Hôm nay, chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014, Thái Lan - Malaysia:

Salleh "đấu" Kiatisak

Thứ Tư, 17/12/2014, 10:24
Tiger Cup (tên gọi cũ của AFF Cup) năm 1996, cả Salleh lẫn Kiatisak đều là tiền đạo mũi nhọn, lần lượt dẫn dắt ĐT Malaysia và Thái Lan vào chung kết. Nhưng ở trận chung kết thì Salleh không ra sân, và Malaysia ngã ngựa. Bây giờ, 18 năm sau, Salleh chính thức đấu Kiatisak trong một trận chung kết mà cả Đông Nam Á đặt Kiatisak cửa trên.

Hành trình lên tuyển và dẫn dắt ĐTQG của Kiatisak và Salleh hoàn toàn trái ngược. Trong khi Kiatisak đụng đâu thuận đó, và hiên ngang vào giải với tư cách ứng cử viên vô địch thì Salleh đã phải chịu cả một làn sóng chỉ trích dữ dội sau những trận giao hữu chuẩn bị nghèo nàn. Trong khi Thái Lan đá cả 3/3 trận vòng bảng AFF Cup toàn thắng và đến bán kết lại "làm gỏi" Philippines thì Malaysia lại lê lết vào bán kết và phải nhờ sự góp sức rất lớn của yếu tố may mắn mới vượt qua Việt Nam ở một vòng bán kết không tưởng.

Mà ở vòng bảng thì Kiatisak và Salleh cũng từng đấu nhau. Cuộc đấu mà ông thầy Thái Lan xua quân lên cao, thực hiện những bài đánh cánh nhịp nhàng, kĩ thuật trong khi ông thầy Malaysia lại lấy thể lực, cơ bắp làm sức sống. 90 phút đối đầu giữa hai con người điển hình cho hai trường phái kết lại với chiến thắng 3-2 cho Thái, nhưng như thừa nhận của chính Kiatisak thì "đấy là chiến thắng có phần may mắn, vì bàn thắng quyết định của chúng tôi được ghi ở đúng những giây cuối cùng". Kiatisak hạnh phúc với một trận thắng vừa hay vừa may bao nhiêu thì Salleh lại hận trận đấu bi kịch ấy bấy nhiêu.

Hôm nay, với sự trở lại át chủ bài Adisak sau án treo giò (thẻ đỏ trong trận bán kết lượt đi trên đất Philippines) Kiatisak có đầy đủ những quân bài mạnh nhất của mình, và sẽ không bất ngờ nếu ông lại đẩy quân lên cao, dồn ép đối thủ. Cứ nhìn cái cách Thái Lan dồn ép Philippines đến tức thở trong 90 phút bán kết lượt về trên sân nhà là đủ hiểu hàng phòng ngự Malaysia sẽ phải làm việc vất vả đến đâu. Nhưng có 2 yếu tố khác biệt cơ bản giữa Malaysia và Philippines mà Kiatisak cần lưu ý.

Cầu thủ Malaysia rất giỏi "vào hang bắt cọp". Ảnh: H.M.

Một, Philippines là một tập hợp những cầu thủ "ngoại quốc" thiếu kết dính, và thiếu luôn bản lĩnh trong những trận đấu sống còn, trong khi Malaysia càng ở vào thế khó càng bùng lên dữ dội. Hai, Philippines rất non khi đá sân khách, trước những đối thủ ngang cơ, còn Malaysia lại rất giỏi "vào hang hùm bắt cọp". Malaysia vào bán kết sau trận đấu cuối cùng vòng bảng thắng Singapore ngay trên đất Sing, rồi vào chung kết sau 90 phút phải chống chọi với cả biển người 40.000 khán giả sân Mỹ Đình.

24 giờ trước trận chung kết, Salleh không quên nhắc lại yếu tố này và kêu gọi các cầu thủ hãy đá ở Rajamangala giống như đá ở Mỹ Đình. Có nghĩa, Malaysia sẽ đá với một độ lỳ lợm được tôi luyện cao độ, và sẽ  dùng sức cày nát khu trung tuyến rồi bất ngờ tung ra những quả thọc sâu chạy dài cho các tiền đạo lẻn xuống dứt điểm.

Trong một thế trận như vậy, nếu tấn công nhiều, tạo ra nhiều cơ hội nhưng không thể có bàn thắng sớm thì khả năng đội bóng của Kiatisak bị phản đòn và thua ngược là rất cao. Nên nhớ trong trận mới nhất với Philippines, mặc dù thắng 3 bàn trắng nhưng hệ thống tấn công của Thái Lan cũng đã bỏ lỡ cả một biển trời cơ hội, và như nhận xét của chính Kiatisak thì "đá với Malaysia, nếu còn có những cơ hội bị bỏ lỡ như vậy thì sẽ rất nguy hiểm".

Vì đã quá hiểu nhau và có quá nhiều ân oán với nhau nên chắc chắn 90 phút ở Rajamangala hôm nay sẽ là một cuộc đấu trí gay cấn, thú vị giữa Salleh và Kiatisak. Xét về mặt tuổi tác và kinh nghiệm chiến trường, Kiatisak thua Salleh đúng 10 tuổi, nhưng xét về mặt thành tích đối đầu cả khi còn làm cầu thủ lẫn khi làm HLV thì "Sắc" lại đang thắng Salleh áp đảo. Dù rất mạo hiểm nhưng chúng tôi vẫn chọn cửa thắng cho Salleh, vì có thể sự điềm tĩnh, khôn ngoan của một đội bóng giàu kinh nghiệm sẽ phát huy tác dụng trước những quân bài trẻ tài năng nhưng nôn nóng.

Dự đoán: Thái Lan - Malaysia: 1-2

Diệp Xưa
.
.
.