Mời Bộ VH - TT&DL "xử" vấn đề bản quyền truyền hình Super League

Thứ Năm, 05/01/2012, 09:48
Phía VPF tự tin thì phía AVG cũng cực kỳ tự tin, và phía VPF chủ động đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm “quan tòa” thì AVG cũng sẵn sàng, chủ động đề nghị y như vậy.

Cuộc “đại chiến” quanh vấn đề bản quyền truyền hình Super League tiếp tục diễn ra căng thẳng khi đầu giờ chiều hôm qua VFF đã gửi công văn cho VPF để vừa khẳng định lại tính hợp pháp của mình, vừa đề nghị các quan chức cấp cao của VPF rút kinh nghiệm sau những phát biểu mang tính cá nhân nhắm tới VFF trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đến cuối giờ chiều, VPF cũng lập tức phát đi một công văn, nhưng không phải gửi lại VFF, mà gửi thẳng lên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung vạch rõ những điều mà VFF cho là sai trái của cả VFF lẫn AVG. Sau đó không lâu, đến lượt AVG gửi thông cáo báo chí khẳng định AVG cũng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào cuộc để phân giải vấn đề.

VFF “tấn công mạnh mẽ” VPF

Trong công văn của mình, VFF đã viện dẫn lại các điều luật Thể dục Thể thao để khẳng định lại một lần nữa mình có quyền sở hữu bản quyền truyền hình V.League (giờ đổi tên thành Super League). VFF cũng đồng thời cho biết, việc chuyển quyền tổ chức, điều hành các giải VĐQG của mình cho VPF chỉ trở thành hiện thực khi VPF đáp ứng được 2 điều kiện tiên quyết như sau: Một là, VPF phải hoàn thành các thủ tục để trở thành thành viên của VFF theo đúng điều 72 điều lệ VFF; Hai là, VPF phải hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ VFF. Nhưng công văn VFF cho biết, đến chiều  hôm qua VPF vẫn chưa đáp ứng cả 2 điều kiện này, nên việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý.

Không chỉ dừng lại ở đây, VFF còn “tấn công mạnh mẽ” vào VPF bằng việc khẳng định mình chỉ đồng ý ủy quyền cho VPF trong trường hợp VPF hội tụ được thêm 2 điều kiện nữa. Đầu tiên là việc VFF sẽ thông báo cho các đối tác liên quan về việc mình sẽ chuyển giao quyền điều hành các giải đấu QG cấp CLB cho VPF, đồng thời các đối tác chấp nhận sự chuyển giao này bằng một văn bản. Tiếp nữa, VFF, VPF và các đối tác liên quan phải cùng nhau ký một “thỏa thuận 3 bên” để cùng đồng ý về tất cả những sự chuyển giao trên.

Sau khi phân tích cụ thể, cặn kẽ các điều khoản trên đây, công văn của VFF kết luận: “Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu, cần thiết của pháp luật thể thao và Điều lệ của Liên đoàn cũng như không tôn trọng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”.

Tiếp đó VFF đề nghị các quan chức VPF phải rút kinh nghiệm sau những phát biểu mang tính cá nhân nhắm vào VFF, đồng thời đề nghị VPF phải thực hiện đúng chỉ đạo và hướng dẫn của VFF trong tất cả các vấn đề phát sinh.

Có thể nói, sau cuộc chiến công văn kéo dài giữa hai bên suốt những ngày qua, lần này VFF đã dùng những lời kẽ cực kỳ mạnh mẽ - mạnh mẽ nhất kể từ khi “cuộc chiến” bùng nổ để tấn công ngược trở lại VPF. Điều này cho thấy, sau hàng loạt những động thái “nắn gân” của lãnh đạo VPF thì VFF đến thời điểm này vẫn tuyệt đối tin tưởng vào lý lẽ của mình.

VPF đưa vấn đề lên… Bộ

Đúng 2 tiếng sau khi công văn của VFF xuất hiện, VPF cũng lập tức phát đi một công văn, nhưng đấy không phải là công văn đáp trả VFF, mà lại là công văn gửi cho Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để tố cáo những điều mà mình cho là bất hợp lý trong bản hợp đồng truyền hình 20 năm VFF đã ký với AVG.

Sự bất hợp lý đầu tiên mà VPF chỉ ra là theo điều 53 Luật Thể dục Thể thao năm 2006 thì bản quyền truyền hình bóng đá các giải chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB chuyên nghiệp, thế nên việc VFF chủ động ký hợp đồng với AVG mà không thông qua ý kiến các CLB là sai.

Cả Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lẫn ông bầu Nguyễn Đức Kiên đều tự tin vào lý lẽ của mình. Ảnh: Quang Minh.

Lập luận này không mới, bởi nó đã được PCT VPF Nguyễn Đức Kiên đề cập rất nhiều trong những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí những ngày qua. Ông Kiên đồng thời cũng nói luôn rằng, mặc dù VFF khẳng định mình có tham khảo và được các CLB đồng ý trong Hội nghị BCH VFF lần thứ 3 nhiệm kỳ 6 tổ chức ở Nha Trang, thì cũng phải thấy rằng ý kiến của Hội nghị BCH VFF không đồng nhất với ý kiến các CLB.

Tuy nhiên, điều thứ 2 mà VPF tung ra trong công văn của mình mới thật sự là một “đòn lạ” và “đòn độc” khiến cho rất nhiều người phải bất ngờ. Đó là theo điều 6 Luật Báo chí năm 1989 cùng các nghị định, văn bản khác thì: “Giấy phép hoạt động truyền hình là giấy phép hoạt động báo hình gắn với sự ra đời của tổ chức hoạt động phát thanh, truyền hình…”, thế nhưng ở thời điểm ký hợp đồng truyền hình với VFF, ngày 8/12/2010 thì AVG thậm chí còn không có giấy phép hoạt động truyền hình theo những quy định của pháp luật.  Với “đòn đánh” quan trọng này, bầu Kiên đã khiến cho rất nhiều người phải sửng sốt.

AVG cũng sẵn sàng đưa vấn đề lên… Bộ

Với những “đòn đánh” được nhận định là cực kỳ bất ngờ và hóc hiểm mà bầu Kiên tung ra thì  VFF và AVG liệu có rơi vào cảnh… thất thế hay không?

Ở đây, theo tìm hiểu của chúng tôi thì bản hợp đồng truyền hình kéo dài 20 năm nói trên là sản phẩm ký kết giữa VFF với Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên. Mà giấy phép hoạt động của công ty này cho phép được quyền kinh doanh, ký kết các vấn đề về bản quyền truyền hình.

Ở đây phải thấy rõ Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên với Đài Truyền hình AVG là hai khái niệm khác nhau. Và cũng phải thấy rõ “hoạt động truyền hình” với “bản quyền truyền hình” là hai vấn đề khác nhau. Đúng là “hoạt động truyền hình” nhất thiết phải gắn với một đài truyền hình như những điều khoản của Luật Báo chí mà phía VPF viện dẫn trong công văn gửi lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhưng “bản quyền truyền hình” thì không nhất thiết phải gắn với một đài truyền hình cụ thể.

Ví dụ như trước đấy FPT dù không phải là một đài truyền hình nhưng cũng từng mua được bản quyền truyền hình World Cup ở Việt Nam, rồi sau đó FPT bán lại bản quyền truyền hình World Cup cho VTV và VTC. Vì thế không thể căn cứ vào việc ở thời điểm Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên ký hợp đồng truyền hình với VFF là thời điểm Đài Truyền hình AVG chưa có giấy phép hoạt động để qui kết hợp đồng đã ký giữa hai bên là vô giá trị được.

Có lẽ cũng vì nắm chắc và nắm rõ những điều như thế mà cuối giờ chiều hôm qua, phía AVG cũng đã gửi một thông cáo báo chí cho các cơ quan truyền thông với nội dung rằng AVG đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phân giải vấn đề bản quyền truyền hình đang hết sức rắc rối hiện nay.

Với động thái nay có thể thấy rằng phía VPF tự tin thì phía AVG cũng cực kỳ tự tin, và phía VPF chủ động đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm “quan tòa” thì AVG cũng sẵn sàng, chủ động đề nghị y như vậy.

Chỉ trong vài tiếng của một buổi chiều, cả phía VFF, VPF, lẫn AVG đều đồng loạt phát đi những tín hiệu hết sức tự tin và mạnh mẽ, và vì thế cuộc “đại chiến truyền hình” chắc chắn sẽ còn diễn ra cực kỳ nóng bỏng những ngày tới đây.

AVG đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm tra lại hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG

Đứng trước những thông tin không chính xác, cố tình làm sai lệch bản chất sự việc liên quan đến hợp đồng bản quyền truyền hình mà Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) đã ký với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), AVG đã chính thức gửi Văn bản số 02/TTAV-AV ngày 3/1/2012 đến Bộ Văn hóa -  Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), trong đó AVG đã chủ động đề nghị Bộ kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng nói trên nhằm có thông tin khách quan và chính xác cung cấp cho công luận.

Ngày 4/1, AVG đã nhận được công văn của VFF làm rõ nội dung của Nghị quyết số 426/QN-LĐBĐVN, trong đó khẳng định việc VFF ủy quyền cho thành viên của VFF tổ chức thực hiện, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật của giải đấu cũng như quyền lợi nhà tài trợ giải, điều hành giải đấu là có điều kiện và cho đến thời điểm này các điều kiện đó vẫn chưa được đáp ứng, do vậy việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý.

VFF khẳng định: “Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và Điều lệ của Liên đoàn cũng như không tôn trọng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Thường trực BCH VFF đề nghị Hội đồng quản trị VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những phát biểu mang tính cá nhân của lãnh đạo VPF trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với VFF trong thời gian qua”.

VFF yêu cầu trong khi chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận quyền đầy đủ của VFF điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của VFF đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp, VPF phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh - văn bản của VFF nêu rõ.

Ông Hoàng Xuân Bắc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên cho biết: “Văn bản số 426/QN-LĐBĐVN của BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã thể hiện rõ sự hiểu biết và thái độ tôn trọng pháp luật, cũng như tôn trọng bản hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG. Tuy vậy, VFF cần có những hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa để công chúng có thể hiểu rõ về bản chất sự việc, tránh bị những kẻ lợi dụng bóp méo sự thật và định hướng sai dư luận”.

Ông Hoàng Xuân Bắc cho biết thêm, văn bản mà AVG trình lên Bộ VH-TT&DL còn có một số kiến nghị quan trọng, trong đó có việc AVG cam kết sẵn sàng bỏ chi phí cần thiết để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc xây dựng các kế hoạch và đề xuất các giải pháp cho Bộ VH-TT&DL, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói gì?

Trả lời phỏng vấn Báo CAND vào tối qua, người phát ngôn bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tô Văn Động cho biết: “Quan điểm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là sẽ lắng nghe ý kiến từ cả hai phía VPF lẫn AVG, vì bên nào cũng có cái lý riêng của mình.

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cả hai phía, cộng với báo cáo chính thức về vấn đề này mà VFF gửi lên, Bộ sẽ đề nghị các bên ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề với hai tiêu chí sau đây. Thứ nhất là các bên phải phối hợp làm sao để tất cả đều có thể đảm bảo lợi ích của mình, và lợi ích đó có thể dung hòa được. Thứ hai, dẫu có tranh chấp như thế nào thì các bên cũng phải tuyệt đối tôn trọng quyền lợi của người hâm mộ bóng đá Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của Bóng đá Việt Nam.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tin rằng mình có thể giúp cho các bên tìm được tiếng nói chung, để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, ổn thỏa. Trong trường hợp bất khả kháng, khi các bên không thể dung hòa được quyền lợi thì chắc chắn tranh chấp dân sự này sẽ được giải quyết ở Tòa án. Nhưng đấy chỉ là trường hợp bất khả kháng, và Bộ hoàn toàn không mong muốn trường hợp này xảy ra”. (Diệp Xưa)

Phan Đăng
.
.
.