Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Nan giải bài ca thể lực

Thứ Tư, 01/10/2014, 10:03
Sau trận chung kết giải U19 Đông Nam Á, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không ngại thổ lộ rằng điều ông sợ nhất trước trận đấu là cầu thủ Việt Nam không đủ thể lực để đá khoảng 20 phút cuối cùng, và nỗi sợ ấy đã trở thành sự thực.

1.Thực tế thì điều người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá sợ cũng là điều mà nhiều người sợ, bởi không phải đến giải U.19 Đông Nam Á, mà từ những giải đấu trước đó, điển hình là giải U.22 Đông Nam Á tại Brunei, các học trò của HLV Guilaume Graechen thường xuyên đuối sức trong khoảng 15, 20 phút cuối trận, và chính vì sự đuối sức ai cũng thấy này mà chúng ta đã không thể tổ chức trận đấu như mình mong muốn.

Những ngày tập trung tại Hàm Rồng - Gia Lai hiện nay, vấn đề thể lực cũng chính là vấn đề khiến HLV Graechen đau đầu nhất. Những bài tập ở cường độ cao đã được nhà cầm quân này áp dụng với mong muốn có thể nâng nền thể lực cho các cầu thủ trước khi bước vào giải đấu quan trọng nhất: VCK U.19 châu Á sắp diễn ra tại Myanmar. Những thông tin hậu trường cho hay, không loại trừ khả năng một chuyên gia thể lực cũng sẽ được PCT VFF, ông bầu Đoàn Nguyên Đức bổ sung gấp cho ĐT ở giải đấu quan trọng này.

2.Trong những trận đấu của ĐT Olympic Việt Nam tại Asiad 17 vừa qua, ai cũng thấy là vấn đề thể lực của các cầu thủ đã được cải thiện một cách đáng kể. Và đấy được xem là kết quả của một quá trình tập nặng kết hợp với những buổi ngâm mình trong nước đá mà HLV trưởng Miura đã áp dụng.

Cầu thủ Việt Nam (giữa) vẫn chưa đủ thể lực đấu sòng phẳng với những đội bóng mạnh châu Á. Ảnh: H.M.

Tuy nhiên, đến trận đấu ở vòng 1/8 với Olympic UAE  thì ai cũng nhận ra một điều: Trong khoảng 15 phút cuối trận, ngay cả khi chúng ta đá nhiều hơn đối thủ 1 người thì trong rất nhiều tình huống 2-3 cầu thủ phòng ngự của ta vẫn để cho một và chỉ một tiền đạo đối phương đi qua rõ ràng. Đó chính là biểu hiện rõ ràng của việc cầu thủ Việt Nam đã không có được sự tích luỹ thể lực dày dặn như cầu thủ đối phương. Có nghĩa mặc dù nền tảng thể lực đã ít nhiều được nâng cấp nhưng khi phải trải qua một chu kỳ thi đấu liên tiếp, lại phải đối diện với với những đội bóng Tây Á vốn trội về sức thì thể lực của cầu thủ Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu.

Thông tin từ Osak (Nhật Bản) - nơi ĐTVN đang tập luyện chuẩn bị cho mục tiêu AFF Suzuki Cup 2014 cho hay vấn đề thể lực cũng đang là điều mà HLV trưởng Miura cùng chuyên gia thể lực Fujimoto đặt lên hàng đầu. Những bài tập thể lực chuyên biệt của chuyên gia thể lực người Nhật Bản này đã bước đầu được áp dụng, và ông Miura hy vọng là sau 2 tháng nữa, chúng ta sẽ có một thể trạng thực sự khoẻ khoắn tại sân chơi lớn nhất Đông Nam Á.

3.Đây không phải là lần đầu tiên ĐTVN có sự xuất hiện của những chuyên gia thể lực. Để chuẩn bị cho Tiger Cup 2004 trên sân Mỹ Đình, HLV trưởng ĐTVN khi ấy là ông Tavares cũng đã mời người đồng hương, chuyên gia thể lực Biro đến Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia I (Nhổn - Hà Nội) để huấn luyện cho các học trò. Hồi ấy ai cũng khen những bài tập của ông Biro là khá phong phú, hứa hẹn sẽ đạt hiệu quả cao, nhưng thực tế thì Tiger Cup năm đó ĐTVN vỡ từ thể lực vỡ đến chuyên môn và vỡ cả về tinh thần sức sống.

Gần đây nhất, để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2012, HLV trưởng Phan Thanh Hùng cũng mời chuyên gia thể lực Dyanld Kyerr giúp sức, nhưng theo kết luận của Hội đồng HLV QG sau này thì chính những bài tập rất nặng, không phù hợp với thể trạng cầu thủ Việt Nam của ông thầy người Anh đã tạo ra tác dụng ngược. AFF Cup 2012, ĐTVN yếu đuối, nhợt nhạt ra sao là điều mà cả làng đều biết. 

4.Dễ thấy thể lực đã và đang là một vấn đề hết sức nan giải của bóng đá Việt Nam. Nếu không hướng đến việc giải quyết vấn đề một cách gốc rễ như  tạo ra một chế độ dinh dưỡng phù hợp, đủ chất lượng từ khi các cầu thủ còn thuộc các lứa U.11, U.13 thì chuyện mời những chuyên gia thể lực đến “cấp cứu” cho các ĐTQG xem ra chỉ là một cách làm ngắt ngọn, mang tính chất tự an ủi, vỗ về bản thân ở góc độ tinh thần là chính!

Diệp Xưa
.
.
.