Mặt trời và cơn lốc

Thứ Bảy, 19/06/2010, 09:43
Nếu Nhật Bản đến từ "xứ sở mặt trời" và luôn nuôi trong mình những giấc mơ ấm áp thì Hà Lan lại điển hình cho những cơn lốc táo bạo mà lâu nay vẫn được người ta ví von là "lốc da cam". Thật thú vị khi mặt trời và cơn lốc lại có dịp song hành trong 90 phút của một trận đòn thù.

90 phút ấy, cả Nhật Bản lẫn Hà Lan đều đã có 3 điểm làm lưng vốn. 90 phút ấy, cả Nhật Bản lẫn Hà Lan chắc chắn sẽ vừa đá vừa tính sao cho trận đấu diễn ra có lợi nhất với mình. Thế thì "mặt trời Nhật Bản" và "lốc Hà Lan" ai tính giỏi hơn ai?

Khách quan mà nói, mặc dù đã có 3 điểm trong ngày ra quân, nhưng Nhật Bản của ngày ra quân ấy không mạnh mẽ như người ta tưởng. Họ có được 3 điểm, một phần vì những nỗ lực phi thường, một phần vì sự yếu đuối của Cameroon, và một phần vì may mắn. Chính báo chí Nhật sau khi "bay lâng lâng" với chiến tích của đội nhà cũng đã mạnh dạn chỉ ra không dưới 3 "điểm chết". Trong số những "điểm chết" ấy thì theo họ, cái khả năng phòng thủ trung lộ là nguy cấp nhất.

Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ đội Nhật Bản trước đội bóng Cameroon.

Ở phía ngược lại, sau trận thắng Đan Mạch 2-0, nhiều tờ báo và nhiều cây bút đã thi nhau thổi phồng về cái gọi là "lốc da cam" - vốn là một đặc sản của bóng đá Hà Lan trong truyền thống. Song thực tình, Hà Lan của ngày ra quân là một Hà Lan không… có lốc. Thay vì ào ạt tấn công, ào ạt dồn ép đối thủ, Hà Lan đã bày ra một thế trận rất chặt chẽ, và đã tính đến việc chiến thắng đối phương bằng từng tình huống mình chắt chiu có được. Nhưng chính vì cái chỗ "không có lốc" này mới đáng sợ, vì nó cho thấy, Hà Lan vẫn chưa lộ ra phần lớn bài vở của mình.

Với những tương quan như vậy, phải thừa nhận rằng Nhật Bản yếu thế hơn hẳn so với Hà Lan. Và sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu họ rời cuộc chơi với Hà Lan bằng 0 điểm, 0 bàn thắng. Tuy nhiên, có một điều mà người Nhật Bản hoàn toàn có thể bấu víu vào, đó là sự tự tin của các cầu thủ và khả năng kích thích tâm lý của ông thầy Okada. Trước khi VCK World Cup diễn ra, ông Okada đã "lên dây cót" cho các học trò của mình bằng lời tuyên bố: "Nhật Bản sẽ lọt vào tứ kết". Và sau chiến thắng đầu tay thì ông Okada lại đưa mọi thứ lên mây bằng phát biểu: "Chúng tôi đã chiến thắng bằng ý chí, và với ý chí ấy, chúng tôi có thể tiếp tục giành chiến thắng ở các trận tiếp theo".

Nói tóm lại "mặt trời Nhật Bản" chỉ có ý chí để dựa vào, trong khi "lốc Hà Lan" lại có thể dựa vào cái nền đẳng cấp hơn hẳn đối phương, cùng những khả năng toan tính cũng hơn hẳn đối phương cả một cái đầu.

Chờ xem, trong một cuộc đấu của ý chí và đẳng cấp ấy, "mặt trời" sẽ làm lốc phải tan chảy, hay chính lốc sẽ khiến mặt trời phải đóng băng?

Trong trận đấu còn lại ở bảng này giữa Đan Mạch và Cameroon, đội bóng đến từ Bắc Âu được đánh giá cao hơn. Trận ra quân, mặc dù thua Hà Lan 0-2 nhưng Đan Mạch đã có 45 phút đầu tiên cho thấy rõ tính tổ chức và sự kết dính trong lối chơi của mình. Ở phía ngược lại, 90 phút gặp Nhật Bản là 90 phút mà "sư tử bất khuất" như bị… bẻ mất nanh. Ngay cả điểm mạnh lớn nhất của mình là thể lực giờ cũng không được những "chú sư tử" phát huy. Và một khi mất đi những điểm mạnh truyền thống như vậy, sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu "sư tử bất khuất" một thời giờ lại bị Đan Mạch đánh gục không thương tiếc.

Ở một diễn biến khác giữa GhanaAustralia, mọi thứ lại diễn ra cân bằng hơn. Trong khi Ghana là một đội bóng đồng đều thì Australia lại có được những cá nhân khá xuất sắc. Mặc dù ở trận đầu tiên, Ghana thắng còn Australia thua, nhưng ai cũng bảo người thắng đã thắng vì may mắn, còn người thua đã thua vì đối phương quá mạnh. Vì vậy, những kết quả thắng - thua đó, xét cho cùng không phá đi sự cân bằng trong tương quan hai đội. Nếu cả hai tiếp tục chơi toan tính, chờ sơ hở của đối phương thì một kết quả hòa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Diệp Xưa
.
.
.