VPF và cuộc chơi đang được... bình ổn giá

Thứ Ba, 20/12/2011, 15:29
Với sự ra đời của VPF, và với việc các ông bầu trong bộ máy lãnh đạo VPF đã bắt tay nhau cam kết không phá giá thị trường thì rõ ràng là các cầu thủ sẽ không còn được mua - bán một cách dễ dàng với những cái giá ngất ngưởng như trước nữa.

Sự kiện tuyển thủ Quốc gia Huỳnh Quang Thanh tưởng là đã về CLB FC Sài Gòn với cái giá lót tay 10 tỷ nhưng lại “đổ bể” cuối cùng cũng đã có được một câu trả lời chính thức, công khai của bầu Lãm - ông bầu của FC Sài Gòn. Trả lời một tờ báo, ông Lãm nói rất thẳng rằng vì là một thành viên của Hội đồng Quản trị VPF nên ông không thể phá vỡ những giao kết của các ông bầu trong việc cùng “bình ổn giá” cuộc chơi V.League.

Phải khẳng định rằng việc FC Sài Gòn thông qua ông GĐĐH Trần Tiền Đại đã tiếp xúc với Quang Thanh và “ra giá” 10 tỷ với Quang Thanh là việc hoàn toàn có thật. Đấy là thời điểm mà bầu Lãm mới chân ướt chân ráo bước chân vào làng bóng, và chưa có tên trong Ban lãnh đạo của VPF. Sau đó, ngay sau khi đắc cử làm PTGĐ VPF, nghĩa là cùng các ông bầu khác trong VPF đảm nhiệm sứ mệnh “bình ổn giá” cuộc chơi V.League thì bầu Lãm lại đã quay ngoắt 180 độ trong phi vụ Quang Thanh. Bởi ông hiểu cái giá 10 tỷ cho một cầu thủ Việt Nam hiện thời là… phá giá thị trường.

Đứng ở góc độ của Quang Thanh, việc bị người ta quay ngoắt như thế rõ ràng là việc khiến Thanh không thể không bức xúc. Đứng ở góc độ của bầu Lãm, việc quay ngoắt như thế dù không sai luật nhưng ít nhiều cũng khiến ông đánh mất uy tín trong giới cầu thủ. Tuy nhiên, dễ thấy là một khi bị đẩy vào hoàn cảnh phải chọn lựa trong việc “giữ uy tín” với một cầu thủ và “giữ uy tín” với những người cùng hội cùng thuyền ở VPF, ông Lãm có lý khi chọn giải pháp thứ hai.

Thế nên điều cần rút ra trong câu chuyện này không chỉ dừng ở việc Quang Thanh phải cẩn thận hơn và bầu Lãm cũng phải thận trọng hơn trong những vụ mua – bán tới đây, mà là tất cả các cầu thủ V.League bây giờ cần thiết phải “ý thức lại” giá trị và giá cả của mình.

Với sự ra đời của VPF, và với việc các ông bầu trong bộ máy lãnh đạo VPF đã bắt tay nhau cam kết không phá giá thị trường thì rõ ràng là các cầu thủ sẽ không còn được mua - bán một cách dễ dàng với những cái giá ngất ngưởng như trước nữa. Và sẽ khó có chuyện những “kỷ lục chuyển nhượng” liên tiếp được phá từ mức 1 tỷ đến 3 tỷ rồi 7 tỷ, 10 tỷ, thậm chí là 12 tỷ như trước nữa.

Một khi đã ý thức rõ điều này, cầu thủ chắc chắn  sẽ toàn tâm toàn ý hơn trong việc thi đấu cho đội bóng hiện tại, chứ không còn tìm đủ mọi cách làm “reo” để được ra đi như đã từng có trong quá khứ. Nhìn nhận như vậy sẽ thấy sự ra đời của VPF bước đầu đã thể hiện những giá trị tích cực trong việc bình ổn giá cả của cuộc chơi V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

Hợp đồng hụt của Quang Thanh là dấu hiệu của một cuộc… bình ổn giá cả ở sân chơi V.League? Ảnh: Quang Minh.

Mà không chỉ dừng lại ở vấn đề giá cả một cầu thủ, ngay cả vấn đề giá cả cho một trận đấu cũng đã được định vị lại một cách hợp lý. Nói như PCT VPF Nguyễn Đức Kiên thì từ giờ trở đi, trước mỗi mùa giải, các CLB phải đăng ký mức thưởng cho mỗi một chiến thắng, và mức thưởng ấy không thể vượt quá mức trần là 500 triệu đồng.

Ông Kiên nói rằng VPF hoàn toàn có khả năng giám sát tài chính các CLB để xem có ai phá khung thưởng hay không. Với những sự thay đổi như vậy, chắc chắn chuyện các cầu thủ sẽ nhận từ 1 đến 2 tỷ sau một trận đấu, hay cá biệt là 10 tỷ sau 4 trận đấu (trường hợp Hải Phòng năm ngoái) sẽ chấm dứt.

Những năm vừa qua, V.League đã ở vào tình trạng điêu đứng vì… giá cả. Cái tình trạng mà với nó, đồng tiền được vung ra vô tội vạ và đội giành chiến thắng trong nhiều trường hợp không hẳn là đội mạnh hơn, mà lại là đội nặng đô hơn và chịu chi hơn. Thế nên những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc… bình ổn giá cả thực sự là những dấu hiệu đáng mừng, hứa hẹn bóng đá Việt Nam rồi sẽ theo đúng với quy luật của sự phát triển. Chỉ có một thắc mắc duy nhất, nho nhỏ này thôi: Trong những cuộc cạnh tranh một sống hai chết cho một mùa giải, có khi nào người ta đột ngột xé cam kết để cứu đội bóng của mình hay không?

Hỏi như thế là bởi lịch sử BĐVN đã từng chứng kiến rất nhiều những lời cam kết bị chính những người đứng ra cam kết phản bội lại, không lâu ngay sau đó!

Ngọc Anh
.
.
.