7 loại thuế, phí cá nhân kinh doanh phải nộp

Thứ Năm, 05/10/2017, 17:14
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp 7 loại thuế, phí. Tuy nhiên, tùy thuộc vào số lượng lao động sử dụng cũng như thực tế hình thức kinh doanh, số thuế, phí phải thực hiện của từng cá nhân sẽ có sự khác nhau.

Cụ thể, cá nhân kinh doanh và hộ gia đình chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm nhất định, sử dụng không quá 10 lao động, phải nộp các loại thuế, phí theo quy định. Nếu sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, phải chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp. Cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế tại chi cục thuế nơi đặt trụ sở của hộ kinh doanh, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu đối với cá nhân kinh doanh thuộc diện không phải đăng ký kinh doanh.

Cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đối với cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, thì các loại thuế, phí phải nộp như sau: Lệ phí môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).

Mức lệ phí môn bài cụ thể như sau: doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xống được miễn phí môn bài, từ 100 - 300 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 300 nghìn đồng, từ 300 - 500 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 500 nghìn đồng, từ trên 500 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 1 triệu đồng.

Cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, phải chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp.

Với trường hợp hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, việc tính thuế GTGT, thuế TNCN căn cứ như sau: Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ (%) thuế GTGT; số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ (%) thuế TNCN. Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế bao gồm cả doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn (đối với cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế).

Trên cơ sở mức doanh thu khoán do cá nhân kinh doanh tự khai; mức doanh thu khoán năm liền trước năm tính thuế; thông tin tại cơ sở dữ liệu riêng của từng địa bàn; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá... Chi cục Thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để duyệt mức doanh thu khoán ổn định, gửi cho cá nhân kinh doanh và công khai theo quy định.

Các trường hợp được miễn, giảm thuế khoán gồm: cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán tạm ngừng kinh doanh (có thời hạn) gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh đến chi cục thuế trực tiếp quản lý chậm nhất là 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh thì thời hạn gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh đến chi cục thuế trực tiếp quản lý chậm nhất là 1 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh.

Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá 1 năm. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 2 năm. Thứ 2 là cá nhân kinh doanh không tiếp tục kinh doanh (ngừng kinh doanh không có thời hạn). Thứ 3 là cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo gửi văn bản đề nghị miễn (giảm) thuế theo mẫu số 01/MGTH (ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC) đến chi cục thuế trực tiếp quản lý chậm nhất là ngày thứ 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. 

Lệ Thúy
.
.
.