Vì sao đôi khi chẳng cần quá công bằng?

Chủ Nhật, 29/06/2014, 15:33
Hãy đặt sang một bên những yêu - ghét thông thường, những quan niệm nhàm chán về đạo đức và công lý, hoặc những “thuyết âm mưu” kỳ quặc. Chỉ trên khía cạnh chuyên môn thôi, việc Luis Suarez lên máy bay đã là một cách hữu hiệu để làm World Cup bớt đáng xem đi một chút.

1. Sự công bằng đôi khi thật tệ hại! Colombia đã không có Falcao, và bây giờ đối thủ của họ cũng mất mũi nhọn nguy hiểm nhất. HLV Jose Pekerman có đầy đủ lý do để ngủ ngon, nhưng bất kỳ CĐV trung lập nào cũng có thể “u sầu”.

Một World Cup “no nê” bàn thắng như lần này, sẽ không vì sự vắng mặt của một cá nhân mà “nhạt màu”. Song, đã đến giai đoạn mà số lượng bàn thắng không còn tạo nên niềm hoan hỉ quá “tưng bừng” nữa. Đã đến thời điểm của những con người sinh ra cho các trận đánh lớn, những người làm cả khán đài nhảy múa bằng cách đi trên lằn ranh mong manh giữa thiên tài và khùng điên.

Suarez là một nhân vật hiếm hoi luôn đủ sức để lại dấu ấn theo kiểu ấy. Mà World Cup này cũng đã vắng mặt quá nhiều gương mặt đáng được chiêm ngưỡng như thế rồi.

Người hâm mộ đổ xô ra sân bay đón Suarez.

2. Bên cạnh đó, cho dù Cavani có chưa tìm lại được diện mạo “hung thần” như những ngày còn ở Napoli, thì khi Suarez đứng cạnh anh, La Celestes vẫn là một đoàn quân chinh phục hiếm hoi đủ ngạo nghễ để luôn thi đấu với một “cặp săn bàn” đích thực.

Bóng đá đương đại, với những “số 9 ảo” hay những tiền đạo cánh sẵn sàng trở thành hậu vệ cánh và những “cú đấm từ tuyến sau”, đôi khi cũng làm bật lên tiếng thở dài của những người hay sống với hoài niệm. Từ “Lone striker” đến khuynh hướng “Non striker” hiện tại, những cặp “uyên ương song sát” đầy hăm dọa, như Pele và Tostao, như Voeller và Klinsmann, như Batigol và Claudio Lopez, hay gần nhất là Ronaldo và Adriano... ngày càng thưa thớt.  

Người ta không sẵn lòng “rộng tay” cho thêm một vị trí vào sân chỉ để gây sức ép lên vòng cấm đối thủ, với nhiệm vụ chính là tìm kiếm bàn thắng nữa, vì bây giờ, như thế là tạo thêm trách nhiệm cho những vị trí khác. Có chăng, chỉ là trong những hoàn cảnh tuyệt vọng.

3. Nhưng đó vẫn là cách tấn công mà Oscar Tabarez lựa chọn cho Uruguay. Cách “nhả đạn” lỗi thời của một “khẩu trọng liên hai nòng” vẫn đầy uy lực và vẫn đẹp đến rợn người, như khi Cavani dự cảm được cái lắc đầu của Suarez, để thực hiện một cú “nhồi bóng” đúng nghĩa, giữa những bức tường thành đang ép lại...

Đông Phong
.
.
.