Từ cú ngã ngựa của Việt Nam nhìn lại nền bóng đá Đông Nam Á

Thứ Tư, 11/12/2013, 11:23
Nếu ai đó đã xem trận đấu nhạt nhòa giữa U23 Việt Nam và U23 Singapore để rồi sau đó vài giờ chứng kiến "Man Xanh" lội ngược dòng trước Hùm Xám Bayern thì chắc chắn đều có nhận định rằng trình độ bóng đá tại "ao làng" Đông Nam Á vẫn còn một khoảng cách quá xa với thế giới.

Việt Nam vào trận với Singapore khi đang còn say hương vị chiến thắng tới 7-0 trước Brunei, nhưng có lẽ nhiều cầu thủ và thậm chí cả ban huấn luyện của U23 đã không hiểu đối thủ hôm nay đã khác.

U23 Việt Nam rơi từ trên mây xuống khi bị đội bạn ghi bàn từ một tình huống không lấy gì làm đặc sắc ở những phút bù giờ của hiệp 1. Không bàn về đấu pháp của Việt Nam không thay đổi gì so với trận đấu với Brunei bởi mỗi nhà cầm quân đều có toan tính riêng, mà chỉ cần nhìn cách các cầu thủ áo đỏ thi đấu người ta không còn nhìn thấy một tinh thần rực lửa như thế hệ tiền bối của những Hồng Sơn, hay Huỳnh Đức. Thất bại 0-1 có lẽ cũng là điều tốt khi giúp những đôi chân còn đang bay bổng của Việt Nam sớm trở về mặt đất.

Hương vị "nhàn nhạt" trong trận đấu của U23 Việt Nam với Singapore... Ảnh: VNE.

Tuy nhiên điều đáng nói, mục tiêu Việt Nam bao năm qua vẫn chỉ là ngôi vị số 1 ở "vùng trũng" Đông Nam Á này, chứ không hề chú trọng một chương trình dài hơi cho tương lai. Chúng ta đã thấy nhiều đời HLV ngoại và nội đến rồi đi, chúng ta tung hô họ sau chiến thắng nhưng khi gặp lấy một thất bại trên cái đấu trường khu vực thì việc đầu tiên mà  nhiều người nhắc đến là "trảm tướng".

Tất nhiên nếu nhìn ra thế giới, khi một đội bóng thi đấu không tốt thì HLV luôn là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất và việc họ phải ra đi là điều bình thường. Nhưng nếu việc này đặt trong bối cảnh nền bóng đá Việt Nam, cũng như việc so sánh trình độ của chúng ta trong bình diện khu vực thì việc này đem lại nhiều tác động bất lợi. Mỗi đời "thuyền trưởng" của U23 hay Đội tuyển quốc gia Việt Nam lại đưa đến một trường phái bóng đá khác nhau, và với việc liên tục thay đổi thầy thì trò có giỏi đến mấy cũng khó mà thích nghi. Đấy là còn chưa đến các tiêu cực nảy sinh trong đội ngủ những con người ra sân thi đấu vì màu cờ sắc áo của tổ quốc kia.

Chúng ta có thói quen tuyển quân từ các câu lạc bộ tại V - League mà không hề có một chương trình đào tạo cơ bản và đầy đủ như những nền bóng đá phát triển trên thế giới. Để có một thần đồng như Messi, CLB Barca đã bỏ ra nhiều năm trui rèn anh ở tuyển trẻ, cũng như vậy để có một Beckham, MU cũng cần có một tuyển trẻ để là "lò luyện".

...thật khác hẳn với trận cầu của Man "Xanh" ở Champions League.

Nhìn thành công mới đây của U19, nhiều người không hẳn cảm thấy khâm phục quyết định đúng đắn của Bầu Đức khi thành lập Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.

Nhìn ra khu vực, Philippine và Singapore với chiến lược nhập tịch hàng loạt cầu thủ nhằm nâng cao sức mạnh là một hướng đi có phần "tiêu cực", tuy nhiên nếu đặt trong bối cảnh khu vực thì điều đó cũng dễ hiểu. Ở một khu vực mà với 11 nền bóng đá nhưng liên tục vắng mặt ở những sân chơi tầm khu vực và thế giới thì thành tích ở khu vực là điều vừa sức với họ, và cách nhanh nhất để có một đội tuyển mạnh là đưa các cầu thủ ngoại quốc với trình độ kỹ thuật cao hơn hẳn "hàng nội" nhập tịch là một giải pháp dễ dàng.

Mấy năm nay, sau những bê bối của việc cầu thủ bán độ và thành tích bết bát của cả đội U23 và ĐTQG, sự quan tâm của người dân Việt Nam đến bóng đá nước nhà ít nhiều suy giảm nhưng niềm đam mê trái bóng tròn vẫn luôn rực cháy. Và tất nhiên khi "hàng nội" không đáp ứng thì hàng ngoại chất lượng cao là một sự lựa chọn tất yếu. Cứ nhìn những quán cafe bóng đá đông nghịt mỗi tối thứ bảy, hay những đêm trắng trong các kỳ World Cup, Euro thì biết.

Nhìn những "đôi chân ngoại" giá hàng triệu USD biểu diễn trên sân cỏ với sự chuyên nghiệp và niềm đam mê cống hiến bỗng có một ước ao về tương lai của nền bóng đá nội

Bình Nguyễn (tổng hợp)
.
.
.