Ông Miura có công, không có lỗi

Thứ Hai, 15/12/2014, 09:48
Trong phòng họp báo sau trận bán kết lượt về, ông Miura đã rất bản lĩnh khi nhận toàn bộ trách nhiệm về mình và gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ nước nhà. Và hôm nay, trong cuộc báo cáo, mổ xẻ thất bại với VFF có thể ông sẽ tiếp tục nhắc lại lời xin lỗi của mình. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, nhà cầm quân người Nhật có công, chứ không có lỗi.

Sau khi ĐTVN thua trận, rất nhiều chuyên gia bóng đá, trong đó có những người mà chúng tôi từng rất mến mộ đã đồng loạt trách ông Miura chọn sai đấu pháp. Theo những chuyên gia này thì với vốn liếng đã có ở lượt đi lẽ ra chúng ta nên đá phòng ngự chiều sâu, chứ không nên dâng cao dồn ép đối thủ. Dĩ nhiên khi một đội bóng đã thua thì mọi phân tích đều đúng cả, nhưng có ít nhất 2 cơ sở để chúng tôi tin rằng ông Miura không sai.

Thứ nhất, một đội tuyển cầm được bóng, áp đặt được đối phương và hoàn toàn khiến đối phương phải đá theo cách của mình trên sân khách thì khi về sân nhà tại sao phải chơi bài "chịu trận"? Và thứ hai, cả 4/4 bàn thua của chúng ta đều là tự thua, sau những tình huống tấn công đơn giản đến không thể tưởng tượng nổi của đối phương, và trong một trận đấu hàng hậu vệ "tự thua" như vậy thì có lẽ công hay thủ, đá dồn ép hay đá chịu trận, chúng ta đều dễ vỡ như nhau.

Có một câu hỏi đặt ra: Sau khi hàng tứ vệ tự thua, tại sao ông Miura không có những sự thay đổi nhân sự ở khu vực nhạy cảm này? Nếu đã hỏi như vậy thì cũng cần phải hỏi ngược lại: các cầu thủ tiền vệ phòng ngự đã làm gì mà lại đẩy hàng hậu vệ vào những tình cảnh đối mặt khó khăn như thế? Ông Miura có lý khi sử dụng cả 3/3 lần thay người của mình để "cải tạo" hàng tiền vệ. Chỉ có điều, trong một trận đấu mà đội bóng của mình bị căng cứng tâm lý trầm trọng thì những thay đổi của ông đều không thể phát huy tác dụng như các trận đấu trước.

HLV Miura nhận trách nhiệm trong phòng họp báo sau trận đấu. Ảnh: H.M.

Giờ nói đến vấn đề tâm lý, lại có ý kiến cho rằng ông Miura không có những sự chuẩn bị tâm lý cần thiết cho các học trò, để họ có thể sẵn sàng ứng phó với tất cả các tình huống khác nhau. Vậy thì xin nhắc lại, với tính cách cẩn trọng, nghiêm khắc điển hình của một người Nhật Bản ông Miura đã cảnh báo các cầu thủ ngay sau trận thắng lượt đi trên sân khách, rằng "thắng 2-1 không có nghĩa chúng ta đã vào chung kết", và rằng "trong bóng đá mọi điều đều có thể xảy ra". Theo chúng tôi, nếu cố phải vạch lỗi của ông thầy này thì có chăng nó là hình ảnh nhợt nhạt đến câm lặng của ông trên cabin huấn luyện. Một nhà cầm quân giàu kinh nghiệm, giàu bản lĩnh thường không để lộ những cảm xúc tiêu cực của mình như thế. 

Tuy nhiên, bỏ qua trận cầu tai nạn với Malaysia để nhìn ngược về phía trước thì chắc chắn phải thừa nhận công lao to lớn của ông Miura. Ai dám nghĩ ông đã thay máu ĐT bằng cả một làn sóng trẻ và thổi vào những trái tim tuổi trẻ một niềm tin lớn? Ai dám nghĩ ông đã xáo tung đội hình qua từng trận đấu, khiến cho ngay cả các công thần cũng phải lao động, phải cạnh tranh sòng phẳng với các cầu thủ khác? Và rất rõ ràng: ai dám nghĩ ĐTVN dưới bàn tay nhào nặn của ông có thể hiên ngang vào bán kết với vị trí đứng đầu bảng A? Nên nhớ AFF Cup 2012 trên đất Thái Lan, một ĐTVN với chỉ tiêu "phải vào chung kết" đã vỡ nhanh vỡ nặng chỉ sau 3 trận vòng đấu bảng.

Với tất cả những lý do như vậy, chúng tôi cho rằng trong toàn bộ hành trình AFF Cup năm nay của ĐTQG, HLV trưởng Miura có công, chứ không có tội. Ngay cả việc ông dám đứng lên nhận toàn bộ trách nhiệm về mình để che chắn, bảo vệ cho các học trò cũng thể hiện một  nét tính cách rất "trượng nghĩa" của ông.

Sau một thất bại ngoài tưởng tượng thì việc phân tích nó một cách rạch ròi, nhìn nhận công trạng của vị thuyền trưởng một cách rạch ròi sẽ giúp chúng ta đứng lên một cách nghiêm ngắn và tử tế!

Phan Đăng
.
.
.