Vụ "thủ môn song phi trọng tài": Những sự “bình thường” đầy bất thường

Thứ Bảy, 17/11/2012, 14:40
Xung quanh sự cố thủ môn Phạm Huỳnh Hữu Tâm (Bến Tre) thực hiện cú song phi như “phim chưởng” vào người trọng tài biên Phạm Hoài Tâm trong trận đấu có ý nghĩa tranh chấp ngôi đầu bảng D giải hạng Ba toàn quốc giữa Bến Tre – Vĩnh Long gây ồn ào các mặt báo thể thao 3 ngày nay, chúng tôi nhận được cú “phôn” của một đồng nghiệp trong Nam với hàm ý trách móc: “Một sự việc tề huề, phản cảm như thế, tại sao không thấy lên tiếng gì?”. Bạn đồng nghiệp còn nói thêm: “Một thủ môn 19 tuổi mà đã láo lếu, vô văn hóa như thế thì phải “đánh” mạnh lên chứ!”.

Xin thưa ngay, khi được CTV Dương Thu – người có mặt trực tiếp trên sân Vĩnh Long vào buổi chiều 14/11 thông báo vụ việc này thì cảm giác đầu tiên của chúng tôi là chán nản. Chán là bởi việc cầu thủ va chạm, chửi bới, đánh đập trọng tài đã là việc lặp đi lặp lại trong bóng đá xứ mình nhiều năm qua.

Năm 1985, khi còn là một trọng tài bóng đá, chứ chưa phải là một “tay viết” như bây giờ, chính CTV Dương Thu đã bị các cầu thủ Cần Thơ hành hung trong trận Cần Thơ – Vĩnh Long tại giải A2 toàn quốc cũng trên sân Vĩnh Long. Hơn chục năm sau thì lại ở sân Vĩnh Long, hình ảnh những cầu thủ Vĩnh Long rượt đánh trọng tài FIFA Trương Thế Toàn thậm chí đã được những người làm chương trình “Gặp nhau cuối tuần” (chương trình hài hước nổi tiếng trên VTV  một thời) đưa vào số đầu tiên của mình.

HLV Vương Tiến Dũng: “Tôi thấy xấu hổ với những hình ảnh bạo lực trên sân cỏ Việt Nam”. Ảnh: Quang Minh.

Xem hình ảnh một trọng tài phải chạy như chạy loạn trước sự “truy sát” của các cầu thủ, chắc chắn là không ít người phải… phì cười, nhưng nói như đạo diễn của chương trình này thì đấy là… những nụ cười ra nước mắt. Sau này, ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông Trương Thế Toàn nói rất thật: “May mà anh biết chạy, nghĩa là chạy kiểu dích dắc, để tụi nó không bám kịp. Chứ nếu chạy đơn giản theo đường thẳng, tụi nó tóm được ngay. Khi ấy, tụi nó tương những cái đinh giày vào người mình, có lẽ mình… chết chắc”.

Và câu chuyện trọng tài bị cầu thủ đuổi đánh còn tiếp diễn sau đó với nhiều trường hợp của Nguyễn Tuấn Hùng (người mới qua đời vì bệnh ung thư), Ngô Quốc Hưng, Phùng Đình Dũng…

Sau tất cả những sự việc này bao giờ cũng diễn ra một mô – típ quen thuộc: Cầu thủ đuổi đánh trọng tài khóc lóc với báo chí, rồi thông qua báo chí gửi lời xin lỗi tới trọng tài; những trọng tài bị đánh thì cám cảnh cho cái nghiệp  làm “vua” mà luôn đối mặt với nguy hiểm, còn VFF thì luôn mạnh miệng với những tuyên bố đại loại: phải xử tới cùng. Phải cấm thi đấu vĩnh viễn những kẻ vô văn hóa sân cỏ.

Thì đúng là sau đó VFF xử mạnh thật, và đã có những cầu thủ bị cấm vĩnh viễn, những đội bóng bị đánh tụt hạng thật. Nhưng vấn đề là khi những người cầm cân nảy mực xử xong rồi, những người trong cuộc ăn năn hối cải rồi thì những vụ việc tương tự sau đó… vẫn diễn ra. Tại sao? Tại trọng tài đã đánh mất niềm tin trầm trọng nơi các cầu thủ, nên cứ hễ trọng tài có biểu hiện này nọ là cầu thủ… tung võ ngay? Hay tại một bộ phận cầu thủ với tính cách hung hăng vốn có  luôn sẵn sàng… tung võ về phía trọng tài?

Trở lại với sự cố thủ thành Hữu Tâm song phi vào người trọng tài Hoài Tâm, một ngày sau khi xảy ra vụ việc, HLV của Hữu Tâm lên báo nói rằng học trò của mình đã mất ăn, mất ngủ, và khóc hoài vì hối tiếc. Còn TTK VFF Ngô Lê Bằng khẳng định phải loại vĩnh viễn Hữu Tâm khỏi đời sống bóng đá nước nhà. Có nghĩa là mô típ của câu chuyện “cầu thủ đánh trọng tài” này vẫn diễn ra “I – xì – phoóc” những câu chuyện “cầu thủ đánh trọng tài” trước đây.

Vì vậy điều chúng tôi quan tâm không phải là câu chuyện rồi sẽ đi tới đâu, mà là sau một lô, một lốc những câu chuyện như vậy, vấn đề giáo dục, giáo dưỡng cầu thủ (từ những cầu thủ ở đội năng khiếu cho đến những cầu thủ trưởng thành) sẽ được xem xét và nhận thức lại như thế nào? Bởi nếu chuyện “cầu thủ đánh trọng tài” chỉ xảy ra 1, 2 lần thì có thể coi đó chỉ là hiện tượng, nhưng khi nó đã lặp đi lặp lại nhiều lần thì đấy không còn là hiện tượng nữa.

Chia sẻ về vấn đề này, HLV cựu trào Vương Tiến Dũng cho biết: “Khi xem các cầu thủ U.23 Việt Nam đá láo, đá bậy với đối thủ tại SEA Games 26 – 2011, tôi thấy xấu hổ lắm. Tôi cho rằng, khi nào hệ thống đào tạo bóng đá Việt Nam còn sinh ra những cầu thủ sẵn sàng đá láo, đá bậy với đối phương thì chuyện họ sẵn sàng… hù dọa, tranh cãi, đánh đập trọng tài cũng là một chuyện rất, rất bình thường”.

Có lẽ, không riêng gì chúng tối, mà những người hâm mộ BĐVN nhiều năm qua đã quá chán nản với những cái "bình thường" đầy bất thường như thế

Phan Đăng
.
.
.