Từ sự ngã ngựa bất ngờ của những "ông lớn" châu Âu: Giống như sàn chứng khoán
Sẽ có bao nhiêu khán giả ngồi trước màn hình tivi vào lúc 3 giờ sáng (giờ Việt Nam) để theo dõi cuộc đấu Hy Lạp - Costa Rica. Và có bao nhiêu CĐV trung lập hứng thú với cặp đấu Bỉ - Mỹ? Giá trị của một giải đấu luôn được tạo nên bởi tên tuổi của những ngôi sao. Xét trên khía cạnh này, rõ ràng World Cup 2014 đang... xuống giá!
Khi đội tuyển Anh lên đường về nước, tờ Dailymail thống kê tổn thất mà một CĐV đội bóng này phải gánh chịu. Kết luận của tờ báo này cho biết, CĐV kia thiệt hại về kinh tế là 5.200 bảng (gồm 1.200 bảng tiền vé bay đến Rio, 2.000 bảng để xem các trận đấu, 2.000 bảng cho chi phí lưu trú), nhưng mất mát về tinh thần thì không gì đong đếm nổi.
Một thống kê khác của BBC cũng cho hay, vào ngày Thứ hai, sau trận thua của Anh trước tuyển Italia, thị trường chứng khoán Anh giảm 0.34%, trong khi các thị trường lớn khác giữ nguyên. Còn lúc Tây Ban Nha thất thủ 1-5 trước Hà Lan, sàn chứng khoán nước này giảm đến 1% vào ngày hôm sau, trong khi thế giới giữ nguyên điểm...
Một CĐV Anh thiệt hại về kinh tế là 5.200 bảng (gồm 1.200 bảng tiền vé bay đến Rio, 2.000 bảng để xem các trận đấu, 2.000 bảng cho chi phí lưu trú) |
Rõ ràng, những bất ngờ của vòng bảng đem lại nhiều tác động tiêu cực cho những “ông lớn” sa cơ. FIFA hẳn nhiên không vui, nước chủ nhà Brazil càng có lý do để không thích điều này. CĐV Anh, Italia hay Tây Ban Nha chắc chắn sẽ đông hơn, chi tiêu phóng tay hơn so với CĐV của quốc gia đang ngập trong nợ nần như Hy Lạp...
Nhưng có lẽ, sự rớt giá của World Cup do ảnh hưởng của những bất ngờ cũng chỉ giống như sự đi xuống của mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Nghĩa là, biểu hiện đó chỉ mang tính nhất thời.
HLV ĐT Mỹ Jurgen Klinsmann từng đặt câu hỏi: “Tại sao Mỹ lại tham dự World Cup dù biết không thể chiến thắng chung cuộc?”. Câu trả lời được Klinsmann đúc kết như sau: “World Cup là cơ hội lớn để mang hình ảnh quốc gia đến với thế giới. Một chiến thắng của các đội bóng bị đánh giá thấp ở World Cup là thông điệp nhiều ý nghĩa về nền bóng đá, về đất nước họ. Nó cũng sẽ được nhắc đến như bài học cho những ĐT “lót đường” khi đến với sân chơi thế giới”.
Thành quả của Costa Rica, Hy Lạp... ít nhiều sẽ truyền cảm hứng cho phần còn lại của bóng đá thế giới nuôi hi vọng phá vỡ vòng quay như được lập trình của 8 tên tuổi lớn tại các kỳ World Cup. (Tính cạnh tranh của giải đấu này vì thế mà được nâng cao).
Với các nền bóng đá lớn, “nạn nhân” của những bất ngờ tại vòng bảng vừa qua thì việc về nước sớm cũng là cơ hội lớn để họ nhìn lại mình. Tây Ban Nha bị Pháp tiễn về nước ngay vòng 1/8 kỳ World Cup 2006, nhưng nhờ thế mà 4 năm sau họ lần đầu lên ngôi vương thế giới. Pháp thậm chí không kiếm nổi tấm vé đến Mỹ dự VCK World Cup 1994, nhưng 4 năm sau họ rực rỡ thế nào thì ai cũng thấy...
Cần biết thêm rằng, ít ngày sau khi giảm điểm bởi thất bại của ĐT Tây Ban Nha, thị trường chứng khoán nước này lại phục hồi bởi sự kiện Thái tử Felipe lên ngôi vương. Tương tự, nếu ngày 13-7 tới, trận chung kết World Cup diễn ra giữa 2 đội Brazil và Argentina, hay một kịch bản gần giống như thế, mọi thứ sẽ lại được vãn hồi. Ít nhất là về mặt hình ảnh!
Hiểm họa Nam bán cầu Kể từ World Cup 1998, khi số lượng các đội dự vòng chung kết tăng lên 32, các đội bóng châu Âu có vẻ thất thế khi phải thi đấu ở Nam bán cầu, nơi có khí hậu nghịch với châu Âu. 1. Năm 1998, World Cup được tổ chức tại Pháp, châu Âu có 10/15 đại diện lọt vào vòng 2. Con số này giảm đi vào năm 2002 trên đất Nhật - Hàn khi châu Âu chỉ có 9/15 đại diện. 2. Năm 2006 ở Đức, dù chỉ còn 14 suất nhưng châu Âu vẫn có 10 đội lọt vào vòng knock-out. Gần đây nhất, khi World Cup tổ chức tại Nam Phi (quốc gia Nam bán cầu), châu Âu có 13 đội nhưng chỉ còn 6 đội qua được vòng bảng. 3. Hiện tại ở Brazil, một quốc gia cũng thuộc Nam bán cầu, hàng loạt ông lớn châu Âu ra về. Trong khi đó, Nam Mỹ đánh dấu kỳ World Cup thứ 2 liên tiếp có tới 5/5 (2010) và 5/6 (2014) đại diện vượt qua vòng bảng. Tiểu Hàn |