Điêu đứng vì hàng nhái, hàng giả

Thứ Năm, 21/09/2017, 07:57
Theo quy định, khi cơ quan chức năng xử lý hàng giả, hàng nhái thì phải có vật đối chứng để xác định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) không có đại diện chủ sở hữu, hoặc không chịu phối hợp với cơ quan chức năng để xác nhận hàng bị bắt giữ là hàng giả. Vì vậy, khi hết thời hạn giữ hàng, cơ quan chức năng buộc phải trả lại hàng. Đó là một thực tế diễn ra khá phổ biến và lúc này hàng giả, hàng nhái công khai lưu hành trên thị trường...

Bài 2: Hàng giả, hàng nhái lộng hành

Theo ghi nhận của PV, tại Trung tâm Thương mại (TTTM) Saigon Square (quận 1) – nơi được người tiêu dùng (NTD) “mệnh danh” là chợ “hàng giả, hàng nhái” cao cấp ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, có bán rất nhiều sản phẩm thời trang các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, mắt kính các hiệu: Nike, Adidas, Lacoste, Converse, Rayban, Rolex, LV, Chanel, Burberry, Cartier, Montblanc, Dior...

Tuy nhiên, giá các loại sản phẩm này chỉ bằng 1/3 hoặc chỉ bằng một nửa so với giá hàng thật. Khi tôi thắc mắc về giá cả, thì một chủ sạp cho biết: “Đây là hàng nhái chứ không phải hàng giả.

Những loại này thường dành cho khách hàng thích xài hàng hiệu nhưng không đủ tiền để mua. Với hàng fake loại 1 (hàng nhái loại 1), nhìn giống đến 99% so với hàng hiệu chính hãng, người dùng sành điệu đến cỡ nào cũng khó mà nhận ra đây là hàng nhái vì logo, ngày sản xuất, thương hiệu, in trên bao bao bì cực kỳ tinh xảo.

Chính vì vậy mà hàng fake loại 1 bán rất chạy, NTD mua mục đích để thể hiện đẳng cấp. Còn với hàng fake loại 2 thì kém chất lượng và giá rẻ hơn hàng fake 1. Hàng fake 2 làm không tinh xảo nên nhìn qua là biết hàng nhái”.

Hàng may mặc giả bị cơ quan chức năng tiêu hủy.

Ngoài bán hàng giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài, TTTM Saigon Square còn được NTD biết đến là chuyên bán hàng xuất khẩu? Chị Nguyễn Thùy Nhân, nhân viên thiết kế của một công ty may mặc tại quận 12, chuyên làm hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc cho biết: “Có một số đơn hàng sau khi kiểm tra để xuất đi thì mới phát hiện mất một vài sản phẩm. Thế là một số nhân viên của công ty chia nhau đi săn tìm tại các quầy bán hàng may mặc tại TTTM Saigon Square thế nào cũng phát hiện được. Chúng tôi phải mua lại để đủ hàng xuất cho đối tác”. Theo chị Nhân, việc kiểm soát hàng xuất khẩu rất nghiêm ngặt, không được sản xuất dư thừa, hàng bị lỗi thì phải hủy, không được tuồn ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một số công nhân “chôm” hàng của công ty ra TTTM Saigon Square để bán.

Chính vì thỉnh thoảng tiêu thụ được một số sản phẩm xuất khẩu chính hiệu, nhu cầu NTD tìm mua hàng xuất khẩu khá cao, nên nhiều chủ kinh doanh tại Trung tâm này đã không ngần ngại nhập hàng giả hàng xuất khẩu để bán.

“Nếu hàng xuất khẩu bán ra ngoài thị trường thì thường là không đủ size, không đủ màu sắc và số lượng rất ít. Vì vậy, việc các chủ kinh doanh công bố muốn mua hàng xuất khẩu size nào, màu nào, số lượng bao nhiêu cũng có thì đó là hàng giả mạo”, chị Nhân khẳng định.

Ngoài TTTM Saigon Square, Taka Plaza, chợ Bến Thành... là những nơi có bán hàng giả, hàng nhái cao cấp (hàng giả loại 1) của các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Còn tại nhiều cửa hàng, chợ truyền thống, kể cả những điểm bán lưu động trên vỉa hè... cũng nhan nhản hàng giả, hàng nhái với giá rẻ bèo.

Mặc dù lực lượng QLTT thường xuyên kiểm tra, bắt giữ số lượng lớn hàng giả, hàng nhái, nhưng nhiều vụ gần như không xử lý được. Một cán bộ QLTT cho chúng tôi biết: Nguyên nhân là do sự hỗ trợ của các DN chưa cao, không phải hãng nào, DN nào cũng quan tâm đến việc chống hàng giả.

Trong số những nhãn hiệu nước ngoài nói trên, có rất ít nhãn hiệu có đại diện tại Việt Nam như: Nice, LV, Lacoste... Khi cơ quan chức năng phát hiện hàng giả, hàng nhái, các đại diện này phối hợp rất tốt. Còn những nhãn hiệu ở nước ngoài không có đại diện tại Việt Nam thì đành bó tay vì hàng bắt xong, không ai đến xác nhận là hàng giả.

Đó là các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài bị làm giả tại Việt Nam. Còn các DN trong nước, phần lớn họ rất sợ chống hàng giả, kể cả những thương hiệu lớn. Đã có nhiều trường hợp QLTT bắt được hàng giả, yêu cầu DN chính hãng đến xác nhận, nhưng DN nhất định không đến vì sợ bị lộ thông tin DN có hàng giả.

Có DN gas bị làm giả, QLTT kiểm tra phát hiện, bắt giữ gas giả, đồng thời yêu cầu DN lên xác nhận đây là hàng giả của DN mình để hoàn chỉnh pháp lý tịch thu bình gas, nhưng không hiểu sao DN vẫn không xác nhận, trong khi thời hạn giữ hàng đã gần hết.

Trong khi đó, theo quy định thì QLTT chỉ giữ hàng tối đa 60 ngày. Nếu quá thời hạn, không có DN, đại diện nhãn hiệu, đến xác nhận thì buộc QLTT phải trả lại hàng cho chủ hàng. Vì vậy, hàng giả vẫn lại tiếp tục công khai lưu hành ngoài thị trường.

Tính từ đầu tháng 8-2017 đến nay, riêng Chi Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra tại các cửa hàng, chợ, TTTM trên địa bàn TP tổng cộng 59 vụ, đã phát hiện số lượng lớn hàng giả gồm: 783 đôi giày dép các hiệu Nike, Adidas, Lacoste, Converse; 3.083 sản phẩm quần áo, ví, túi xách, ba lô, bông tai, dây chuyền, mắt kính các hiệu LV, Chanel, Lacoste, Rayban, Burberry, Cartier, Montblanc, Dior, Puma, Gucci, Rolex...

Trong số đó, có rất nhiều nhãn hiệu không có đại diện tại Việt Nam để xác nhận hàng, không có mẫu hàng thật để làm chứng cứ xử lý hành vi kinh doanh hàng giả. Vì vậy, cơ quan chức năng đã phải chuyển sang hành vi vi phạm khác, đó là kiểm tra hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Nếu chủ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ cho số hàng đang kinh doanh thì đó là hàng trôi nổi, hàng nhập lậu trốn thuế, mặc dù bản chất đó là hàng giả, hàng nhái.

Thúy Hà
.
.
.