Tấm gương nỗ lực của một vận động viên khuyết tật

Chủ Nhật, 29/03/2020, 09:57
Mới 8 tuổi đã bị tai nạn bom mìn phải cưa cụt mất chân phải, nhưng ông Hoàng Xuân Mừng, ở xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị) đã không đầu hàng số phận. Bằng nghị lực phi thường, ông trở thành vận động viên khuyết tật với bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ. Hơn thế, ông còn là người tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới…

Về thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang, hỏi ông Mừng ai cũng biết. Tôi gặp ông Mừng giữa trưa nắng như đổ lửa, khi ông vừa chở lúa đi xay gạo trở về. Ông vui vẻ mời khách vào nhà. Nhìn ông lấy chiếc nạng làm chân trụ cho cái chân cụt sâu tới háng, rồi đưa chân trái bật chân chống chiếc xe đạp điện một cách thuần thục, tôi không nghĩ ông chỉ còn một chân. Một chân nhưng mấy chục năm qua ông Mừng là trụ cột chính của gia đình. Và bây giờ, 4 đứa con của ông đã có công ăn việc làm, ông vẫn cùng vợ làm 1,5 mẫu ruộng để phát triển kinh tế gia đình.

Câu chuyện về cuộc đời gần ngót 60 năm được ông Mừng kể bằng chất giọng trầm ấm, thi thoảng có những quãng lặng song có nhiều lạc quan. “Năm lên 8 tuổi, thời kì chiến tranh dân làng bị giặc dồn vào ấp ở Quán Ngang cho dễ bề cai quản.

Ít lâu sau giặc cho xe chở về làng thì không may gặp mìn, khiến mười mấy người bị thương, 2 người chết. Bữa đó tui bị thương và phải cưa cụt chân phải tới háng”, ông Mừng thản nhiên như ông đang kể về ai đó. Cụt chân nhưng ông rất ham học. Mỗi ngày ông lộc cộc trên đôi nạng vượt tới 5, 6 cây số đến trường.

“Hồi đó lúc tỉnh dậy thấy mình mất một chân, không thể chạy nhảy như bạn bè tui cũng buồn lắm, có khi tuyệt vọng. Nhưng cứ nghĩ nếu buồn mãi thì chân nó cũng không thể mọc lại nên xin ba mạ cho đi học chữ để được vui vẻ cùng bạn bè. Tới năm lớp 9, vì trường xa nên tui quyết định nghỉ học, theo học nghề may. Sau khi thạo nghề, tui về làng mở tiệm may nhỏ kiếm sống qua ngày. 27 tuổi, duyên số run rủi cho tui gặp bà nó (bà Trần Thị Huệ - vợ ông) và cùng nhau xây dựng gia đình”, ông Mừng kể lại.

Và, trong căn nhà nhỏ giữa cánh đồng lúa mênh mông, mỗi ngày, tiếng đạp máy may bằng một chân trái của ông Mừng đều đặn vang lên, rồi tiếng nói cười đùa của con thơ càng cho ông thêm nghị lực để vượt qua nỗi buồn sâu thẳm.

Ông Mừng bảo, người khuyết tật không chỉ thiệt thòi vì khiếm khuyết thân thể mà tâm hồn cũng mang ít nhiều mặc cảm khó vượt qua. Năm 1997, khi tỉnh Quảng Trị đăng cai cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc, ông mạnh dạn đăng kí tham gia.

“Môn thi đầu tiên tui chọn là môn cầu lông. Dù trước đó chưa hề cầm vợt nhưng như năng khiếu bẩm sinh nên đến lúc thi tuyển chọn là tui vượt qua các tiêu chí. Dù năm đó không thể cạnh tranh giải với các vận động viên đến từ các thành phố lớn vì họ được tập luyện, tập huấn bài bản nhưng bản thân tui rất vui vì đã vượt qua chính mình. Khi tiếp xúc và giao lưu với nhiều hoàn cảnh như mình, tui thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều. Từ đó cảm thấy càng lạc quan hơn”.

Suốt 15 năm liên tục, ông luôn có mặt trong các giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị và giành hàng chục huy chương vàng, bạc ở bộ môn điền kinh, đặc biệt kỉ lục nhảy cao (1m36) và nhảy xa (3m58) do ông thiết lập nhiều năm trước vẫn chưa có vận động viên nào phá vỡ.             

Trở lại với câu chuyện đời thường, ông Mừng còn khiến nhiều người khâm phục bởi nghị lực phi thường. Dù đã gắn bó với nghề may suốt 15 năm nhưng nhận thấy nghề chỉ đủ sống, ông bàn với vợ làm thêm nhiều việc khác. Từ thuê lại chân ruộng của bà con đến chăn nuôi heo, gà; sửa xe đạp… Kinh tế nhờ đó ngày một khấm khá hơn, đủ nuôi sống gia đình, cho 4 đứa con ăn học và có chút ít tích lũy. Cùng với vợ, ông Mừng làm bất cứ công việc gì.

“Việc nhà nông thì mình cứ chịu khó thôi, miễn vợ chồng đồng lòng. Thời thuê được nhiều ruộng thì làm vần công với bà con, thuê thêm nhân công. Còn chăn nuôi thì hai vợ chồng chia ra đỡ đần nhau người một tí. Rồi đâu cũng vào đấy cả”, ông Mừng nói. Điều đáng ghi nhận ở ông Mừng là tấm lòng vì cộng đồng. Tầm 3 năm trước, chính quyền kêu gọi người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, ông là người đầu tiên ở làng tình nguyện đập phá tường rào, cổng ngõ vừa xây dựng với trị giá 50 triệu đồng để tạo hành lang thông thoáng cho con đường liên thôn. Chưa hết, ông còn hiến thêm 180m2 đất cho xã mở đường. Ông Mừng chia sẻ: “Xưa nay ai cũng biết tấc đất là tấc vàng nhưng nếu mình không chịu nhường đi ít đất thì làm sao có những con đường rộng rãi để đi, có những công trình trường trạm, chợ được xây lên để nâng cao đời sống. Vì vậy, tui nghĩ mình chịu thiệt thòi một tí nhưng các thế hệ sau mình đỡ vất vả hơn. Bộ mặt thôn quê cũng đẹp dần lên nếu một người vì mọi người mà chia sẻ!”.

Thanh Bình
.
.
.