V.League 2008: “Nội” đắt nhưng không “xắt ra miếng”

Thứ Ba, 22/01/2008, 08:34

Tại sao khi giá những nội binh đang tăng một cách phi mã, thì bản thân các đội bóng vẫn phải sống và thở bằng những "lỗ mũi" ngoại như cái buổi ban đầu bóng đá Việt bỡ ngỡ cởi bỏ chiếc áo bao cấp để lên "chuyên"?

Người ta đang nói về một V.League đầy bất ngờ khi mà sau chặng khởi động, kẻ đang thống trị top đầu của bảng xếp hạng lại là những người từng bị xếp vào nhóm "ứng cử viên" cho suất rớt hạng trước giờ bóng lăn như Thép Miền Nam.CSG và Xi măng Hải Phòng. Trong khi đó, các đại gia, phú hộ của làng bóng Việt như Bình Dương và nhất là Đà Nẵng, lại ì ạch ở nửa cuối bảng xếp hạng.

Thế nhưng, giữa vô vàn những điều bất ngờ, chặng xuất phát V.League vẫn có một điều không hề... bất ngờ: Sự thắng thế của những ngoại binh trên danh sách "Vua dội bom"... Thậm chí, ở một chừng mực nào đó, sẽ là không quá khi nói rằng, những chân sút ngoại đã thể hiện dấu ấn quyết định tới số phận của các đội bóng ở những vòng đấu vừa qua.

Chẳng nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào lượt trận thứ 3 vừa diễn ra, một lượt trận có sự đột biến về số lượng bàn thắng so với 2 vòng trước (17 bàn), người ta cũng phần nào đo đếm được vai trò quan trọng của các "lính đánh thuê" ngoại quốc trên mặt trận tấn công của các đội bóng Việt.

Ai là tác giả của 13/17 bàn thắng của vòng 3?

Ai là người giúp Thể Công vượt qua cái "mặc cảm" 7 năm dưới kèo trong những cuộc đối đầu với Nam Định?

Ai là người mang về chiến thắng đầu tay cho Đồng Tâm.LA?

Ai là người khiến HAGL, Thanh Hóa có được 3 điểm dễ dàng từ tay Hà Nội.ACB, Nghệ An?

Ai là người mở ra hy vọng cưa điểm cho Hòa Phát.Hà Nội trong màn rượt đuổi tỷ số nghẹt thở với Bình Định?

Ai là người tạo ra cơn địa chấn của Thép Miền Nam-CSG trước những nhà ĐKVĐ V.League, Bình Dương ngay tại đất Thủ?

Ai là người góp công lớn trong cuộc đánh đắm con tầu Khánh Hoà ngay trên phố biển của Xi măng Hải Phòng?

Ai và ai? Tất cả những câu hỏi đó đều có chung một đáp số: Ngoại binh - một đáp số đã tồn tại trong dặm dài 8 năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp.

Thế nhưng chính cái đáp số cũ kỹ đó lại đặt ra một nghịch lý mới: Tại sao khi giá những nội binh đang tăng một cách phi mã, thì bản thân các đội bóng vẫn phải sống và thở bằng những "lỗ mũi" ngoại như cái buổi ban đầu bóng đá Việt bỡ ngỡ cởi bỏ chiếc áo bao cấp để lên chuyên?

Tại sao khi các CLB lao vào những cuộc tranh cãi ầm ĩ xung quanh việc chuyển nhượng cầu thủ nội, thì mọi chuyện sinh tồn, thành bại của họ trên đấu trường, vẫn lệ thuộc và phụ thuộc vào "hàng ngoại"?

Tại sao thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội lên cơn sốt giá, nhưng nội binh vẫn chỉ là cái bóng tẻ nhạt trên sân, cho dù về số lượng họ chiếm số đông?

Tại sao người ta chịu chơi bỏ tiền tỷ ra mua cầu thủ nội, nhưng vẫn chơi chịu vào sức lực của cầu thủ ngoại, cũng như sự chênh lệch quá lớn về tầm quan trọng, ảnh hưởng giữa ngoại binh và nội binh đến thành tích thi đấu của các đội, lại không thu hẹp?

Có người lý giải rằng, chính việc các đội bóng sống dựa quá nhiều vào những đôi chân ngoại, đã khiến nội binh, đặc biệt là những nội binh có khả năng đảm đương những vị trí quan trọng trong đội hình, ngày càng trở nên quý hiếm. Và dĩ nhiên một khi đã được xếp vào "sách đỏ" thì phải... đắt. Còn giá trị sử dụng thực sự đến đâu của "hàng nội" thì còn... tùy.

Đây cũng là một lý giải có cơ sở, nhưng đồng thời cũng tô đậm thêm sự ngậm ngùi và âu lo trong câu hỏi: Khi mà giá cầu thủ nội đã tiến tới rất gần với cầu thủ ngoại, thì đến bao giờ ngoại binh thôi thắng thế trên bàn cân với nội binh về tỷ lệ ghi bàn, phong độ, sự nỗ lực và cả cống hiến?

Bảo Hân
.
.
.