19 giờ tối nay, bán kết giải U.19 Đông Nam Á 2014, Việt Nam - Myanmar:

Làm mới hàng phòng ngự

Thứ Năm, 11/09/2014, 10:38
Cuộc tái ngộ sau trận chung kết giải U.22 Đông Nam Á cách đây chưa lâu giữa đội tuyển U19 Việt Nam và U19 Myanmar chắc chắn sẽ là một cuộc đấu thú vị. Trong khi chủ nhà Việt Nam khát khao đòi nợ thì Myanmar dĩ nhiên muốn chứng tỏ sự "trên cơ" đích thực của mình.

Trả lời báo chí sau khi xem xong cái cách Myanmar hạ gục Việt Nam 4-3 ở chung kết giải U.22 Đông Nam Á và cái cách Myanmar dễ dàng thắng Indonesia, Thái Lan ở vòng bảng giải U.19 Đông Nam Á lần này, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã phải thốt lên là ông quá đỗi ngỡ ngàng. Không riêng gì bầu Đức, mà cả Đông Nam Á cũng chung cảm giác ngỡ ngàng với một Myanmar có thể lực tốt, có lối chơi hiện đại và có cả những tiểu xảo thuộc vào hàng tinh quái.

Mặc dù không công khai đá ẩu, đá láo như Indonesia hay Thái Lan, nhưng cầu thủ Myanmar  cũng không trong trẻo như những gì người ta đánh giá. Trái lại, họ biết đánh người rất kín và rất "hợp thời điểm" để vừa có thể làm chùn chân đối phương, vừa có thể qua mắt trọng tài. Có lẽ khoảng thời gian dài tập huấn tại Đức cùng những trận đấu liên tục ở giải hạng 2 Myanmar đã giúp các cầu thủ thuộc lứa  U.19 này quái cơ hơn hẳn so với những cầu thủ đồng trang lứa. 

Có một điểm rất đáng chú ý là HLV trưởng U.19 Myanmar, ông Gerd Friedrich luôn tỏ ra khiêm tốn, nhún nhường đặc biệt với những đánh giá về đội bóng của mình, đặt trong sự so sánh với U.19 Việt Nam. Sau trận chung kết giải U.22 Đông Nam Á, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng Myanmar thắng Việt Nam một cách hợp lẽ, công bằng, thì riêng ông Gerd Friedrich vẫn khẳng định: "Đấy là chiến thắng may mắn, dựa trện những khoảnh khắc toả sáng cá nhân".

HLV trưởng U.19 Myanmar cho biết ông rất ngại khán giả Mỹ Đình.Ảnh: H.M.

Còn mới đây nhất, sau khi giành vé vào bán kết giải U.19 Đông Nam Á và chưa biết đối thủ của mình là Việt Nam hay Nhật Bản, thì ông thầy người Đức cũng công khai cho biết: "Tôi thích gặp Nhật Bản hơn Việt Nam". Lý lẽ của ông là dưới sự cổ vũ của đông đảo khán giả nhà, U.19 Việt Nam vốn đã mạnh giờ càng thêm mạnh, và vượt qua Việt Nam trong một rừng khán giả Mỹ Đình là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Rõ ràng là ông thầy này rất tôn trọng U.19 Việt Nam, và rất biết cách giải phóng áp lực cho các cầu thủ của mình bằng cách chủ động đặt mình ở thế dưới kèo.

Ở bên phía chiến tuyến, HLV trưởng Guilaume Graechen của ĐT U.19 Việt Nam cũng đã đọc vanh vách tên tuổi, sở trường sở đoản của những hạt nhân tấn công trong đội hình U.19  Myanmar. Người từng tuyên bố "thất vọng" sau trận chung kết giải U.22 Đông Nam Á trước Myanmar, chắc chắn rất hiểu những ngón đòn của đối thủ và rất biết phải làm gì để đối chọi với những ngón đòn cao cơ ấy.

Sẽ không bất ngờ nếu ông thầy Pháp chỉ đạo quân mình đá chậm chắc, nghiêng nhiều về phòng ngự, giữ sức trong khoảng 45 phút đầu tiên và sẽ chọn một thời điểm nào đó ở hiệp 2 để "tung đòn". Một cách đá khôn ngoan, có tính toán như thế sẽ khiến chúng ta không bị hụt hơi giống như đã hụt hơi trong khoảng 15 phút trận chung kết giải U.22 Đông Nam Á vừa rồi.

Trận đấu cuối ở vòng bảng trước U.19 Nhật Bản cho thấy hàng phòng ngự vẫn là một điểm yếu chí mạng của U.19 Việt Nam lúc này. Và thực ra thì đấy mới là khu vực mà ông Graechen phải "động não" nhiều hơn. Nếu không thì những khoảnh khắc loé sáng và những bàn thắng ở hệ thống tấn công vẫn không đảm bảo cho một chiến thắng của chúng ta trước một đối phương có khả năng chớp thời cơ sắc sảo.

Đêm nay, chờ ông Graechen làm mới hàng phòng ngự đội nhà!

Điểm yếu tâm lý

Trận đấu cuối vòng bảng giải U.19 Đông Nam Á với U.19 Nhật Bản vừa rồi cho thấy sau khi để thua bàn thứ nhất, cầu thủ U.19 Việt Nam ít nhiều có biểu hiện... mất tập trung. Và sau khi thua bàn thứ hai thì rất nhanh sau đó họ cũng thua bàn thứ ba. Điều này cũng từng xảy ra ở trận chung kết giải U.22 Đông Nam Á với Myanmar, và nó cho thấy khả năng làm chủ tâm lý trong những thời điểm bị động của các cầu thủ là chưa tốt.

Chúng tôi đã đặt thẳng vấn đề này với HLV trưởng Guilaume Graechen. Câu trả lời của ông: "Chính những trận đấu ở những giải đấu chính thức, chứ không phải những buổi tập nội bộ mới giúp chúng ta cải thiện được vấn đề này. Cầu thủ U.19 Nhật Bản, Myanmar, có nhiều người đang thi đấu ở giải VĐQG nước họ nên kinh nghiệm và khả năng làm chủ tâm lý của họ cũng tốt hơn cầu thủ của ta". Tính cả trận đấu hôm nay, chỉ còn 2 trận đấu chính thức cuối cùng nữa của U.19 Việt Nam trước khi cả đội bước vào VCK U.19 châu Á. Hy vọng chúng ta sẽ tận dụng triệt để 2 trận đấu - 2 cơ hội này để hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu, trong đó thiếu rõ là việc làm chủ tâm lý khi trận đấu rẽ theo hướng bất lợi cho mình. (Ngc Anh )

Diệp Xưa
.
.
.