Tám năm lên chuyên... vẫn còn thử nghiệm

Thứ Sáu, 19/09/2008, 09:56
Kể từ cái buổi ban đầu làng bóng Việt làm bóng đá chuyện nghiệp với khẩu hiệu "cứ đi rồi sẽ thành đường" đến nay, dặm dài đã là 8 năm…. 8 năm lên chuyên, nhưng vẫn chưa tròn chữ "chuyên".

Chưa tròn bởi trong số 28 CLB thuộc hệ thống chuyên nghiệp (gồm các đội tham dự giải hạng Nhất và V.League), chỉ vỏn vẹn có 7 đội bóng "đúng chuẩn" của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Luật TDTT: Doanh nghiệp bóng đá, có tư cách pháp nhân. Còn lại là những CLB khoác chiếc áo chuyên nghiệp, nhưng "ruột" lại là đa loại hình từ công ty con, đơn vị sự nghiệp có thu, thậm chí là đơn vị… quân đội.

Chưa tròn bởi điểm mặt tất cả các đội bóng Việt ở hiện tại, mới chỉ có 7 đội có quyền quản lý tạm thời và sử dụng "tài sản cơ bản" của bóng đá, là sân thi đấu. Số còn lại đều phải đi mượn hoặc thuê sân từ ngành thể thao hoặc quân đội. 

Chưa tròn bởi có rất ít những đội bóng tạo dựng được thương hiệu mang tính độc quyền và ổn định. Trong khi đó lại có quá nhiều những đội bóng mà tên gọi thay đổi theo… mùa cùng cái nhịp đến và đi của nhà tài trợ.

Chưa tròn bởi bao mùa giải chuyên nghiệp đã qua, nhưng người ta vẫn cứ phải hỏi nhau câu hỏi xưa cũ "sạch hay không sạch?". Và cũng chẳng ai có đủ sự lạc quan để khẳng định rằng, tiêu cực đã bị loại trừ ra khỏi đời sống bóng đá.

CLB chưa chuyên, cầu thủ cũng chẳng "nhà nghề". Bởi dù lương tăng, giá chuyển nhượng cũng tăng chóng mặt, nhưng ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ lại có vẻ… giảm, còn đạo đức, lối sống xuống cấp. Chuyện cầu thủ "đi bay", cầu thủ có mặt ở "động lắc", cầu thủ nghiện, cầu thủ sa đọa, chẳng phải là hiếm ở làng bóng Việt.

Chẳng thế mà, nhiều cựu cầu thủ giờ nhìn lớp đàn em lĩnh lương tiền (chục) triệu, nhận "lót tay" chuyển nhượng tiền tỷ, nhưng xài tiền và đốt tiền vào những thú ăn chơi, lại chép miệng than và tiếc cái "ngày xưa": "Ngày xưa, chúng mình nghèo, nhưng… ngoan".

Chẳng thế mà, hôm rồi, tại diễn đàn tổng kết mùa giải, Trưởng ban Kỷ luật VFF, Nguyễn Hải Hường, cay đắng dùng cụm từ "vô văn hoá" để nói về lối sống của một bộ phận cầu thủ ngoài sân cỏ.

Chẳng thế mà có vị HLV "cực chẳng đã" thốt lên rằng, phải dạy cho cầu thủ hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền, chứ đừng để họ kiếm tiền dễ và nhanh đổi đời quá rồi sinh hư, sinh hỏng.

Chẳng thế mà có nhà cầm quân đã đúc kết, đội bóng thành công là đội quản quân tốt sau giờ tập và có những cầu thủ ít nhiều ý thức được việc giữ gìn nghề nghiệp.

Cái sự chưa chuyên còn nằm ngay ở những người đang cầm lái lộ trình chuyên nghiệp hoá. Không một mùa giải nào mà người ta không thấy những sự kiện và sự cố xuất phát từ những sai sót, yếu kém trong việc điều hành của BTC giải lẫn VFF. Bản thân mô hình tổ chức BTC giải chuyên nghiệp, cũng như chính VFF hiện tại, cũng chệch chuẩn chuyên nghiệp để rồi bị AFC yêu cầu thay đổi.

Vậy nên, 8 năm rồi, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn phải mang cái đuôi "thử nghiệm"

Bảo Hân
.
.
.