Lại báo động về văn hóa sân cỏ

Thứ Hai, 06/04/2009, 13:01
Chuyện thật 100%. Trận tứ kết Cup QG giữa Thể Công - HN.ACB trên SVĐ Hàng Đẫy (chiều thứ bảy tuần rồi), nhóm CĐV của HN.ACB đã thản nhiên vứt một cái thủ chó xuống sân, một hành động thể hiện sự xúc phạm tới cầu thủ hai đội. Từ một vụ việc cụ thể này, đã đến lúc phải cảnh báo về "tính văn hóa" dường như đang xuống dốc trầm trọng trong các trận đấu tại V.League năm nay.
>> Văn hoá ứng xử của cầu thủ nhìn từ vụ "ngón tay thối"

HN.ACB sẽ bị xử nặng?

Tại sao một số CĐV quá khích của HN.ACB lại phản ứng đội Thể Công bằng hình thức vứt chiếc thủ chó xuống sân? Không khó lý giải vấn đề này, bởi theo các CĐV quá khích kia thì chữ "Thể Công" (TC) có thể suy ra là "thủ chó" (TC).

Mà không chỉ một lần, trong suốt thời gian diễn ra trận đấu, nhóm CĐV quá khích của HN.ACB đã 2 lần vứt thủ chó xuống sân, bất chấp sự kêu gọi "hãy cổ vũ bóng đá một cách có văn hóa" vang lên từ chiếc loa SVĐ. Điều đặc biệt là, trước khi trận đấu khởi tranh, một số CĐV của HN.ACB đã cố tình ngồi sang phía khán đài B, vốn dành riêng cho các CĐV Thể Công, và sau đó không ngại ngần tung ra những lời lẽ rất tục tĩu nhằm về phía Thể Công.

Nên nhớ rằng, VFF đã có điều khoản cụ thể, quy định việc xử lý những hành vi phản văn hóa kiểu này. Cụ thể là điều 47 về quy định kỷ luật của VFF đã khẳng định rõ: "Bất kỳ người nào phân biệt, gièm pha, phỉ báng người khác… sẽ bị đình chỉ thi đấu ít nhất 5 trận ở mọi cấp độ. Cơ quan xử lý sẽ phạt cấm người vi phạm vào sân vận động và phạt tiền ít nhất 10.000.000đ". Trong quy định kỷ luật còn ghi rõ, nếu khán giả nào cố ý hoặc vô ý vi phạm điều này thì CLB có khán giả đó sẽ bị phạt tối thiểu là 20 triệu đồng.

Hôm qua, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Hải Hường - Trưởng Tiểu ban Kỷ luật VFF thì được biết ông mới chỉ biết chuyện các CĐV của HN.ACB ném đầu chó xuống sân và có nhiều lời lẽ xúc phạm CĐV Thể Công qua một số tờ báo. Hôm nay, ông Hường sẽ xem xét báo cáo của giám sát trận đấu, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ông đã nói rõ quan điểm: "Các CĐV của HN.ACB đã rất nhiều lần gây chuyện. Thế nên nếu đúng là họ đã thực hiện những hành vi thiếu văn hóa trong trận HN.ACB - Thể Công thì họ và CLB của họ sẽ bị xử rất nặng".

Điều đáng nói là ngồi trên ghế VIP sân Hàng Đẫy xem trận Thể Công - HN.ACB có cả ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn. Và chính ông Tuấn cũng tỏ ra bức xúc trước những hành động không thể chấp nhận được của các CĐV quá khích phía HN.ACB.

Văn hóa sân cỏ đang ô nhiễm?

Thật ra chuyện về "cái thủ chó" trên sân Hàng Đẫy chỉ là một trong một chuỗi các câu chuyện liên quan đến việc xuống cấp trầm trọng của "văn hóa sân cỏ" Việt Nam suốt thời gian qua. Cách đây chưa lâu, CAND đã từng có bài viết phản  ánh việc cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc của Nam Định đã hơn một lần hất "của quý" của mình, rồi sau đó là giơ "ngón tay thối" về phía các CĐV Thể Công trong trận Nam Định - Thể Công trên sân Thiên Trường.

Gần đây, người ta lại nói rất nhiều tới chuyện các trận đấu ở V.League diễn ra trong tình trạng bạo lực trầm trọng. Muốn biết sự bạo lực ấy đến đâu xin cứ nhìn vào bảng tổng sắp thẻ phạt, nơi có tới hơn 200 chiếc thẻ vàng đã được rút ra, trong kh tổng số bàn thắng chỉ là hơn 100 bàn. Có nghĩa là, số lượng thẻ phạt cao gấp đôi số lượng bàn thắng - một sự so sánh mà khi nhìn vào, chắc chắn người ta không thể không rùng mình.

Ở V.League bây giờ, có những trận đấu mà sau khi xem xong người ta không nhớ nổi trọng tài đã cắt còi bao nhiêu lần và rút ra bao nhiêu thẻ. Điển hình nhất là trận đấu bù giữa Bình Dương - Hải Phòng trên sân Gò Đậu. Đấy là trận đấu mà rất lâu rồi các phóng viên mới phải qua bàn trọng tài thứ 4 để "kiểm tra số thẻ". Và kiểm tra rồi thì ai cũng ngã ngửa với thống kê: 12 thẻ cho 45 phút của hiệp 2.

Vẫn ở trận đấu đó, lại có cả những hình ảnh không liên quan gì tới những con số thống kê nhưng lại làm người ta không khỏi ức chế với một thứ bóng đá vô cùng bạo lực . Ấy là hình ảnh cái bắp chân bầm dập vì bị "chém" của Vũ Phong hay những cái ống quyển phải chườm đá suốt con đường Bình Dương - TPHCM của ba cầu thủ Hải Phòng.

Thủ chó, tay thối, bạo lực…, rõ ràng là hàng loạt những vấn nạn phản văn hóa đang nhan nhản diễn ra ở sân chơi V.League. Những vấn nạn làm cho V.League trở nên xám xịt hơn và làm cho bóng đá Việt Nam hiện lên một cách ảm đạm hơn.

Có lẽ đã đến lúc những nhà làm giải và từng con người sống với giải phải cùng nhau làm một cái gì đó để cứu vãn một nền bóng đá dù đang khoác lên mình chiếc áo "chuyên" nhưng lại có nhiều chỗ chẳng "chuyên" tí nào

Diệp Xưa
.
.
.