Thể thao Việt Nam: Thưởng mạnh tay

Thứ Tư, 20/07/2016, 08:14
Trong sự chuẩn bị cho Olympic 2016, nhiều môn thế mạnh của thể thao Việt Nam đã giành suất chính thức để đi Brazil thi đấu vào tháng 8 tới đây. Bây giờ là lúc số suất được chốt cụ thể và nhiều Liên đoàn thể thao của các môn thể thao tại Việt Nam bắt đầu hướng đến ghi nhận, trao thưởng cũng như treo thưởng…

Mạnh nhất vẫn là bắn súng

Trong hoạt động mới nhất vào sáng 19-7 tại Hà Nội, các Liên đoàn điền kinh Việt Nam và thể dục Việt Nam cùng lúc tổ chức trao thưởng cho những VĐV của mình đã giành suất chính thức dự Olympic 2016.

Điền kinh có 2 VĐV giành vé Olympic 2016 (Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thành Ngưng) và mỗi người được thưởng 50 triệu đồng nhờ kết quả giành suất chính thức.

Thể dục dụng cụ có 2 tuyển thủ đạt suất chính thức Olympic là Phạm  Phước Hưng và Phan Thị Hà Thanh, mỗi người được thưởng 20 triệu đồng.

Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam - ông Hoàng Vệ Dũng đã chia sẻ thẳng thắn ngay trong lễ trao thưởng cho các tuyển thủ điền kinh dự Olympic 2016 với đại ý rằng mức thưởng chỉ là rất nhỏ so với nỗ lực phấn đấu trong thi đấu, giành kết quả của VĐV. Tuy nhiên, ai cũng biết, vận động viên được thưởng nhiều hay không nằm ở con số các nhà tài trợ nhiều hay ít và tài trợ bao nhiêu.

Trước đó, Liên đoàn bắn súng Việt Nam lần đầu tiến hành treo thưởng kết quả Olympic 2016 cho các xạ thủ với mức tiền nhiều… chóng mặt. Tìm được nhà tài trợ mạnh và thể hiện sự chú ý, bắn súng treo mức thưởng nếu xạ thủ giành 1 HCV nhận thưởng nóng khoảng 2,2 tỷ đồng.

Nếu chỉ giành huy chương (không phải HCV), xạ thủ sẽ nhận trên dưới 1,8 tỷ đồng. Điền kinh và thể dục không treo thưởng cụ thể bởi tất cả đều khẳng định, trao thưởng sẽ ý nghĩa hơn, trực tiếp hơn và nhà quản lý cam kết đồng hành tối đa cùng các tuyển thủ tại Olympic 2016 sắp tới.

Chắc chắn, khi đã có Liên đoàn bắn súng, điền kinh, thể dục đã trao thưởng và treo thưởng như vậy thì nhiều Liên đoàn các môn thể thao khác không thể ngồi yên.

Ngoài 3 môn trên, chúng ta tới Olympic 2016 thi đấu trong các môn khác là bơi lội, cử tạ, judo, cầu lông, rowing, vật, đấu kiếm… vì thế VĐV của những môn này cũng chờ một sự khích lệ tinh thần bằng vật chất. Điều này là phù hợp.

Nỗ lực giành được vé Olympic không phải tuyển thủ nào cũng đạt được, nhất là trong thể thao Việt Nam. Thi đấu vì màu cờ sắc áo là điều đặt lên trên hết nhưng nếu được thưởng xứng đáng thì động lực tinh thần của tuyển thủ càng mạnh mẽ hơn.

Nguyễn Thị Huyền trong buổi nhận thưởng giành suất Olympic 2016. 

Quan trọng là cơ chế

Thực tế, thể thao Việt Nam chưa có quy chế về thưởng cho VĐV giành được suất Olympic. Quy chế thưởng chỉ dành cho VĐV hay HLV đạt được kết quả thi đấu cụ thể trong các đại hội thể thao, giải thể thao quốc tế. “Hiện chúng tôi đã báo cáo Bộ VH-TT&DL để xây dựng chính sách cho VĐV tham dự vòng loại Olympic. Điều này để ghi nhận thành tích của VĐV tốt hơn”, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2016 – ông Trần Đức Phấn khẳng định. Nếu được như vậy, vinh quang cho những người được dự Olympic ngoài tấm vé chính thức còn là phần thưởng vật chất rất đáng quý.

Lễ trao thưởng VĐV đạt suất Olympic 2016 vừa rồi, nhiều người hơi bất ngờ khi VĐV được thưởng là chính trong khi HLV không trong hạng mục được nhận thưởng.

“Các nhà tài trợ đồng hành cùng điền kinh là điều vô cùng đáng quý. Chúng ta vẫn còn nhiều tuyển thủ tiềm năng chưa có được suất Olympic nhưng hy vọng tương lai sẽ đạt được. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm hơn tới các HLV, trọng tài chứ không riêng VĐV để có phương thức thưởng, tài trợ phù hợp”, Chủ tịch Hoàng Vệ Dũng cho biết.

Rõ ràng, thành công của VĐV ngoài 60% nỗ lực của họ còn có 40% công sức từ người thầy chứ không thể một mình làm nên tất cả.

Diệu Phương
.
.
.