Quần vợt Việt Nam - Cần một chiến lược cho các giải quốc tế

Thứ Năm, 04/07/2019, 09:41
Đội tuyển Việt Nam vô địch nhóm III khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Giải quần vợt nam đồng đội thế giới (Davis Cup) năm 2019, mới kết thúc ở Singapore, mang lại niềm vui cho người hâm mộ. Nhưng rõ ràng, mục tiêu hiện tại của quần vợt nam Việt Nam phải là trụ hạng ở nhóm II vào năm 2020 cũng như các năm sau.


Hành trình trúc trắc

Không ngẫu nhiên khi Davis Cup luôn được coi trọng bởi đó là sân chơi đòi hỏi sự đồng đều về trình độ của một đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, đó là cuộc chơi mang tính cân não với các lãnh đạo đội phụ trách chuyên môn hay còn được gọi là “đội trưởng”. Thành tích tại Davis Cup cũng đánh giá khá chính xác sự phát triển của một nền quần vợt nam quốc gia. Vì vậy, Davis Cup luôn có sức hấp dẫn đặc biệt.

Quần vợt Việt Nam cũng xem trọng sân chơi này. Ở đó, biểu đồ thành tích thi đấu theo các năm của quần vợt Việt Nam luôn trúc trắc. Theo đó, sự chông chênh về trình độ khiến quần vợt Việt Nam hiếm khi khẳng định được vị thế ở nhóm II. Điều này càng thấy rõ ở hành trình của quần vợt nam Việt Nam tại Davis Cup từ năm 2014 trở lại đây.
Lý Hoàng Nam vẫn là đầu tàu của quần vợt Việt Nam.

Trong đó, có ít nhất 2 năm (2014, 2017), đội tuyển quần vợt Việt Nam không thể trụ được ở nhóm II và phải thi đấu ở nhóm III vào mùa giải sau. Chỉ một lần đội tuyển Việt Nam trụ được ở nhóm II là vào năm 2016.

Năm đó, sau chiến thắng đầy kịch tính 3-2 trước chủ nhà Singapore, lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam trụ được ở nhóm II châu Á – Thái Bình Dương. Tuy vậy, đến năm 2017, thất bại 0-3 trước Iran đã khiến đội tuyển Việt Nam ngậm ngùi xuống thi đấu ở nhóm III mùa giải 2018.

Thực lực của quần vợt nam Việt Nam khiến các tay vợt Việt Nam “dễ thở” ở các cuộc đấu ở nhóm III. Rõ nhất là ở Davis Cup mùa này. Tại đây, các tay vợt Việt Nam toàn thắng trong cả 4 trận đấu trong đó có chiến thắng thuyết phục 2-0 trước Syria tại trận tranh ngôi Nhất. Nhờ đó, đội tuyển Việt Nam giành vé lên nhóm II vào mùa giải sau.

Như vậy, quần vợt Việt Nam mới tạo được dấu ấn ở nhóm III và chưa trụ được một cách chắc chắn ở nhóm II khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Như nhiều người vẫn nói vui thì trình độ của quần vợt Việt Nam tại sân chơi Davis Cup khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ở mức 2,5.

Giữ hạng mới khó

Nhiều chuyên gia nhận định, việc thi đấu tốt ở nhóm III và giành vé  lên nhóm II ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn trong tầm tay của quần vợt Việt Nam. Nhưng trụ lại ở nhóm II trong nhiều mùa giải trước khi tính tới mục tiêu lên nhóm I lại là vấn đề khó. Đấy là bài toán khó của quần vợt Việt Nam.

Hiện tại, quần vợt Việt Nam có nhiều lý do để lạc quan hơn ở sân chơi Davis Cup nhóm II khi đang sở hữu một số tay vợt có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang. Kinh nghiệm ấy được thu lượm dù chỉ ở những sân chơi có đẳng cấp thấp hoặc tầm trung của quần vợt thế giới nhưng cũng đủ giúp quần vợt Việt Nam tự tin hơn ở sân chơi Davis Cup.

Nhờ vậy, đội ngũ vận động viên Việt Nam tại Davis Cup năm nay cũng được nhận định là tốt và dày dạn nhất trong những năm gần đây. Ngoài ra, quần vợt nam Việt Nam còn đang sở hữu một Nguyễn Văn Phương đã bộc lộ khả năng kế thừa Lý Hoàng Nam.

Tất nhiên, còn cần nhiều hơn điều kiện về con người để có thể trụ lại tại nhóm II của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bởi chỉ có 2-3 tay vợt thường được thi đấu quốc tế cũng chưa đủ.

Ngay trong đội hình Việt Nam dự Davis Cup năm nay cũng chỉ có Lý Hoàng Nam và phần nào là Trịnh Linh Giang thường thi đấu, tập huấn quốc tế nhờ sự hỗ trợ tài chính từ đơn vị chủ quản. Còn những Phạm Minh Tuấn và Lê Quốc Khánh cũng chỉ thường thi đấu trong nước dù hệ thống thi đấu quốc gia đã được nâng cấp, cải thiện rất nhiều.

Rõ là việc gia tăng sân chơi trong nước giúp tăng cơ hội cọ xát, nâng cao thực tiễn thi đấu và cả tiền thưởng cho các tay vợt, giúp họ yên tâm theo đuổi cái nghiệp của mình. Tuy nhiên, để có thể nâng cao đẳng cấp thì các tay vợt Việt Nam vẫn phải thi đấu với các tay vợt quốc tế có đẳng cấp trội hơn. Và chỉ khi được góp mặt ở những giải quốc tế thì các tay vợt mới đạt được điều này. Đó lại là cái khó cho nhiều tay vợt Việt Nam bởi sự đầu tư, hỗ trợ để họ thi đấu quốc tế vẫn còn có hạn.

Trong khi đó, vị trí quá thấp trên bảng xếp hạng thế giới cũng khiến cơ hội góp mặt của họ ở các giải quốc tế, dù chỉ ở cấp độ thấp nhất là Menn Future, cũng hạn chế đáng kể. Ngay từ lúc này, giải pháp nhập tịch cho các vận động viên Việt kiều đã được tính tới nhằm tăng nguồn tuyển chọn vận động viên cho đội tuyển quốc gia.

Cho nên, sẽ cần đến cả một chiến lược thực sự cho quần vợt nam Việt Nam tại sân chơi Davis Cup cũng như phục vụ cho các mục tiêu quốc tế khác. Chỉ khi có được một dàn vận động viên ít nhất cũng đồng đều về trình độ như Lý Hoàng Nam hiện nay thì quần vợt nam Việt Nam mới hy vọng trụ lại lâu dài ở nhóm II khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu không, quần vợt Việt Nam sẽ vẫn trong cảnh nay lên nhóm II, mai xuống nhóm III.

Không thiếu tiền thưởng

Trong những năm gần đây, tiền thưởng cho thành tích của đội tuyển quần vợt Việt Nam ở sân chơi Davis Cup luôn được duy trì. Như ở mùa giải năm nay, với việc giành vé lên nhóm II khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2020, đội tuyển quần vợt nam Việt Nam được thưởng nóng 27.000 USD trong đó Liên đoàn Quần vợt Việt Nam thưởng 10.000 USD. (Minh Khuê)

Minh Nhật
.
.
.