Lại chuyện thầy Nhật 'điểm huyệt' thể lực cầu thủ nữ

Thứ Ba, 10/03/2015, 08:50
Sau HLV trưởng ĐTQG nam Việt Nam Toshiya Miura giờ đến lượt tân HLV trưởng ĐTQG nữ Việt Nam Norimatsu Takashi phàn nàn về vấn đề thể lực. Chỉ chứng kiến hai lượt trận đầu tiên ở giai đoạn 1 giải vô địch bóng đá nữ quốc gia 2015, ông Norimatsu đã lập tức điểm chỉ vấn đề: "Thể lực của các cô gái Việt Nam không đủ thi đấu quốc tế".

Ông Norimatsu hé lộ rằng không phải đến bây giờ, mà ngay từ VCK giải bóng đá nữ châu Á 2014 và Asiad 17 (cũng trong năm 2014) ông đã chủ ý theo dõi ĐT nữ Việt Nam, và ngay từ lúc ấy đã nhìn ra điểm yếu thể lực của các cầu thủ. Nhưng bây giờ, khi trực tiếp sống với bóng đá nữ Việt Nam, ông mới hiểu tường tận điểm yếu này.

Norimatsu giải thích rằng ở những nền bóng đá tiên tiến, luôn có những học viện bóng đá nữ với rất nhiều các nghiên cứu về sức khoẻ, dinh dưỡng được thực hiện, và vì thế thể lực của các nữ thủ luôn được đảm bảo ở mức cao.

Trong mắt tân HLV trưởng người Nhật, các nữ cầu thủ Việt Nam còn hạn chế về thể lực.

Nhưng đòi hỏi bóng đá nữ Việt Nam xuất hiện những học viện kiểu ấy là một "đòi hỏi trong mơ" nên Norimatsu nghĩ đến một giải pháp thực tế: chúng ta cần tăng số lượng các trận đấu ở giải vô địch quốc gia, để các cầu thủ có thể thi đấu - vận động với một cường độ lớn hơn.

Ở đây, phải nói thêm là với sự xuất hiện của CLB nữ Tao Đàn năm nay giải vô địch nữ Việt Nam mới may mắn có 6 đội tham dự, và trong bối cảnh hiện tại "bói" thêm những đội bóng nữ khác là điều cực kỳ khó khăn. Vậy nên thực tế nhất vẫn là việc chúng ta cải tiến phương pháp đấu giải, để vẫn với chừng ấy đội, nhưng có thể số lượng các trận sẽ nhiều hơn.

Nhưng chuyện cải tiến (nếu có) sẽ chỉ diễn ra vào mùa giải năm sau, còn hiện giờ, ngay trước mắt sẽ là một nhiệm vụ không dễ dàng cho tân thuyền trưởng Norimatsu: phải dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam lọt vào chung kết giải vô địch nữ Đông Nam Á 2015 được tổ chức vào tháng  5 tới ở TP Hồ Chí Minh. Nhà cầm quân người Nhật Bản cho hay sau khi tiếp tục theo dõi, tuyển quân ở giải vô địch quốc gia ông sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao thể lực, và có thể hai biện pháp "chữa cháy" tức thời sẽ được áp dụng: một là trong thời gian đầu hội quân, cũng giống như thầy Miura ở ĐT nam ông Norimatsu sẽ áp dụng những bài tập không bóng rất nặng cho các học trò. Hai là, ông sẽ kiến nghị VFF tổ chức nhiều trận đấu cọ xát quốc tế để các cầu thủ có thể dày dạn, mạnh mẽ hơn.

Nói về chủ đề thể lực của ĐT nữ Việt Nam không thể không nhắc lại chuyện năm 2001 thầy ngoại Steve Darby và trợ lý Hoàng An (vốn là một huấn luyện viên điền kinh) đã từng áp dụng những bài tập điền kinh cho các cầu thủ, và thoạt tiên không tránh được những lời kêu ca, than vãn.

Nhưng nhìn lại hình ảnh một ĐT nữ Việt Nam sung sức với hơn 120 phút bán kết gặp Myanmar và 90 phút chung kết gặp Thái Lan (thắng đậm tới 4-0) ở SEA Games năm ấy thì nhiều người đã phải thừa nhận những bài tập điền kinh hoá ra lại có tác dụng bất ngờ trong việc nâng cấp thể lực cầu thủ. Sau này, tới đời các ông thầy Trần Vân Phát, Mai Đức Chung... cường độ tập luyện của ĐT nữ được giảm đi khá nhiều.

Bây giờ thì thách thức đang chờ HLV người Nhật Norimatsu. Chờ xem ông có làm được cái điều mà người đồng hương của mình là Toshiya Miura đang bước đầu làm được với ĐT nam: Thực hiện một cuộc cách mạng thể lực chỉ trong thời gian ngắn?

Điểm mạnh kĩ thuật

Không ngại chỉ ra điểm yếu thể lực của các nữ cầu thủ Việt Nam nhưng HLV Norimatsu cũng đồng thời đánh giá điểm mạnh kĩ thuật của các cầu thủ.

Ông cho biết: "Theo tôi thấy phần lớn các đội bóng nữ Việt Nam đều có những cầu thủ khéo léo, nhanh nhẹn, xử lý bóng thông minh", từ đó ông Norimatsu cho rằng một lối chơi dựa nhiều vào những mảng miếng phối hợp kĩ thuật dựa trên nền tảng thể lực được nâng cấp sẽ giúp ĐT nữ Việt Nam thành công ở giải vô địch Đông Nam Á tới đây.

Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.