Tầm nhìn từ câu chuyện giảm cân cho vận động viên

Chủ Nhật, 24/05/2020, 08:48
Dịch COVID-19 từ tháng 2 đến tháng 4-2020 đã khiến nhiều đội thể thao phải thay đổi toàn bộ giáo án tập luyện. Đến khi các đội tập trung trở lại sau thời gian giãn cách xã hội bắt đầu từ nửa đầu tháng 5, vấn đề lớn nhất của các đội là giúp vận động viên (VĐV) lấy lại vóc dáng cũng như trọng lượng như trước khi có dịch COVID-19.

Thế nhưng, đó không phải là việc dễ. Làm không khéo dễ hỏng việc, thậm chí hỏng nghiệp VĐV.

Tăng cân là chuyện bình thường

Câu chuyện tập luyện trực tuyến hay tự tập luyện tại nhà trong thời gian cao điểm của dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay, đặc biệt là vào tháng 4, đã được nhắc đến nhiều. Ngay lúc ấy, huấn luyện viên (HLV) nhiều bộ môn, đặc biệt là các môn võ, đã lo ngại sẽ phải đối mặt với việc học trò tăng cân. Đấy là điều bình thường khi họ không ăn ở tập trung, không có sự giám sát của các HLV và không tập luyện đủ khối lượng cần thiết. Vấn đề là trong môn võ, chỉ tăng nửa kg cũng đã là vấn đề, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thi đấu.

Đến khi các đội võ trở lại tập luyện sau kết thúc giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, lo ngại của các HLV đã thành sự thật. Cũng may, họ đã chuẩn bị tinh thần nên bình tĩnh đón nhận và động viên học trò giải quyết vấn đề.

Như ở đội pencak silat Hà Nội, khá nhiều võ sĩ tăng cân. Người ít từ 2-3kg, người nhiều tăng 4-5kg. Theo Trưởng bộ môn pencak silat Hà Nội Trần Thu Hương, dù các VĐV vẫn tập luyện hằng ngày tại nhà thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nhưng vẫn không thể kiểm soát được trọng lượng.

Trong khi đó, hầu hết các võ sĩ boxing nữ Hà Nội được cho về nhà để phòng, chống dịch COVID-19 đều tăng cân khi tập trung trở lại. Theo HLV Nguyễn Như Cường, phụ trách boxing nữ Hà Nội, việc VĐV tăng cân trong giai đoạn tập luyện ở nhà vì dịch COVID-19 là không thể tránh khỏi.

Tại đội wushu Hà Nội, cũng có không ít võ sĩ đối kháng tăng cân, có người tăng tới 5kg chỉ sau 1 tháng tập ở nhà để phòng, chống dịch COVID-19. Phó Trưởng bộ môn wushu Hà Nội Phan Quốc Vinh kể rằng, các VĐV đều đang trong giai đoạn sung sức nên tập luyện cầm chừng là tăng cân. Trong thi đấu đối kháng, có chia hạng cân nên tăng vài ba kg cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Một trong những môn võ có ít VĐV tăng trọng lượng nhất có lẽ là đội muay-kickboxing Hà Nội. Đơn giản vì trong thời gian cách ly xã hội, nhiều VĐV trong đội, đến từ nhiều địa phương khác, không thể về quê nên ở lại tập trung tập luyện khép kín, kể cả khi phải áp dụng các biện pháp phòng dịch khắt khe nhất. Chính vì vậy, họ vẫn giữ được trọng lượng kể cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngay lúc này, các HLV của đội sẵn sàng đưa học trò tham dự các giải quốc gia trong thời gian tới mà không lo học trò bị ảnh hưởng bởi vấn đề trọng lượng.

Đội boxing nữ Hà Nội đang tập luyện lấy lại thể trạng cho VĐV để đạt thành tích tốt nhất trong nửa cuối năm 2020.

Lấy lại vóc dáng là chuyện không đơn giản

Cũng vì nhiều học trò tăng trọng lượng nên cả giai đoạn trở lại tập trung tập luyện sau dịch COVID-19 vừa qua, nhiều bộ môn võ chỉ tập trung vào giảm trọng lượng cho học trò để giúp họ lấy lại phong độ, thể lực. Những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua là dịp thuận lợi để VĐV giảm cân khi lượng mỡ thừa được “đốt cháy” nhanh chóng thông qua việc tập luyện cũng như tác động của thời tiết.

Tất nhiên, để ép cân cũng có nhiều cách tiếp cận trong đó có thể ép để giảm trọng lượng ngay hoặc giảm trọng lượng từ từ. Về lý thuyết, giảm cân an toàn và hiệu quả nhất vẫn là thông qua tập luyện, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nhờ đó, đốt cháy lượng mỡ dư thừa trong cơ thể một cách hiệu quả nhất, đồng thời giúp cơ thể săn chắc và khỏe mạnh.

Trưởng bộ môn pencak silat Hà Nội Trần Thu Hương chia sẻ, đội ngũ HLV pencak silat Hà Nội thực hiện ép cân cho VĐV theo lộ trình dài trong đó gia tăng cường độ tập luyện kết hợp với chế độ dinh dưỡng và thuốc bổ. Khi kết thúc giảm cân cũng là lúc VĐV tìm lại nền tảng thể lực, sức chịu đựng tốt nhất để đáp ứng cường độ tập luyện, thi đấu căng thẳng trong thời gian dài. Còn nếu ép cân cấp tập, có thể đạt thành tích trước mắt nhưng sẽ khiến sức chịu đựng của VĐV tới giới hạn đỏ, dễ chấn thương và gặp vấn đề tâm lý, thậm chí không thể đạt thành tích tốt.

Còn theo HLV Nguyễn Như Cường (boxing nữ Hà Nội), thực tế, theo tính toán chiến lược ở một giải đấu, một số VĐV có thể phải ép cả 10kg. Nhưng đó là khi các VĐV có thời gian đủ dài và có cả chiến lược thi đấu. Còn hiện tại, khi chưa bị thúc ép vì lịch thi đấu nên việc giảm cân tại đội phải tuân theo một lộ trình nghiêm ngặt, khoa học và điều tiên quyết là không thể nóng vội.

Hay như đội wushu Hà Nội, ngay tháng 7 tới, các VĐV sẽ bước vào tranh tài ở Giải vô địch wushu toàn quốc-2020 tại Đồng Nai. Rất nhiều VĐV háo hức được thi đấu tại giải sau hơn 5 tháng tập chay. Tuy nhiên, với những VĐV tăng cân quá nhiều, Ban huấn luyện của đội wushu Hà Nội không đặt mục tiêu đưa VĐV ép cân bằng được để trở lại hạng cân sở trường.

Theo Phó Trưởng bộ môn wushu Hà Nội Phan Quốc Vinh, thậm chí một số VĐV sẽ phải đôn cân thi đấu để phù hợp với tình trạng trọng lượng thực tế. Có thể, họ sẽ không đạt thành tích tốt ở hạng cân không phải sở trường nhưng với tình trạng trọng lượng như vậy thì phải chấp nhận để tình đường dài.

“Theo lý thuyết, trong 1 tuần các VĐV hoàn toàn có thể giảm từ 3 đến 5kg, song để bảo đảm thể lực, sức khỏe cho VĐV thì bộ môn thực hiện ép cân linh hoạt trong quá trình tập luyện, thi đấu thay vì giảm cân cấp tốc. Sức khỏe, an toàn và tuổi thọ nghề nghiệp của VĐV cần được đặt lên hàng đầu.” – ông Phan Quốc Vinh nói.

Một câu chuyện giảm cân cho VĐV sau những ngày giãn cách cách xã hội vì dịch COVID-19 trong huấn luyện thể thao tưởng nhỏ nhưng ẩn chứa trong đó là sự nhân văn, tầm nhìn của những HLV, nhà quản lý. Cái lợi trước mắt, thành tích trước mắt cũng không thể lớn hơn sự phát triển về lâu dài của VĐV, những chủ thể chính mang lại diện mạo cho câu lạc bộ, đội tuyển.

Gần như làm lại từ đầu với VĐV năng khiếu

Tại đội pencak silat Hà Nội, so với VĐV các tuyến khác, VĐV tuyến năng khiếu phải nghỉ ở nhà lâu nhất vì dịch COVID-19. Cho nên, việc tính toán giáo trình tập luyện cho nhóm VĐV tại tuyến năng khiếu gần như phải thực hiện lại từ đầu. Đây cũng là thực tế ở nhiều đội tuyển võ khác.

Minh Hà
.
.
.