Người Nhật học, học người Nhật

Thứ Bảy, 23/02/2013, 15:28
Tuần qua có hai sự kiện đáng chú ý với bóng đá Việt Nam: chuyên gia bóng đá người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe lĩnh ấn từ VPF làm “quân sư” cho các giải bóng đá chuyên nghiệp và tiền đạo Lê Công Vinh trở về mái nhà xưa SLNA chơi bóng. Hai sự kiện, hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau nhưng lại gợi nhiều suy ngẫm về chuyện học tập và khiêm nhường để vươn lên trong bóng đá.

“Đông du” vượt khủng hoảng

Từ khi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) ra đời, những ông bầu trong HĐQT của công ty đã xác định hướng đi khá rõ ràng: học tập những quốc gia có nền bóng đá phát triển ở châu Á để nâng tầm các giải bóng đá chuyên nghiệp nước nhà.

Sau khi tham quan các mô hình tổ chức giải VĐQG ở Nhật Bản và Hàn Quốc, VPF quyết định sẽ áp dụng mô hình giải chuyên nghiệp của Nhật Bản (J-League). Một thỏa thuận được ký kết hồi tháng 8/2012 đã đưa VPF trở thành đối tác chiến lược của J-League. Tuy nhiên, không may cho VPF là sau mùa giải 2012, bóng đá VN gặp khủng hoảng nặng nề, số đội bóng bị cắt giảm ở cả V-League và hạng Nhất, tình hình tài chính khó khăn, nhiều ông bầu bỏ giải…

Trước tình thế nguy nan này, VPF lại cử người sang Nhật xin “viện trợ” từ J-League. Chuyên gia Kazuyoshi Tanabe có mặt ở VN với vai trò trợ lý cho Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng chính là kết quả từ quá trình “Đông du” bền bỉ tới Nhật Bản.

Khác với dự kiến ban đầu, ông Tanabe không đảm nhận một chức danh trong Ban giám đốc VPF mà chỉ là “quân sư” cho Chủ tịch HĐQT. Chính ông Võ Quốc Thắng cũng nói rằng: “Không nên quá kỳ vọng rằng nếu có chuyên gia Nhật Bản đến V-League sẽ trở thành J-League”. Dù vậy, rõ ràng người Nhật đang nhận được chờ đợi rất lớn bởi trong mắt các quan chức bóng đá VN, Nhật Bản là biểu tượng thành công ở châu Á không chỉ riêng ở lĩnh vực bóng đá.

Nhưng khi câu chuyện “Đông du” học tập Nhật Bản được nói đến nhiều thì cũng là lúc cần phải nhớ đã có thời bóng đá Nhật phải học tập VN. Câu chuyện từ hơn nửa thế kỷ trước, năm 1959, khi bóng đá VN vô địch SEAP Games, đánh bại nhà vô địch châu Á Hàn Quốc, đội tuyển Nhật Bản đã xin được đấu giao hữu với đội tuyển VN.

Năm 1959, Nhật Bản thua ba bàn trắng để rồi quan chức LĐBĐ Nhật Bản phải thốt lên: “So với bóng đá VN bóng đá Nhật chỉ là đôi giày nhỏ. Chúng tôi mong có một ngày bóng đá Nhật lớn mạnh, sánh vai với bóng đá Việt Nam”.

54 năm sau, một người Nhật Bản sang VN để dạy chúng ta làm bóng đá. Điều này đáng suy ngẫm nhưng không hề đáng buồn. Chính người Nhật 54 năm trước đã dạy cho chúng ta bài học về sự cầu thị, về tinh thần học hỏi những người luôn nhún mình từ người tí hon trở thành người khổng lồ.

Công Vinh đi học và về mái nhà xưa

Sau khi CLB Hà Nội của tiền đạo Lê Công Vinh không dự V-League vì không có nguồn tiền để hoạt động, khi đó Công Vinh đã có một quyết định bất ngờ là… đi học đại học. Trong thời kỳ khủng hoảng của bóng đá VN, không phải cầu thủ nào cũng lo xa cho tương lai của mình đến lúc sau khi giải nghệ như Công Vinh.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng cảnh báo: “Lúc bóng đá VN phát triển quá nóng cũng là lúc chúng ta đứng trước rất nhiều nguy cơ”. Lúc bóng đá VN tự hào với danh xưng “giải vô địch QG hay nhất ĐNÁ cũng là lúc chúng ta đang tự đóng khung và thụt lùi. Công Vinh cũng vừa quyết định về mái nhà xưa SLNA theo một hợp đồng cho mượn.

Công Vinh (trái) trong buổi kí hợp đồng về lại SLNA.

Dù không còn nhận được mức lương cao ngất ngưởng như trước nhưng Công Vinh khẳng định: “Tôi muốn giữ phong độ và trở lại ĐTQG vì tôi vẫn còn nhiều mục tiêu để theo đuổi”. Về SLNA chắc chắn Công Vinh sẽ học được nhiều bài học từ một môi trường cũ, từ những người đồng đội và thậm chí là đàn em.

Những cầu thủ cũng ở vào hàng sao như Trọng Hoàng, Văn Bình, Âu Văn Hoàn dù được nhiều đội bóng mời gọi nhưng vẫn quyết định ở lại SLNA dù số tiền mà họ nhận được ít hơn nếu ra đi. Với bóng đá VN, thứ quan trọng nhất lúc này không phải là tiền mà là niềm tin, danh dự và một giá trị thực chất.

Chính vì thế, việc đi học để không giậm chân tại chỗ, để không thoả mãn với những gì bản thân đã làm được là thôi thúc của cả nền bóng đá cho đến từng cá nhân nhỏ bé là các cầu thủ.

Thủ môn Sparta Praha muốn thử việc ở tuyển VN

Đó là cầu thủ Pilip Nguyễn, sinh năm 1992 hiện đang là thủ môn của đội Sparta Praha B. Cầu thủ này có nguyện vọng thử việc ở tuyển VN sau khi người đồng đội cũ là tiền đạo Mạc Hồng Quân đang chơi khá thành công khi hồi hương.

Pilip Nguyễn đang dự định tự giới thiệu mình với VFF và HLV trưởng Hoàng Văn Phúc ngay trong thời gian tới qua sự tiến cử của Hồng Quân. Nếu chàng thủ môn cao 1m90 này được gia nhập đội tuyển thì anh sẽ là cầu thủ thứ 3 từ Cộng hoà Czech được khoác áo ĐTVN vì có mang trong mình dòng máu Việt.

T.Vũ

VPF sẽ có Ban Y tế và kiểm tra doping

Sau khi ban Đạo đức chính thức ra đời, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đang có dự định thành lập thêm Ban Y tế và kiểm tra doping để kiểm soát tốt hơn vấn đề doping tại các giải chuyên nghiệp.

Dự kiến, Bệnh viện thể thao VN sẽ phối hợp chặt chẽ với VPF để kiểm tra y tế đột xuất nhằm phát hiện doping với cầu thủ chuyên nghiệp ngay trong mùa giải 2013.

P.Ngọc

Hải Minh
.
.
.