“Quốc tịch Anh”, một bất lợi khi HLV bóng đá đi... xin việc

Thứ Ba, 30/06/2020, 07:53
Có một thực tế đáng buồn về nghề huấn luyện tại Anh được tờ Independent tổng kết trong một bài viết mới đây, đấy là nếu lỡ mang quốc tịch mẹ đẻ, tốt nhất nên tìm nghề khác thay vì tới xin việc ở các CLB. Các HLV người Anh ngày càng ít đất diễn và nếu có, cũng chỉ có thể loanh quanh ở các giải VĐQG quốc nội.


Một thời oai hùng

Phải tới mùa bóng 1993/1994, một năm sau khi giải Ngoại hạng đổi tên, giải đấu cao nhất cấp CLB mới mở cửa cho các HLV ngoại quốc vào làm việc. Nước Anh luôn vỗ ngực tự hào là đơn vị sản xuất HLV tài hoa bậc nhất hành tinh. Khi đã no nê với vinh quang nội địa, giới huấn luyện ở đây tìm đường ra nước ngoài, khẳng định thương hiệu “HLV Anh” trên khắp sân cỏ châu lục.

Cha đẻ của bóng đá tổng lực là Rinus Michels, người nâng tầm triết lý ấy và thay đổi tư duy chiến thuật là Johan Cruyff, nhưng người lĩnh ấn tiên phong là Vic Buckingham. Ông là người trao cơ hội cho cậu bé 17 tuổi Cruyff giới thiệu tên tuổi với khán giả vào năm 1964, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển bóng đá nhân loại. Dù bộ sưu tập danh hiệu không mấy đồ sộ (1 chức VĐQG Hà Lan và 1 lần vô địch Copa del Rey), di sản Buckingham để lại vẫn được giới mộ điệu ghi nhận, đánh giá rất cao.

Một người Anh khác từng dẫn dắt Barca là Terry Venables. Trước khi bén duyên với đội chủ sân Nou Camp, ông có công đưa Crystal Palace 4 năm thăng 3 hạng. Trong 3 năm ở Catalan, Venables giúp Barca giành cú đúp La Liga và Copa del Rey. Tuy nhiên, những gì đáng nhớ nhất về quãng thời gian của triều đại của Venables là cuộc cách mạng chiến thuật. Ở xứ sở của bóng đá tinh tế, Venables “Anh hóa” phong cách, chỉ đạo Barca chơi 4-4-2 với cặp tiền đạo Gary Lineker – Mark Hughes.

Người Anh thứ ba có liên quan đến Barca là Sir Bobby Robson. Chỉ ở lại Nou Camp đúng 9 tháng song những chiến công vị HLV sinh ra ở Coutyn Durham giành được bằng người khác cố gắng một đời người. Ông đưa “người ngoài hành tinh” về Nou Camp, ăn ba với Barca và nhận giải thưởng HLV xuất sắc nhất châu Âu mùa 1996/1997.

Sir Alex là HLV duy nhất có quốc tịch thuộc Khối thịnh vượng chung toàn Anh vô địch Premier League trong 20 năm qua.

Hiện thực phũ phàng

Những ngày tháng tươi đẹp của HLV Anh đã ở lại sau lưng. Tại Premier League 2015/2016, sau khi Steve McClaren nhường ghế cho Rafael Benitez ở Newcastle, số lượng HLV người Anh thời điểm ấy là 3, mức thấp nhất kể từ năm 1888. Những người ở lại là Eddie Howe (Bournemouth), Alan Pardew (Crystal Palace) và Sam Allardyce (Sunderland), không ai trong số họ góp mặt ở nửa trên BXH năm đó.

Bên ngoài lãnh thổ vương quốc, số phận của HLV Anh còn bi thảm hơn. Gary Neville đến Mestalla trong kỳ vọng để rồi ra đi trong nỗi thất vọng lớn lao, David Moyes không thể giao tiếp tại Sociedad và cũng phải ra đi sau 18 tháng. Người khấm khá nhất là Gary White, HLV trưởng… đảo Guam.

Lúc này, HLV Anh gần như đã biến mất trên bản đồ bóng đá thế giới. Hiện tại, không có bất kỳ HLV người Anh nào làm việc ở 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu còn lại và tính trên lãnh thổ lục địa già, con số chỉ là… 8. Cần nhớ rằng ở châu Âu có 54 giải VĐQG chuyên nghiệp với trên dưới 16.000 CLB chuyên nghiệp.

Tất nhiên, Premier League 2019/2020 trên bề nổi ghi nhận sự hiện diện của 9 HLV bản địa, nhưng thống kê này lại hoàn toàn vô nghĩa. 6 vị trí đang đua xuống hạng, tính từ đội thứ 15 tới 20, có tới 5 đội được dẫn dắt bởi những HLV người Anh, và 3 trong số này sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng tới. Số lượng trong trường hợp này, rõ ràng là tỷ lệ nghịch với chất lượng.

Thực trạng đáng buồn này đã ngấm ngầm diễn ra từ lâu. 30 năm qua, chỉ 2 HLV người Anh vô địch quốc gia (Howard Wilkinson và Howard Kendall). Ở Champions League, số lượng HLV Anh tham gia chinh chiến là 5, ít hơn thống kê của… Israel. Tỷ lệ thắng của 5 người này không ai quá 50%.

Quá nhiều bất cập

Cả nước Anh chỉ có 2974 HLV qua đào tạo, và 205 trong số ấy hoàn thành bậc học cao nhất của UEFA lấy chứng chỉ Pro, điều kiện bắt buộc để làm HLV trưởng một CLB chuyên nghiệp. Riêng số lượng HLV trình độ Pro của Tây Ban Nha đã là 2353, gần bằng tổng số HLV chuyên nghiệp của Anh!

Mang tiếng sở hữu giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh nhưng kỳ thực, các CLB Premier League đâu có nhiều mặt hàng nội địa để lựa chọn. Thậm chí, số lượng Pro của Anh ít hơn Thổ Nhĩ Kỳ, vừa bị Slovenia san bằng cách biệt vào cuối năm 2019. Với mạng lưới HLV nhà nghề sơ khai như vậy, chất lượng HLV Anh thuộc diện kém nhất châu Âu. Người ta tính ra cứ 1 HLV Anh phải hướng dẫn 812 học viên ở trung tâm trẻ, trong khi tỷ lệ ấy ở Moldova là 1/19, ở Hy Lạp là 1/17, ở CH Séc là 1/8.

Vì thế, không khó hiểu khi bóng đá Anh đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Các CLB có nhu cầu nhân lực nhưng thị trường không thể đáp ứng. Chuyện tưởng đùa nhưng có thật, đang xảy ra ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh trên quốc gia khai sinh ra bóng đá.

Quá ít “giờ bay”

Vốn không sở hữu một hệ thống đào tạo chất lượng nhưng việc triển khai chương trình dạy và học của LĐBĐ Anh, dưới sự ủy quyền của LĐBĐ châu Âu UEFA cũng không diễn ra nghiêm túc. Một khóa học tiêu chuẩn lấy bằng Pro là gần 830 giờ, nhưng các HLV tham gia học tại cơ sở FA được rút ngắn thời lượng xuống còn… hơn 200 giờ.

Một vấn đề khác của giới HLV người Anh đấy là họ có nhiều lựa chọn ở các ngành nghề ăn theo bóng đá, vẫn kiếm ra tiền nhưng không phải vất vả, lao tâm khổ tứ. Hiện tại, mức lương bình luận viên truyền hình Sky Sports và BBC trả cho một cựu danh thủ dao động từ 2 tới 4 triệu bảng/năm, cụ thể là trường hợp của Rio Ferdinand và Jamie Carragher.

Cá biệt, Garry Neville nhận lương tới 6 triệu bảng cho việc “chém gió trên tivi”, tức là cao hơn thu nhập của 14 HLV khác đang làm việc hàng tuần ở Premier League. Một hợp đồng lao động với đài truyền hình kéo dài trong 3 mùa, còn tuổi thọ nghề nghiệp trong cabin huấn luyện ở Premier League chỉ là 14 tháng.

Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải làm HLV để được tham gia vào giới bóng đá với một mức thu nhập tương xứng? Với người Anh, dường như câu trả lời đã được định hình từ trước.

Đơn Ca
.
.
.