Nếu đội của bầu Kiên xuống hạng...

Thứ Tư, 15/08/2012, 09:11
Chữ “nếu” ấy hoàn toàn có thể xảy ra nếu ở vòng cuối V.League, CLB Bóng đá Hà Nội thua Hải Phòng, trong khi cả 3 đội trong nhóm chống xuống hạng là Kiên Giang, Khánh Hòa, Đồng Tháp đều rủ nhau chiến thắng. Vấn đề là có bao nhiêu phần trăm khả năng CLB Bóng đá Hà Nội thua, và bao nhiêu phần trăm khả năng cái bộ 3 cần chạy điểm trụ hạng kia sẽ đồng loạt thắng?

1. Vòng đấu cuối,  Kiên Giang gặp Navibank Sài Gòn trên sân nhà, và có một chi tiết rất đáng chú ý là cả HLV Lai Hồng Vân của Kiên Giang lẫn Phạm Công Lộc của Navibank Sài Gòn đều là người Đồng Tháp, thậm chí đều là bạn thân tình của nhau. Vòng cuối, Khánh Hòa tiếp Sông Lam trên sân Nha Trang, và ai cũng biết Khánh Hòa – Sông Lam lâu nay vốn là chỗ “có đi có lại”.

Cũng ở vòng cuối Đồng Tháp gặp Thanh Hóa trên sân Cao Lãnh, và với những gì Thanh Hóa thể hiện trong trận thua Khánh Hòa ở vòng vừa qua không khó “ngửi” ra rằng một khi đã hoàn thành mục tiêu trụ hạng, Thanh Hóa sẵn sàng nhập cuộc theo kiểu vừa đá vừa… giữ quan hệ cho mùa giải mới. Nhìn sơ sơ như thế dễ thấy rằng cửa thắng của cả Kiên Giang, Khánh Hòa lẫn Đồng Tháp đều rộng mênh mông.

Trong khi ấy CLB Bóng đá Hà Nội sẽ tiếp Vicem Hải Phòng trên sân nhà, một Hải Phòng vốn đã “chết” từ lâu và ai cũng bảo đấy là một Hải Phòng đã hết động lực, hết mục tiêu chiến đấu. Nhưng có một chi tiết mà nhiều người không tính đến đó là Hải Phòng có thể hết động lực chiến đấu với ai, chứ khó có thể hết động lực chiến đấu với đội bóng của… bầu Kiên. Lý do là năm 2004, khi còn dẫn LG.HN.ACB của bầu Kiên giữa ông Lê Thụy Hải – HLV trưởng Hải Phòng bây giờ với ông bầu đang làm PCT VPF vốn có nhiều chuyện cơm không lành canh không ngọt. Hồi ấy, ông Hải “uất” bầu Kiên tới mức đã phát biểu công khai, rõ ràng ngay giữa thanh thiên bạch nhật: “Nhà tôi ở Hà Đông, rất gần Hà Nội. Nếu ông Kiên còn cầm sa bàn, can thiệp vào công việc chuyên môn của tôi thì tôi sẽ bỏ đội, phóng về nhà ngay lập tức”.

Đội bóng của bầu Kiên (giữa) càng đá càng đuối… Ảnh: Quang Minh.

Ngoài chuyện ông Kiên – ông Hải, còn có một chuyện tế nhị nữa không ai không biết, đó là trong buổi tổng kết V.League năm ngoái, khi đứng lên cướp diễn đàn để thực hiện một bài phát biểu lịch sử, đánh thẳng vào những ung nhọt của BĐVN thì bầu Kiên cũng nói rất nhiều tới… bóng đá Hải Phòng, tới việc các trận đấu quyết định của Hải Phòng năm đó đều có những dấu hiệu “lỏng tay” rất kỳ lạ của các vua sân cỏ.

Cách nói ấy có thể vừa đúng vừa trúng và khiến cho người bị nói không thể cự lại điều gì, nhưng trong thâm tâm mình, nhiều lãnh đạo và cầu thủ Hải Phòng không vừa lòng với những gì bầu Kiên đã nói. Thế nên bây giờ khi ngẫu nhiên lại có quyền quyết định số phận đội bóng của bầu Kiên, chắc chắn người Hải Phòng sẽ gồng lên chơi một trận đấu như trận chung kết của mình. Và nếu đúng thế, khả năng họ gây bất ngờ ngay trên sân Hàng Đẫy không phải là điều không thể.

2. Bên cạnh chuyện cầu thủ Hải Phòng sẽ gồng lên còn phải tính đến chuyện chính cầu thủ CLB Bóng đá Hà Nội bây giờ cũng đang tồn tại rất nhiều vấn đề nan giải. Vòng 25, sau trận thua bẽ mặt với tỷ số 1-4 trên sân của đội bóng thường thường bậc trung Navibank Sài Gòn, bầu Kiên đã có những chỉ trích gay gắt với các cầu thủ của mình. Và ngay sau khi cả đội rời TP Hồ Chí Minh về Hà Nội thì những cuộc họp khẩn cấp cũng được thực hiện ngay lập tức. Trong những cuộc họp này, ban lãnh đạo đội bóng cùng HLV trưởng Hoa Mạnh Hưng kêu gọi các cầu thủ hãy đá vì danh dự.

Nhưng có một sự thật mà những người gắn bó với CLB Bóng đá Hà Nội không thể không biết, đó là trong suốt mùa giải năm nay, những lời kêu gọi như thế đã xuất hiện rất nhiều, và sau những lời kêu gọi các cầu thủ đều hứa hẹn sẽ vào sân với tất cả khả năng có thể. Nhưng vấn đề là tới khi bóng lăn, khi CLB Bóng đá Hà Nội ì ạch, bế tắc trong mỗi pha triển khai tấn công và luống cuống, hoảng loạn trong mỗi pha phối hợp phòng ngự thì người ta không khó thấy rằng đấy vẫn chỉ là một đội bóng của những cá nhân mạnh, chứ chưa phải là đội bóng của một tập thể mạnh.

Và vấn đề của CLB Bóng đá Hà Nội  nằm chính ở chỗ đấy: họ có những ngôi sao lớn như Công Vinh, Thành Lương, Timothy, nhưng lai không có một thủ lĩnh đủ tầm cả ở trên sân lẫn ở ngoài sân để gắn kết những ngôi sao thành một khối. Họ có một ông bầu giàu tham vọng và giàu quyền lực nhưng dường như lại không phải là người mà các cầu thủ tuyệt đối tin yêu. Thế nên CLB Bóng đá Hà Nội càng chạy càng đuối. Đuối hơn cả Hòa Phát Hà Nội ở mùa giải năm ngoái – đội bóng mà sau đó đã được sáp nhập với một HN.ACB vốn đã xuống hạng để trở thành một CLB Bóng đá Hà Nội như bây giờ.

3. Trước mùa giải năm nay, khi bầu Kiên “cầm cờ khởi nghĩa” để thành lập VPF và thực hiện một cuộc cách mạng nhân sự chưa từng có trong đội bóng của mình thì người ta đã tin rằng CLB Bóng đá Hà Nội sẽ là một ƯCV nặng ký của chức vô địch V.League. Không ai ngờ bây giờ thì “ƯCV nặng ký” ấy lại đang phải vật lộn trong nhóm có nguy cơ xuống hạng.

Cuối tuần này chắc chắn cả V.League sẽ nhắm mắt nín thở không chỉ để xem rốt cuộc cúp vàng sẽ về tay ai, mà còn xem rốt cuộc đội bóng của bầu Kiên có “thoát” được trong đường tơ kẽ tóc hay không?

Quá đau cho một quyền lực lớn, một tham vọng lớn!

Diệp Xưa
.
.
.