Mua, bán, sang, nhượng...

Thứ Tư, 07/09/2011, 12:36
Chuyện Hòa Phát Hà Nội và HN.ACB sáp nhập với nhau hay không còn là chuyện tương lai, chưa có gì chắc chắn. Nhưng từ câu chuyện này, cần thiết phải đặt ra một vấn đề có yếu tố sống còn đối với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Phải chăng cứ có tiền là tha hồ mua, bán, sang, nhượng một đội bóng?

Và phải chăng, trong vòng xoáy của sự mua - bán - sang - nhượng, những giá trị mang yếu tố truyền thống rồi sẽ bị khai tử không thương tiếc?

Những cái tên đã mất

Thật ra tính đến thời điểm này đã có những cái tên truyền thống của BĐVN bị khai tử rồi. Đó là một Cảng Sài Gòn điển hình với lối chơi hào hoa, một Công an Hà Nội điển hình với một thứ bóng đá thuộc vào "quái chiêu" xưa nay hiếm hay một Thể công, một Hải quan, một Công an thành phố Hồ Chí Minh, một Công an Hải Phòng… vẻ vang, lừng lẫy một thời. Thế nhưng sự khai tử đó là điều chẳng đặng đừng trong bối cảnh chuyển giao nhá nhem giữa bóng đá bao cấp sang bóng đá chuyên nghiệp. Cái bối cảnh mà ở đấy đồng tiền của các ông bầu làm lũng đoạn thị trường bóng đá, cũng đồng thời phá vỡ kết cấu truyền thống của một CLB. 

Ở đây xin phân tích một ví dụ điển hình, đó là việc cách đây khoảng chục năm, khi bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai đã dùng tiền kéo Minh Đức của Hàng không Việt Nam (đội bóng có tiền thân là Công an Hà Nội) về đội mình. Khi ấy, ông Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang đã kiên quyết đòi bầu Đức 500 đồng với hàm ý rằng tất cả những ai bỏ bóng đá Hà Nội ra đi, đều chỉ xứng đáng 500 đồng - số tiền mà thời điểm ấy mua được đúng một mớ rau.

Sau đúng 1 năm chơi ở V.League, cái tên "QK4" đã biến khỏi bản đồ BĐVN. Ảnh: Q.M..

Cách làm của ông Giang có thể đánh vào lòng tự trọng của nhiều cầu thủ, nhưng rõ ràng về lâu dài nó không phải là một cách làm tốt, có thể giữ chân các cầu thủ ở lại với các đội bóng thuộc ngành, thuộc sở - những đội bóng  không thể so đọ tiền bạc với những đội bóng doanh nghiệp. Thế nên dần dần, những cái tên truyền thống bị mất đi dù để lại rất nhiều đau đớn, nhưng cũng là một thực tế không thể khác.

Hãy nhìn sang người Thái

Khi bóng đá chuyên nghiệp đã bắt đầu được định hình, và khi cả một hệ thống các CLB đã sống trong bầu sữa doanh nghiệp mà việc thay đổi, chuyển giao, mua - bán một đội bóng vẫn cứ diễn ra dễ dàng, tùy hứng thì rõ ràng lại không ổn chút nào. Có lẽ chỉ ở bóng đá  Việt Nam mới có chuyện các CLB xuất hiện rồi mất hút trong chóng vánh (trường hợp của những Ngân Hàng  Đông Á, Sài Gòn United, Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn - những cái tên hoàn toàn ra đời dựa trên cảm hứng và túi tiền của các ông bầu, để rồi cuối cùng cũng bị khai tử bởi sự kiệt quệ, chán nản của các ông bầu).

Và có lẽ cũng chỉ ở bóng đá Việt Nam mới có chuyện một CLB được mua đi bán lại, rồi được chuyển vùng từ đầu này sang đầu kia đất nước một cách khó tin. Chẳng hạn như Ngân Hàng Đông Á sau khi xuống hạng đã được bán lại cho bầu Thắng để mang tên Ngói Đồng Tâm, rồi Ngói Đồng Tâm sau đó lại được bán cho bầu Trường để hình thành một The Vissai Ninh Bình như hiện có. Hay như việc đội QK4 vốn đóng đô ở Nghệ An chỉ sau một mùa chơi chuyên nghiệp lập tức đã được bán lại cho người khác để trở thành Navibank Sài Gòn - đóng đô mãi ở đất phương Nam.

Việc thương hiệu các đội bóng chợt có rồi chợt mất hoặc cứ thay đổi xoành xoạch theo sở thích của các ông bầu rõ ràng cho thấy bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang thiếu và thiếu trầm trọng yếu tố "phát triển bền vững". Mà một khi đã thiếu những yếu tố phát triển bền vững như vậy, bóng đá chuyên nghiệp chắc chắn không thể phát triển lâu dài.

Ở đây xin hãy nhìn sang Thai League - giải chuyên nghiệp được cho là đi sau V.League để thấy rằng ở đó một doanh nghiệp dù có nhiều tiền bao nhiêu chăng nữa nhưng khi đầu tư vào một CLB cũng không được thay đổi thương hiệu vốn có của CLB. Đơn cử như Tập đoàn  truyền thông Siam Sport nổi tiếng là giàu có khi đổ tiền vào CLB Muang Thong United đã không thể ghép tên mình vào tên CLB, để thành " Siam Sport - Muangthong" như những gì đã và đang diễn ra ở BĐVN.

Có lẽ đã đến lúc VFF - cơ quan điều hành nền bóng đá cần phải tham khảo cách làm của người Thái để nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này. Nếu như việc "cấm ghép tên, đổi tên" là một việc quá khó ở Việt Nam thì ít ra VFF cũng cần phải có điều khoản bắt buộc một CLB khi được hình thành phải được duy trì trong một khoảng thời gian đủ dài để phát triển, chứ không phải cứ thích thì "đẻ" ra đội bóng, rồi không thích lại "hy sinh" đội bóng theo cảm hứng.

Một nền bóng đá mà việc mua - bán - sang - nhương một đội bóng dễ như việc mua - bán - sang - nhượng một món đồ trang sức thì chắc chắn nền bóng đá ấy còn lâu lắm mới đạt được dù chỉ một nửa chữ "chuyên".

Những ai thật sự làm bóng đá vì bóng đá?

Có những ông bầu khi nhảy vào làng bóng đã phát triển CLB của mình một cách căn cơ, từ hệ thống đào tạo trẻ cho đến chất lượng đội 1 thi đấu ở V.League. Nhưng cũng có rất nhiều ông bầu dù luôn miệng nói "tôi yêu bóng đá" song thực chất lại mượn bóng đá để đoạt được mục đích riêng. Có người mượn bóng đá để đánh bóng thương hiệu - việc này thật ra khó tránh, nhưng lại có người mượn việc đầu tư vào bóng đá để đi xin một mảnh đất vàng, một dự án được cho là ngon ăn  ở huyện ở tỉnh… Với những ông bầu này, khi đoạt được mục đích của mình rồi, việc họ bỏ bóng đá cũng là điều dễ hiểu.

Các đội bóng biết điều này không? VFF biết điều này không? Nếu nói là "không" e là vô trách nhiệm. Còn nếu nói là "có", nhưng vì những lý do cá nhân nào đó mà vẫn chấp nhận thực tế ấy thì thôi, khỏi bàn. Người ta vẫn nói "thượng bất chính - hạ tắc loạn" - liệu câu nói ấy có đúng và có trúng với những trường hợp chúng ta đang mổ xẻ? (Ngọc Anh)

V.League đang rơi vào cảnh… đi trước về sau

Theo HLV Calisto - người có gần một thập kỷ chung sống với BĐVN, cũng là người đang cầm quân CLB Muangthong United ở Thái League thì so với Thái Lan, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang rơi vào cảnh đi trước về sau. Ông Calisto phân tích rằng lượng khán giả ở Thái League luôn cao hơn V.League, và ở đấy không hề có các trận đấu buộc dư luận phải "nghi nghi ngờ ngờ" như ở V.League. Cũng theo ông Calisto, những yếu tố phát triển bền vững của một nền bóng đá chuyên nghiệp, chẳng hạn như hệ thống đào tạo trẻ, việc gây dựng những thương hiệu truyền thống… đang được thực hiện rất tốt ở Thái League - trong khi nó lại là điều xa xỉ ở V.League.  Một so sánh khách quan của một ông thầy hết sức yêu mến bóng đá Việt Nam như Calisto hy vọng sẽ không bị các quan chức VFF… bỏ ngoài tai!?. (Tuấn Thành)

Diệp Xưa
.
.
.