biết được kết quả.

Tân dược, mỹ phẩm giả đưa đi tiêu hủy.

Theo quy định thì hàm lượng chất chính trong sản phẩm dưới 70% thì là hàng giả công dụng. Có rất nhiều trường hợp, chất lượng sản phẩm công bố một nơi nhưng chất lượng thật không đúng như đã công bố. Nhiều vụ cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện trong thành phần tân dược, thực phẩm chức năng chỉ chứa toàn bột mì, phân bón thì trộn với đất sét...

Chính vì mức độ nguy hiểm của các loại hàng giả như vậy nên mức xử lý hàng giả khá cao. Cụ thể, trị giá hàng giả (tính theo giá trị tương đương hàng thật) 30 triệu đồng là đã khởi tố. Riêng hàng giả là thực phẩm thì không cần mức tiền, không cần lượng hàng hóa bao nhiêu đều bị xử lý hình sự.

Mặc dù luật quy định là vậy nhưng trên thực tế nhiều DN cho rằng, việc xử lý còn quá nhẹ. Do việc xử lý không đúng với bản chất hành vi phạm tội của đối tượng nên khó ngăn chặn triệt để nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành công ty TNHH Thời trang Nón Sơn cho rằng: "Hầu hết đối tượng vi phạm làm giả Nón Sơn đều tái vi phạm, đặc biệt nhiều nhất là địa bàn Long Xuyên và Buôn Ma Thuột. Phải chăng là do các cơ quan xử lý chưa mạnh tay với vấn nạn hàng nhái, hàng giả".

Với trường hợp DN Duy Lợi bị làm hàng giả, nhắc lại nội dung bản án hình sự sơ thẩm ngày 13-7-2017, ông Lâm Tấn Lợi - đại diện Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi cho rằng “Tòa xử không đúng luật”.

Với tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” nhưng hai bị cáo Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Văn Sinh bị xét xử theo khoản 1 Điều 156 BLHS năm 1999 là không đúng sự thật khách quan của vụ án. Chúng tôi cũng đã kháng cáo, yêu cầu TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử các bị cáo với các tình tiết định khung theo khoản 2, Điều 156 BLHS năm 1999. Về hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm xác định trị giá hàng giả tương đương hàng thật là gần 140 triệu đồng.

Đây là mức cao gần kịch khung (150 triệu đồng) nhưng chỉ xử Huệ chỉ 1 năm tù cho hưởng án treo và Sinh 8 tháng tù là quá nhẹ, không tương xứng với các hành vi phạm tội của các bị cáo”.

Vẫn theo ông Lâm Tấn Lợi, sau khi vụ án khởi tố, Sinh và Huệ vẫn tiếp tục sản xuất và buôn bán hàng giả hiệu Duy Lợi. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng phạt tiền mà không tuyên bố cấm sản xuất, buôn bán các loại võng xếp và các phụ kiện để lắp ráp thành võng nguyên chiếc đối với hai bị cáo Sinh và Huệ thì e sợ rằng việc sản xuất, buôn bán hàng giả hiệu Duy Lợi vẫn bị hai bị cáo tiếp tục thực hiện.

Điều rất quan trọng nữa đó là việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả Duy Lợi của Huệ và Sinh đã gây tổn thất rất lớn cho thương hiệu Duy Lợi, nhưng Tòa không buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho công ty là không đúng.

"Tại cơ quan điều tra và phiên Tòa, bị cáo Sinh khai là đặt túi đựng võng hiệu Duy Anh tại cơ sở của ông Huỳnh Văn Nhàn, nhưng Sinh thấy tại đây có gia công túi đựng võng Duy Lợi nên Sinh đặt ông Nhàn sản xuất túi đựng võng Duy Lợi giả. Như vậy, ông Nhàn là đối tượng liên quan vụ án, yêu cầu Tòa triệu tập làm rõ hành vi sản xuất và mua bán hàng giả của ông Nhàn để xử lý. Còn với ông Nguyễn Đăng Phú và Công ty Chuan lin đều có địa chỉ mà Tòa không triệu tập để đối chất với lời khai của bị cáo Sinh và Huệ để làm rõ hành vi động cơ cung cấp hàng giả cho Sinh và Huệ là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm", ông Lâm Tấn Lợi khẳng định.

Nhận định về tình hình hàng giả, hàng nhái trên thị trường, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái lộng hành nhưng có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, mặt hàng nào có lợi nhuận cao thì sẽ bị làm giả, làm nhái.

Thứ 2, đó là cơ chế pháp luật chồng chéo khó áp dụng, có khi 1 hành vi nhưng có đến 3 - 4 văn bản điều chỉnh. Thậm chí đối tượng sản xuất hàng giả còn nghiên cứu những kẽ hở của pháp luật để lách, đối phó với cơ quan chức năng. Nguyên nhân thứ 3 chính là sự hỗ trợ của các DN chưa cao”.

Xác định được những nguyên nhân trên, ông Danh cho rằng, để chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả thì cần phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; cụ thể là phân biệt rõ được hàng giả nội dung hay giả hình thức.

“Phân biệt như vậy thì mới đúng khách thể mà Nhà nước cần bảo vệ. Về phía DN, cần hỗ trợ tích cực hơn nữa cũng như tạo mọi điều kiện cho cơ quan chức năng phòng chống hàng giả. Cụ thể, DN cung cấp cho cơ quan chức năng giải pháp để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả. Khi cơ quan chức năng yêu cầu DN xác nhận hàng thật, hàng giả thì DN cần nhanh chóng vào cuộc... Còn NTD, nếu phát hiện hàng giả chất lượng thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng để vào cuộc kịp thời”, ông Danh đề nghị.

Thúy Hà
.
.
.