VĐV Olympic bỏ cuộc và nỗi đau của Taekwondo Việt Nam

Thứ Sáu, 16/11/2012, 12:55
Chu Hoàng Diệu Linh - một trong hai võ sĩ Taekwondo Việt Nam tham dự Olympic 2012 vừa quyết định từ giã sự nghiệp ở tuổi 18, bất chấp sự can ngăn, thuyết phục của BHL ĐT và các quan chức ngành thể thao. Tại sao Diệu Linh lại có một quyết định đường đột như thế? Và từ câu chuyện của Diệu Linh, cần phải nhìn nhận thế nào về tương lai của Taekwondo Việt Nam – một trong những môn chủ lực của thể thao Việt Nam hàng chục năm qua?

“Tiếc lắm! Nhưng biết làm sao…?”

12 tuổi, khi đang học ở Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội), Chu Hoàng Diệu Linh được bố mẹ cho đi học Taekwondo ở quận với mục đích rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Nhưng không lâu sau khi “nhập môn”, Diệu Linh đã được các thầy nhận diện là một tài năng đặc biệt, và do đó đã được gửi vào đào tạo ở ĐT Taekwondo Hà Nội. Với chiều cao lý tưởng (170 cm) và những “tố chất võ thuật tuyệt vời” (nhận xét của các chuyên gia Hàn Quốc), chỉ 3 năm sau Linh đã khoác áo ĐTQG, và gặt HCV đầu tiên trong màu áo QG vào năm 2010.

Vòng loại Olympic London 2012, dù chỉ được xếp làm hạt giống cuối cùng ở hạng cân 67 kg khu vực châu Á, nhưng Linh đã xuất sắc đánh bại VĐV Manita Sahi của Nepal – người được xếp làm hạt giống thứ hai, cũng đồng thời là VĐV đứng hạng 18 thế giới để cùng với Hoàng Diệu Châu đại diện cho Taekwondo Việt Nam tham dự sân chơi Olympic.

Cần phải nhắc lại rằng nếu một suất dự Olympic của Diệu Châu hoàn toàn nằm trong tính toán của BHL ĐT Taekwondo Việt Nam thì suất của Linh là một bất ngờ mà theo mô tả của HLV trưởng Hồ Anh Tuấn thì “không khác gì một kỳ tích”. Vào tới sân chơi Olympic, trước những đối thủ vượt trội mình về tuổi đời, tuổi nghề và kinh nghiệm thi đấu, Linh đã sớm bị loại nhưng em lập tức được đưa vào diện “những VĐV qui hoạch” cho kỳ Olympic tiếp theo.

Mất Diệu Linh, Taekwondo Việt Nam mất đi một... viên ngọc quý.

Biết rõ được khả năng phát triển của mình nhưng ngay sau khi kết thúc Olympic 2012, Diệu Linh đã viết đơn xin rút khỏi ĐT Taekwondo Việt Nam, và sau đó thì mẹ Linh chính thức đề nghị với ngành thể thao cho con mình không tham gia môn võ này. Cả trưởng bộ môn Taekwondo Vũ Xuân Thành lẫn HLV trưởng ĐT Hồ Anh Tuấn đều đã đến gặp gia đình Linh thuyết phục, thậm chí căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa Diệu Linh với Sở TDTT Hà Nội để nói tới việc “nếu cứ quyết tâm bỏ, Linh phải bồi hoàn lại kinh phí mà ngành thể thao đã đầu tư cho mình…”, nhưng rốt cuộc gia đình Linh vẫn cương quyết không cho con mình theo nghiệp võ. HLV Hồ Anh Tuấn ngán ngẩm nói: “Tiếc lắm, tiếc đứt ruột. Nhưng người ta đã quyết tâm bỏ cuộc như vậy thì biết làm sao bây giờ?”.

Liên đoàn èo uột, VĐV không bỏ mới lạ

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Diệu Linh chỉ là VĐV xuất sắc nhất, chứ không phải VĐV duy nhất bỏ cuộc. Từ trước tới nay có không dưới chục VĐV Taekwondo khi bước sang tuổi 18 – nghĩa là học xong lớp 12 là lại… bỏ cuộc giữa chừng. HLV Hồ Anh Tuấn nói rằng, một VĐV Taekwondo khoác áo ĐTQG được trả công 150.000 đồng/ngày, trừ đi tất cả các khoản thì một tháng trung binh nhận về khoảng 4 triệu đồng.

Không khó thấy rằng giữa việc cứ trung thành với Taekwondo để nhận 4 triệu đồng/tháng với việc thoát khỏi môn võ này để tìm kiếm những cơ hội kiếm tiền lớn hơn, những VĐV ở tuổi 18, 20 như Diệu Linh chắc chắn sẽ chọn giải pháp thứ hai. HLV Hồ Anh Tuấn nói thêm: “Thực sự là chỉ có những VĐV không có những cơ hội kiếm tiền khác mới trung thành với môn võ này mà thôi!”. 

Vậy thì rõ ràng là muốn các VĐV triển vọng như Diệu Linh theo sự nghiệp Taekwondo một cách lâu dài, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cần phải có những hoạt động tích cực, sáng tạo để tìm kiếm thêm nguồn thu cho họ. Nhưng nói đến Liên đoàn  Taekwondo Việt Nam rất ít khi người ta nghe tới việc họ đã kiếm tiền như thế nào, và đồng tiền ấy được “tái đầu tư” để nâng cao phát triển cuộc sống của các VĐV ra sao, mà chỉ nghe thấy những vụ kiện tụng liên quan đến…tiền.

Chẳng hạn như năm 2007, Liên đoàn này từng ký hợp đồng tài trợ lên tới 200.000 USD với tập đoàn Basown (Hồng Kông) để tổ chức giải Taekwondo tuyển chọn khu vực châu Á, tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng vì thời gian ký kết cận kề với thời gian tổ chức giải, nhà tài trợ không thể chuyển tiền kịp thời nên Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã vay một doanh nghiệp tư nhân 200 000 USD với cam kết là tới hạn tập đoàn Basown trả tiền cho mình thì mình sẽ… trả nợ. Trớ trêu là đến quá thời hạn chuyển tiền mà Basown vẫn… bặt vô âm tín, và thế là giữa bên tài trợ với bên được tài trợ, giữa bên cho vay và bên vay đã diễn ra tranh cãi, kiện cáo tùm lum...

Rõ ràng là chỉ ở Liên đoàn Taekwondo mới xảy ra những chuyện như thế. Và với một Liên đoàn hoạt động như thế, chuyện những tài năng Taekwondo cứ lần lượt bỏ cuộc là chuyện không bất ngờ. Nghĩ mà đau cho một môn võ luôn được xác định là môn chủ lực của thể thao nước nhà!

Phan Đăng
.
.
.