Lửa, khói và sự “biến dạng” tài năng

Thứ Bảy, 07/04/2012, 09:27
Lửa và khói đã bốc lên nghi ngút sau những rắc rối trong chuyến tập huấn của đội tuyển bơi lội tại Mỹ. Đằng sau cơn cháy do chính những người trong cuộc đốt lên ấy, thật đáng buồn khi hậu quả lại là sự “biến dạng” của một trong những tài năng hàng đầu của bơi lội Việt Nam. Càng nghĩ lại thấy đau xót!

Ngọn lửa mâu thuẫn không chỉ bùng lên trong chuyến tập huấn kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử bơi lội Việt Nam, mà nó đã âm ỉ cháy rất nhiều năm trước. Ngọn lửa ấy bắt nguồn từ khâu tập trung đào tạo không đâu như Việt Nam. Tức là mỗi địa phương tập một phách và khi lên tuyển, mang theo cả những mục tiêu, cách làm riêng của mỗi địa phương, chẳng ai vì cái chung. Bởi vậy, mới xảy ra tình trạng “quân anh, quân tôi”.

Những nhà lãnh đạo môn bơi, chẳng lạ gì mối quan hệ chẳng “cơm lành, canh ngọt” giữa HLV Tấn Quảng (thầy của Quý Phước) và HLV Anh Tuấn (chủ yếu dẫn dắt các VĐV phía Nam). Hồi còn tập huấn bên Trung Quốc, dù kinh phí hạn hẹp nhưng bộ môn bơi vẫn phải bố trí cho 2 HLV này tập huấn ở 2 nơi riêng biệt, bởi ai cũng biết tính cách của 2 người này chẳng khác nào lửa với nước. Mối quan hệ thêm căng thẳng, khi HLV Tấn Quảng là người trực tiếp huấn luyện Quý Phước, VĐV đã thi đấu cực kỳ thành công tại SEA Games 26 và đặc biệt là VĐV đầu tiên của bơi lội Việt Nam vượt chuẩn B Olympic, nhưng lại về sau HLV Anh Tuấn trong cuộc bầu chọn HLV tiêu biểu của năm.

Trước cuộc tập huấn tại Mỹ lần này, nhiều người cũng đã cảnh báo sự mâu thuẫn giữa 2 HLV sẽ ảnh hưởng lớn tới chuyến tập huấn, nhưng đã bị làm ngơ. Và ai cũng thấy, ngọn lửa của những mâu thuẫn đã bùng lên như thế nào, khi 2 HLV này tiếp tục không có sự phối hợp, hỗ trợ nhau mà đường ai nấy đi, việc ai nấy làm.

Khói đen kịt bốc lên, từ “đám cháy” trong chuyến tập huấn tại Mỹ, không chỉ bắt nguồn từ ngọn lửa mâu thuẫn của 2 HLV Tấn Quảng và Anh Tuấn, mà còn từ rất nhiều vấn đề khác.

Đầu tiên, không thể nói tới một kế hoạch tập huấn hoành tráng nhất trong lịch sử với ngân sách lên tới 4 tỷ đồng, nhưng khâu tiền trạm lại rất hời hợt. Quá nửa thời gian tập huấn, người trong cuộc mới “ồ, à” hóa ra địa điểm tập huấn Bolles danh tiếng lại chỉ phù hợp cho hạng... “học sinh”.

Trường Bolles với những lời quảng cáo màu hồng, thực chất lại là một trường trung học tư thục và hoàn toàn không có các điều kiện chuyên môn để đào tạo VĐV đỉnh cao. Chính vì chỉ là nơi tập luyện cho học sinh, nên các VĐV của ta được “tạo điều kiện” tập 7 buổi/tuần, quá ít so với chương trình huấn luyện đạt chuẩn Olympic. Tại đây, các HLV Việt Nam cũng không được phép trực tiếp xuống nước huấn luyện, khiến các VĐV bị tâm lý, lại không hiểu chuyên gia nước ngoài nói gì. Chuyên gia không thay đổi và huấn luyện riêng biệt cho VĐV Việt Nam, không có chương trình tập thể lực... Vậy mà VĐV có lỡ thắc mắc hay tỏ ra chán nản, đã bị cho là bệnh sao.

Những rắc rối cứ thế mà nối đuôi nhau xảy ra. Thầy tố trò lười tập, trò bất bình lại thầy, địa điểm tập huấn thì liên tục thay đổi... Cho đến giờ, ngay cả khi lãnh đạo Tổng cục TDTT cử cán bộ sang giải quyết vấn đề, vẫn chưa hết được những rắc rối.

Đội tuyển bơi lội Việt Nam tại Mỹ.

Từ một VĐV tài năng nhất của bơi lội nước nhà, từ một VĐV để lại sự khâm phục về ý chí vươn lên, Quý Phước đang trở thành tâm điểm chú ý trong chuyến tập huấn tại Mỹ, bởi “cáo buộc” bệnh ngôi sao. Giờ thì lãnh đạo môn bơi, lại cuống cuồng chữa rằng phát biểu bệnh ngôi sao đó chỉ là ý kiến của cá nhân HLV Anh Tuấn, nhưng, tất cả có vẻ đã quá đủ cho sức chịu đựng của một VĐV trẻ như Phước và sự thật, Phước đã mất phương hướng hoàn toàn. Tăng cân, giảm sút các tố chất như sức bền, sức mạnh, kỹ thuật và đặc biệt là tâm lý vô cùng bất ổn sau những gì xảy ra. Từ một VĐV có khả năng tiệm cận chuẩn A Olympic, sau đám lửa và khói nghi ngút từ chuyến tập huấn, Quý Phước đã bị “biến dạng” như vậy đó

An Nhi
.
.
.