Triết lý của bóng đá tấn công!

Thứ Ba, 13/07/2010, 14:44
Tây Ban Nha đã thắng Hà Lan 1-0 bằng một cú sút ở những phút cuối cùng của hiệp phụ để leo lên đỉnh thế giới lần đầu tiên trong lịch sử. Chiến tích ấy không chỉ có ý nghĩa với riêng bóng đá Tây Ban Nha, mà còn có ý nghĩa chung với cả đời sống bóng đá nhân loại khi nó được coi như sự chiến thắng của một kẻ chống lại cả thế giới.

Thời của sự thực dụng

Bóng đá thế giới cho đến kỳ World Cup 2010 này thực sự là một giai đoạn bóng đá mà sự thực dụng đã bao trùm tất cả. Ngoại trừ Tây Ban Nha, và một phần nào đó của Argentina, cùng một phần nào đó của Đức, tất cả các đội bóng còn lại của World Cup này đều vào trận với một tư tưởng thận trọng, và với một lối chơi nghiêng về phòng ngự. Khi Brazil - tín đồ trung thành nhất của bóng đá tấn công cũng chuyển qua chơi một thứ bóng đá đầy thực dụng thì người ta hiểu rằng thời của sự thực dụng thực sự đã hiện hình. Và khi mà Hà Lan - nơi khai sinh ra bóng đá tổng lực rừng rực lửa cũng chuyển qua chơi một thứ bóng đá toan tính, để rồi vào chung kết bằng đúng cái sự toan tính ấy thì người ta đã nghĩ rằng sự thực dụng rồi sẽ lên ngôi.

Quả thật tư tưởng thực dụng đã bao trùm World Cup, nhưng vào đúng những phút cuối cùng, khi mà người ta tưởng rằng nó sẽ lên ngôi thì rốt cuộc nó đã không thể lên ngôi. Công tâm mà nói, trong trận chung kết World Cup với Tây Ban Nha, một Hà Lan thực dụng đã có một thế trận rất kín kẽ và những đường phản công rất sắc sảo. Điển hình nhất là tình huống Robben 2 lần băng xuống đối mặt với thủ thành Tây Ban Nha, nhưng cả hai lần đều không tận dụng thời cơ chuẩn xác. Nếu một trong hai lần ấy, quả bóng đá vào lưới thì có thể bóng đá Hà Lan đã lên vua thế giới, và đúng là tư tưởng thực dụng đã được tôn vinh.

Tây Ban Nha một mình một lối

Trong khi thế giới đang được hâm nóng bởi bóng đá thực dụng thì người Tây Ban Nha lại vẫn trung thành với triết lý tấn công. Khách quan mà nói thì từ EURO 2008 cho đến World Cup 2010, phong cách tấn công của người Tây Ban Nha cũng có ít nhiều biến chuyển tình thế cẩn trọng hơn. Bằng chứng là nếu ở EURO 2008 họ chỉ đá với một tiền vệ phòng ngự và luôn đẩy tốc độ trận đấu lên rất cao thì ở World Cup 2010, họ lại đá với 2 tiền vệ phòng ngự, và luôn tấn công một cách đều đều chậm rãi. Những sự thận trọng ấy có thể là kết quả của một cuộc thay thế HLV, nơi mà "nhà hiền triết" Agornes lùi vào hậu trường và nhường ghế lại cho Del Bosque.

Nhưng rõ ràng, bất chấp những thay đổi như vậy thì Tây Ban Nha của World Cup 2010 vẫn là một Tây Ban Nha điển hình nhất cho bóng đá tấn công. Trong tất cả các trận đấu và với tất cả các đối thủ, Tây Ban Nha đều vào trận với khát vọng chiến thắng và với ý đồ lao lên đánh chiếm trận địa của đối phương. Tư tưởng tấn công mạnh mẽ đến nỗi ngay cả khi họ đã dẫn bàn, và ngay cả khi trận đấu trôi về những phút cuối thì việc mà họ thực hiện chỉ làm giảm nhịp điệu tấn công chút ít, chứ không co về tử thủ, rồi giở chiêu "câu giờ" như phần lớn các đội bóng trong cái thế giới bóng đá hiện đại này vẫn hay làm.

Rõ ràng là bóng đá tấn công, được tạo nên bởi một dàn cầu thủ kĩ thuật và đẳng cấp của Tây Ban Nha đã giúp họ leo lên đỉnh thế giới trong bối cảnh mà cả thế giới đều đang chạy theo triết lý của sự thực dụng.

Đấy là một nghịch lý của thời đại, hay chính là sự trả công xứng đáng cho những anh tài dám một mình chống lại cả nhân gian?

Diệp Xưa
.
.
.