Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng : VPF sẽ minh bạch
Như Báo CAND đã phản ánh có hệ thống trong những số báo vừa qua, không sớm thì muộn, Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) cũng sẽ ra đời để điều hành V.League thay cho VFF. Phần lớn dư luận đều cho rằng đây là lối thoát thực sự cho BĐVN, nhưng cũng tồn tại không ít lo lắng, trăn trở về hoạt động của công ty này. Tất cả những lo lắng, trăn trở ấy đã được Phó Chủ tịch (PCT) VFF Lê Hùng Dũng phân tích rạch ròi trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào chiều qua.
Một nhà báo có uy tín sẽ làm trưởng ban kiểm soát VPF?
Nói một cách đơn giản thì VPF đại điện cho quyền lực và sức mạnh của các ông bầu. Bởi ở một công ty mà cổ phần của 14 ông bầu thuộc 14 đội V.League chiếm đến 65%, trong khi cổ phần của VFF - cơ quan điều hành nền bóng đá chỉ chiếm 35% thì các quyết sách chính của công ty này chắc chắn sẽ dựa trên suy nghĩ, quan điểm của các ông bầu.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một nhóm đông các ông bầu câu kết với nhau để đưa ra những quyết sách có lợi cho họ, chứ không hẳn có lợi cho V.League và cho BĐVN? Cũng như thế, điều gì sẽ xảy ra nếu các ông bầu đấu đá, tranh giành quyền lực, từ đó khiến giải đấu cấp CLB hấp dẫn nhất BĐVN vì thế mà bị "vạ lây"?
Trước thắc mắc này, PTC Phạm Ngọc Viễn nói rằng, các ông bầu có thể có tiếng nói chính trong việc kiếm tiền cho V.League, nhưng về chuyên môn giải đấu thì VFF vẫn phải "nắm đằng chuôi". Tuy nhiên cần phải thấy rằng trong hoạt động của một công ty thì một quyết sách luôn được đưa ra dựa trên nguyên tắc số đông - số ít, chứ không bao giờ căn cứ vào việc nó là quyết sách về kinh tế hay quyết sách về chuyên môn.
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (phải) đang nói chuyện với bầu Kiên. Ảnh: Quang Minh. |
Và nếu đã dựa trên nguyên tắc số đông - số ít thì VFF với chỉ 35% cổ phần trong VPF chắc chắn cũng không thể "nắm đằng chuôi" ngay cả trong những vấn đề thuần chuyên môn như ông Viễn mong muốn. Ở đây, vấn đề chỉ thực sự có lối ra khi hoạt động của VPF được giám sát bởi một bộ phận trung lập, và dĩ nhiên những con người trong cái bộ phận trung lập ấy không thể là người của VFF, càng không thể là người của các CLB.
PCT VFF Lê Hùng Dũng tiết lộ: "Thật ra, thành phần ban kiểm soát VPF đã được tính tới, và theo tôi biết thì ban này sẽ được điều khiển bởi một nhà báo công tâm, nổi tiếng trong làng bóng đá hiện nay". Ông Dũng cũng nói thêm rằng mọi hoạt động của VPF sẽ diễn ra với sự theo dõi của hàng triệu người hâm mộ, hàng trăm nhà báo nên những hành vi mờ ám (nếu có) không dễ gì giấu được.
Ở đây, chúng tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của ông Dũng về một ban kiểm soát VPF do một nhà báo đứng đầu, nhưng cũng đưa ra một kiến nghị: Nên chăng bên cạnh báo chí, ban này cần có thêm người của Bộ Công an, và đặc biệt là những cựu danh thủ nổi tiếng - những người thật sự có tầm và có tâm với BĐVN?
VPF ra đời, VFF kiếm tiền từ đâu?
Kinh nghiệm cho thấy V.League xưa nay là một chiếc bánh béo bở và là nguồn thu chính của VFF. Với một chiếc bánh như thế, thật khó tin VPF với sự điều khiển của những ông bầu năng động lại có thể làm ăn thua lỗ. Trong quá trình xây dựng đề cương thành lập VPF, ông bầu Nguyễn Đức Kiên (HN.ACB) không những không nghĩ đến chuyện thua lỗ, mà còn tính đến chuyện VPF hoàn toàn có thể trả cho các trọng tài một khoản kinh phí kỷ lục từ 30 - 50 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong kinh doanh cũng như trong bóng đá không ai nói trước được chuyển rủi ro. Bởi vậy sẽ là không thừa nếu đặt ra giả thiết VPF làm ăn thua lỗ. Lúc ấy, các cổ đông chắc chắn sẽ phải góp thêm vốn (nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi). Vậy VFF lấy đâu ra vốn để góp khi đã mất đi phần bánh quan trọng nhất của mình?
Trước câu hỏi này, ông Dũng không trả lời một cách cụ thể mà lại bày tỏ một niềm tin chung chung rằng VPF không thể thua lỗ. Lập luận của ông: Khi kinh phí cho các trọng tài tăng lên thì vấn nạn trọng tài chắc chắn sẽ giảm. Khi vấn nạn trọng tài giảm, các cầu thủ, HLV không còn bức xúc thì chất lượng các trận đấu tăng cao. Và khi chất lượng các trận đấu tăng cao, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khán giả tới sân hơn thì không có lý do gì VPF làm ăn thua lỗ.
Như đã nói, đúng là có rất ít khả năng VPF làm ăn thua lỗ, nhưng trong tư cách một cổ đông của VPF, lại là những người hoạch định chiến lược của BĐVN, VFF không thể không lường trước điều này. Song cách trả lời của ông Dũng cho người ta cảm giác đúng là VFF đã không lường trước thật!
Vẫn liên quan đến vấn đề kiếm tiền, ai cũng biết VFF rất cần tiền đầu tư cho các ĐTQG, cho bóng đá nữ, rồi cho cả futsal. Vậy thì nguồn thu ít ỏi nhận lại từ VPF liệu có đủ cho VFF trang trải những nguồn thu đó? Với câu hỏi này, ông Dũng cũng không có được câu trả lời cụ thể, mà chỉ nói chung chung rằng: "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đừng nên quá bận tâm, lo lắng đến vấn đề tiền". Nói như thế, liệu VFF có tự tin thái quá?
Vẫn đề phòng trường hợp VPF không kịp ra đời
Theo ông Dũng thì hiện nay VFF đã thành lập một tổ công tác đặc biệt do PCT Phạm Ngọc Viễn đứng đầu để làm việc cụ thể với 28 CLB quanh việc thành lập VPF. Nhưng phải đợi tới Đại hội thường niên của VFF vào cuối tháng 10 thì kết luận mới được đưa ra, và sau đó, phải đợi tới khi Bộ Nội vụ cấp phép hoạt động thì VPF mới chính thức chạy trơn.
Đề phòng trường hợp quĩ thời gian còn lại quá ít, VFF đã tính đến việc hoãn V.League lại khoảng 2,3 tháng. Trong trường hợp đã hoãn nhưng vẫn chưa thể thành lập ngay VPF thì các CLB sẽ phải tạm thời bầu ra một ông trưởng giải và V.League 2012 vẫn phải chạy theo mô hình cũ.
Ông Dũng "đá" ông Kiên: Trong cuộc trả lời trực tuyến Báo Bóng Đá ngày hôm qua, PCT VFF Lê Hùng Dũng cho biết mặc dù giữa VFF với các ông bầu đã có những tranh cãi quyết liệt thời gian qua, nhưng giữa hai bên không hề xuất hiện mâu thuẫn. Ông Dũng kể lại rằng, sau cuộc thảo luận với các ông bầu do Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh ở TP Hồ Chí Minh cách đây ít lâu, ông còn ngồi chung xe và đi ăn tối với bầu Kiên. Ông Dũng cũng không ngại ngần kể lại ông đã nói với bầu Kiên đại ý rằng: Anh khôn lắm, mời anh vào VFF thì anh không vào, mà chỉ đứng ở ngoài để lên tiếng thôi! (Tuấn Thành) |