Những con chim không kịp thấy bầu trời

Thứ Ba, 15/07/2014, 10:52
Ở lễ khai mạc World Cup năm nay, 3 em bé Brazil tiến đến vòng tròn trung tâm SVĐ và thả vào không trung 3 chú bồ câu. Một màn dàn dựng với thông điệp rằng, bóng đá có thể mang lại tình hữu nghị và hòa bình. Tuy nhiên, 2 chú bồ câu không bao giờ thấy bầu trời nữa, chúng chết ngay khi chưa rời khỏi mái vòm SVĐ Arena de Sao Paulo.

Nếu như ĐT Brazil chỉ mất khoảng 22 triệu USD vì không chiến thắng trong trận tranh hạng Ba trước Hà Lan, thì các doanh nghiệp ở đất nước Samba có thể thiệt hại đến 13,5 tỷ USD vì World Cup. Năng suất lao động giảm nghiêm trọng bởi không khí hội hè của bữa tiệc bóng đá thế giới. Các công ty, người sử dụng lao động còn phải trả lương gấp đôi cho những người vẫn làm việc trong ngày nghỉ theo quy định của chính phủ. Ấy là chưa kể 15 tỉ USD mà Brazil đã chi để mang World Cup về nhà...

Trong một diễn biến khác, FIFA - người bạn, đối tác của nước chủ nhà - đang đóng gói, thu dọn các văn phòng đại diện tại Brazil sau khi công bố doanh thu từ World Cup lên tới 4,5 tỉ USD.

Chưa bao giờ quảng cáo từ những đối tác của FIFA được hiển thị nhiều đến thế từ các địa điểm thi đấu. Cơ quan quyền lực bóng đá thế giới cũng gây sức ép buộc Brazil dỡ bỏ lệnh cấm bán bia trong SVĐ. Kết quả là, Hãng Budweiser - nhà tài trợ lớn cho FIFA ở các kỳ World Cup - bán được số bia mà chính họ cũng phải sốc...

Với ngân quỹ dự trữ 1,4 tỉ USD và vô số hợp đồng tài trợ, truyền hình, quảng cáo... ký được trước World Cup nhưng FIFA vẫn làm mọi cách để yêu cầu miễn thuế cho các đối tác, nhà tài trợ, nhà cung cấp hoặc bất kỳ hoạt động thương mại nào ở nước sở tại. Thậm chí, họ còn đòi hỏi chính sách nới lỏng thủ tục hải quan cho việc nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để dàn dựng sự kiện. Thông qua việc được miễn thuế, FIFA đã “cướp trắng” của Brazil 250 triệu USD.

Hữu nghị sẽ là một khái niệm nực cười trong tình huống này. Từ lâu, cơ quan điều hành bóng đá lớn nhất thế giới đã dựng nên một vực thẳm giữa lời nói và hành động. Guido Tognoni, cựu quan chức truyền thông của FIFA thừa nhận: “FIFA bao giờ cũng vô cùng khôn ngoan trong lĩnh vực tài chính. Đó là một doanh nghiệp độc quyền”.

Hôm qua, FIFA cho biết họ sẽ đổ phần lớn lợi nhuận 2,61 tỉ USD thu được từ World Cup 2014 vào sự phát triển trên toàn thế giới. Nhưng, số tiền mà tổ chức này “lại quả” chỉ vỏn vẹn 200 triệu USD cho liên đoàn bóng đá các quốc gia thành viên, cùng các tổng liên đoàn cấp châu lục. Nước chủ nhà sẽ nhận được 100 triệu USD như cam kết từ Chủ tịch Sepp Blatter ở Confederations Cup năm ngoái, sau hàng loạt cuộc biểu tình dữ dội của dân chúng Brazil. Sau tất cả, ngân khoản ấy không khác gì một sự bố thí.

Ủy ban Olympic quốc tế từng chứng minh hoàn toàn có thể tổ chức một sự kiện thể thao hoành tránh hơn cả World Cup và vẫn nộp thuế. Tại Thế vận hội London 2012, các nhà hoạt động đã vận động được 14 nhà tài trợ Olympic đồng ý từ bỏ yêu cầu miễn thuế, sự kiện đó là một may mắn cho dân chúng Anh - những người phải đóng thuế.

Bây giờ thì người Brazil gánh đủ những nỗi buồn, rủi ro và khó khăn khi World Cup đi qua. Nhưng sắp tới là Nga 2018 và Qatar 2022. Lại có những con chim phóng sinh chết khi chưa kịp thấy bầu trời...

Kiên Anh
.
.
.