Ngẫm về Andy Murray, tân vô địch giải quần vợt Mỹ: Học từ sự thất bại

Thứ Tư, 12/09/2012, 09:18
Chứng kiến trận chung kết Mỹ mở rộng 2012 vừa kết thúc, không khỏi bật lên cảm giác thán phục với Andy Murray. Thán phục không chỉ bởi cách anh chiến đấu trong trận đấu cuối cùng, mà còn bởi những nỗ lực không biết mệt mỏi trong suốt một thời gian dài, điều đã giúp Murray trở thành tay vợt Vương quốc Anh đầu tiên vô địch một giải Grand Slam suốt gần 70 năm qua.

70 năm tức là một đời người, là biết bao thế hệ thể thao đã trưởng thành và chinh phục hết những kỷ lục này đến kỷ lục khác, nhưng dường như đối với những ai đã trót dành tình yêu cho tay vợt mảnh khảnh sinh ra tại Scotland, 70 năm vẫn không dài bằng quãng thời gian đằng đẵng chờ đợi anh lần đầu tiên đứng vào hàng ngũ những tay vợt xuất sắc nhất.

Vẫn biết Nadal đã bỏ cuộc ngay từ đầu, Federer cũng sớm bật bãi, còn Djokovic dường như đã đến giới hạn của sức chịu đựng sau 2 năm miệt mài cày cuốc, nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận sức thuyết phục và nhất là chiến ý cực cao của Murray ở trận chung kết vừa qua. Thắng trước 2 set, thua 2 set tiếp theo khá chóng vánh, nhưng dứng dậy kịp thời và vùng lên một cách quyết liệt, không cho đối thủ có bất cứ cơ hội dù nhỏ nhất nào ở set cuối cùng. Dường như bản lĩnh được tôi luyện qua nhiều thất bại trong quá khứ đã biến Andy Murray trở thành một chiến binh thực sự, đủ sức và tài để đánh ngang cơ với tay vợt đang là đương kim vô địch giải đấu.

Người ta đã nói nhiều về việc Murray mãi không thể trưởng thành và thậm chí còn đặt cho anh biệt danh “tay vợt xuất sắc nhất trong số những người chưa từng vô địch Grand Slam”, một biệt danh có phần chế giễu hơn là ngợi khen. Ai cũng biết, Grand Slam mới là thước đo chính xác nhất cho bản lĩnh và đẳng cấp của một tay vợt, và số phận của những ông vua, bà hoàng không ngai (lên ngôi số 1 thế giới nhưng không vô địch nổi một Grand Slam nào) thường cũng chẳng mấy khi có kết cục tốt đẹp.

Một sự thật hiển nhiên là những số 1 đích thực trong những năm qua đều đã giắt túi ít nhất một Grand Slam ở tuổi đôi mươi. “Hiếm muộn” như Federer cũng “lên chức” năm 22 tuổi, hay cá biệt như Rafael Nadal lên ngôi khi mới tròn 19. Nói qua như vậy để thấy rằng, việc đã 25 tuổi mới lần đầu thành công như Murray có thể coi là hơi muộn, thậm chí là quá muộn cho một sự phát triển tiếp theo.

Thực tế, ngưỡng phát triển của một tay vợt nam bị “giới hạn” ở tuổi 27, tức là sau 27 tuổi thì tay vợt đó khó có thể tiến bộ thêm nữa, mà chỉ có thể duy trì phong độ được bao lâu mà thôi. Nên nhớ, Djokovic bằng tuổi Murray và đã vô địch Grand Slam lần đầu từ năm 2008, hoặc ít nhất cũng đã lột xác trở thành bất khả chiến bại từ đầu năm 2011. Hay Juan Martin Del Potro, trẻ hơn Murray một tuổi, cũng đã chiến thắng ngay tại Mỹ mở rộng 3 năm trước.

Nhưng dù sao, muộn vẫn còn hơn không, và điều đáng giá nhất ở chức vô địch lần này của tay vợt Anh quốc không phải là điểm thưởng hay tiền thưởng cá nhân, mà là lời khẳng định đanh thép nhất về sự trưởng thành đã-được-kiểm-chứng trong suốt thời gian qua của Murray, từ những thất bại chóng vánh và cam chịu đến những thất bại nuối tiếc và đau đớn, và mới nhất là lời tuyên chiến hùng hồn bằng màn vùi dập Federer 3 set trắng ở chung kết Olympic vừa qua.

Andy Murray lần đầu tiên giành Grand Slam.

Không phải ai sinh ra cũng đã là thiên tài như Federer, cũng không phải ai cũng chấp nhận một sự hi sinh lớn lao để thống trị như Nadal, và Murray đã chỉ cho những tay vợt còn đang băn khoăn một hướng đi không mới nhưng chưa bao giờ cũ: phải biết kiên trì, nỗ lực, vượt lên nghịch cảnh và nhất là học hỏi được gì từ những thất bại. Có lẽ cũng ít tay vợt nào thất bại liên tiếp như hai thầy trò Murray, nhưng sự vươn lên của “cặp đôi hoàn cảnh” này chắc chắn sẽ là một động lực rất lớn cho những ai còn chưa vươn tới thành công.

Nhiều người vẫn nói vui rằng, người chưa bao giờ biết khổ thì cũng sẽ không hiểu sướng là gì. Và Murray có thể nói là “một người cùng khổ” nếu chỉ xét riêng đến việc anh đã liên tiếp thất bại trong những nỗ lực bao năm qua của mình. Nhưng có vẻ như nản chí là điều chưa từng xuất hiện trong tiềm thức của Murray. Anh có thể yếu tâm lý, yếu thể lực, nhưng những điều này có thể được khắp phục từ sự trưởng thành tuy chậm nhưng chắc, cộng thêm kĩ thuật cá nhân vốn cũng đã điêu luyện không thua kém ai (thậm chí còn được nhiều chuyên gia đánh giá là xuất sắc hơn Nadal khá nhiều), việc Murray chiến thắng dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trước trận chung kết vừa rồi, đích thân huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng Alex Ferguson, một người đồng hương đúng nghĩa của Murray, đã đến gặp và động viên anh thi đấu. Giờ ngẫm lại, hoàn cảnh của Sir Alex và Murray lúc mới bắt đầu sự nghiệp cũng có những nét tương đồng. Cùng thành danh khá sớm trong nghề của mình, nhưng thất bại ở những mục tiêu cao hơn, trước khi nỗ lực tột bậc và giành lấy thành công.

Kết thúc trận đấu, Murray dường như rơi vào trạng thái vô thức, anh có lẽ vẫn chưa hình dung ra được điều gì vừa diễn ra sau cú đánh bóng ra ngoài của Djokovic ở điểm quyết định của trận đấu. Phải đến khi đối thủ của mình tiến lại và nói nhỏ mấy câu (nhiều khả năng là: đừng khóc, cậu còn phải phát biểu nữa đấy, và tiếng Anh của tôi thì không tốt bằng cậu đâu), thì anh mới bình tĩnh lại và bước lên chia vui với gia đình cũng như người hâm mộ.

Murray từng nổi tiếng với câu nói “Ước gì tôi có thể khóc được như anh ấy” sau khi thua Federer ở chung kết Australia mở rộng, và anh cũng đã khóc tức tưởi vì nuối tiếc ngay ở Wimbledon vừa rồi. Nhưng bây giờ, với chức vô địch Mỹ mở rộng lần này, dù chưa “ăn nhằm” gì so với những chiến tích còn huy hoàng hơn của các đồng nghiệp, anh cũng có thể tự tin rằng, những “giọt nước mắt huyền thoại” của một thế hệ tài năng như anh sẽ vẫn là động lực  để những tay vợt đi sau tiếp bước các đàn anh.

Federer hay Nadal, và kể cả Djokovic đã nhiều lần khẳng định, sớm muộn gì Murray cũng sẽ vô địch một giải Grand Slam. Ngày đó cuối cùng đã đến, và “người khốn khổ” cuối cùng cũng đã vùng lên sau một thời gian dài bị “áp bức” bởi 3 đối thủ vĩ đại. Từ bây giờ, nhóm tứ trụ làng quần vợt (bốn tay vợt kể trên, những người luân phiên nằm trong top 4) đã chính thức hình thành sau một thời gian dài “chờ đợi” Murray tiến bước vinh quang.

Và có lẽ, với những người hâm mộ quần vợt đích thực, xin hãy gọi Andy Murray là “tay vợt Vương quốc Anh đầu tiên vô địch Grand Slam”, không chỉ vì những chức vô địch trong quá khứ của các bậc tiền bối diễn ra vào thời điểm quần vợt chưa mang tính quốc tế như bây giờ, mà đó còn là một sự ghi nhận xác đáng nhất những nỗ lực không biết mệt mỏi và nhất là khao khát cũng như ý chí dường như chưa bao giờ cạn của tay vợt này. Bây giờ, thay vì ước mình sẽ khóc được như Federer, và thật sự là anh cũng đã khóc như thế rồi, Murray có thể dõng dạc tuyên bố với thế giới rằng: Tôi sẽ làm được như Federer, thậm chí còn hơn thế.

Có một sự trùng hợp mà có thể nhiều người cũng đã biết, đó là huấn luyện viên hiện nay của Andy Murray, huyền thoại quần vợt Ivan Lendl, cũng đã trải qua chuỗi 4 trận thua liên tiếp ở chung kết các giải Grand Slam, trước khi vô địch lần đầu và rồi dường như không ai có thể chặn ông lại nữa. Murray cũng thế, cũng thua 4 trận chung kết liên tiếp trải dài suốt mấy năm, để rồi bây giờ anh vươn mình và bước những bước đầu tiên để trở thành số 1.

Thái Hưng
.
.
.