Bình luận

Kí ức và bản năng

Thứ Sáu, 04/07/2014, 19:37
Chưa bao giờ lịch sử được gợi lại nhiều như lúc này. Pháp và Đức tạo ra một trường quá khứ vừa sôi sục, vừa kinh hoàng. Hình ảnh Battiston nằm ngất lịm trên thảm cỏ sau cú vào bóng không thương tiếc của Harald Schumacher được đăng nhan nhản. Rồi tấm hình Battison cưới vợ trong bộ dạng nẹp cổ, hàm răng mất 3 chiếc cũng được đưa lên như một lời dọa dẫm nào đó. Nhưng bên cạnh kí ức đầy đau thương ấy cũng có những kí ức đẹp mà người Đức lưu giữ để hi vọng. Ở đó, dường như người Đức đang trở lại với chính bản ngã của mình.

Sau trận thắng Algeria đầy nhọc nhằn, xen giữa những lời ca ngợi về “Libero Neuer” là không ít chỉ trích nhắm vào Đức, như thể họ chỉ may mắn lọt vào tứ kết nhờ Neuer vậy. Ai cũng có quyền phán xét, suy đoán và nhận định, nhất là khi cả thế giới đã chiêm ngưỡng sự thay đổi đến tận cùng của bóng đá Đức với vẻ đẹp tấn công đầy khí phách, đầy nhiệt huyết và luôn tạo ra những cảm xúc thăng hoa. Nhưng cho đến khi Đức phơi bày bộ mặt cứng nhắc, vô cảm, thì lại tạo ra những hồ nghi, giống hệt cách đây 2 năm, họ từng bị giễu cợt rằng: Đá đẹp mà làm gì khi qua 3 giải đấu lớn không thể vô địch.

Không còn quá sớm để nói rằng, Đức có thể dùng thứ bóng đá quyến rũ để chinh phục những trái tim, nhưng chưa thể dùng cách chơi ấy để chinh phục một giải đấu. Những “thất bại lộng lẫy” chỉ tạo ra cảm xúc chứ không thể tạo ra sự giải thoát cho những khát vọng bị kìm nén. Bản năng của người Đức là đương đầu thách thức và chinh phục chứ không chỉ để tạo ra một cuốn tiểu thuyết lấy được nhiều nước mắt mà không có hậu. Đó là lí do tại sao quá khứ lại dồn về ào ạt đến thế.

World Cup 1982, Đức khởi đầu tồi tệ với scandal “dàn xếp” tỉ số để loại Algeria. Tiếp đó là trận gặp Pháp với vụ va chạm của Battiston. Nhưng đó lại là 1 trong 10 trận đấu hay nhất lịch sử World Cup. Và kết quả, Đức có mặt ở trận chung kết. Ở cả 3 lần vô địch (1954, 1974 và 1990), không năm nào họ toàn thắng vòng bảng, thậm chí có 2 lần chỉ đứng thứ nhì. Kể cả chặng đường đi đến vinh quang của họ cũng chẳng thấy có cánh hoa hồng nào cả. Bây giờ, nếu Đức có tạo ra sự hụt hẫng thì tại sao không đặt câu hỏi: Phải chăng họ đang trở lại với bản ngã xưa?

World Cup 2010 được coi là đỉnh cao của triết lí bóng đá nghệ thuật mà người Đức mất nửa thập kỉ để lập nên. Những chiến thắng áp đảo, những màn trình diễn đam mê đến mộng mị. Nhưng rồi họ chỉ đứng thứ 3. Còn bây giờ, nếu những Schweinsteiger, Kroos, T.Mueller có thể tạo ra một quả đá phạt buồn cười, lạ lùng đến thô kệch trong thời điểm bế tắc nhất (phút 88 trận gặp Algeria), thì họ cũng có thể tạo ra một bàn thắng, một sản phẩm vĩ đại, dù xấu xí?

L.Trung
.
.
.