Nghĩ từ hình ảnh chiếc “quan tài giấy” trên sân Lạch Tray:

Khi “pháo đài” thành “tử địa”

Thứ Hai, 23/07/2012, 09:13
Nhìn hình ảnh những CĐV Hải Phong mang một chiếc “quan tài giấy” vào sân Lạch Tray trong trận Hải Phòng - HN.T&T chiều thứ Bảy vừa rồi mà không khỏi cám cảnh cho một cái sân đã có lúc được nhìn nhận như một “pháo đài chiến thắng”.

Sân Lạch Tray chiều thứ Bảy vừa vắng vừa lạnh, cho dù  miền Bắc vẫn đang trong những ngày nắng nóng. Cái sân mà cách đây hơn 1 năm luôn là một trong những cái sân đáng tự hào nhất về số lượng khán giả rốt cuộc chỉ có tròm trèm 5.000 người. 5.000 con người ấy tạo ra những khoảng trống mênh mông trên bốn phía khán đài. Nhưng cái trống, cái vắng, cái sự tiêu điều xác xơ ấy không đáng sợ bằng một cảm giác lành lạnh toát lên từ chiếc “quan tài giấy”. 

Thua HN.T&T 0-2, Vicem Hải Phòng bây giờ tất, lẽ, dĩ, ngẫu phải giã từ V.League. Cuộc giã từ mà cảm giác như hình ảnh một chiếc “quan tài giấy” đã nói thay tất cả, nên số lượng khán gỉa ít ỏi có mặt trên sân cũng chẳng buồn la ó, phản ứng như thói quen vốn có của mình...

Chiều thứ Bảy vừa rồi thì ông Hải không còn nói về chuyện tinh thần nữa. Ông cứ tưng tửng nói về chính mình như cá tính vốn có của mình: “Hải Phòng thua là do ông Hải hết đấy. Tôi cũng chả biết phải nói gì thêm”. Với những người hâm mộ Hải Phòng, có thể đấy là những lời nói – những cách phản ứng không thực sự… được lòng. Nhưng có ở vào cái thế của nhà cầm quân người Hà Đông - cái thế của một con mãnh hổ “trót dại” sa chân vào một bãi lầy và càng lúc càng thấy cái bãi lầy hủy hoại sức sống của mình thì mới có thể chia sẻ với những phát biểu ngang tàn ấy.

Đội bóng coi như xuống hạng, nhưng đội trưởng Minh Châu (phải) vẫn bền bỉ. Ảnh: Quang Minh.

Mà khách quan nhìn nhận, Hải Phòng rơi vào hoàn cảnh này không thể đổ lỗi cho ông Hải - người chỉ xuất hiện bất thình lình, thay vì được giao làm đội bóng từ khâu chuẩn bị, mua – bán con người. Cũng chẳng thể trách các cầu thủ, bởi cứ nhìn cái cách đội trưởng Minh Châu cày cuốc đến những giọt mồ hôi cuối cùng trong tất cả các trận đấu là đủ thấy các cầu thủ cũng đã cố gắng chơi bóng hết mình rồi. Thế thì trách ai, và cần phải đổ lỗi cho ai?

Mới đây, ngồi café với HLV Vương Tiến Dũng – người gắn bó với thời kỳ hoàng kim của bóng đá Hải Phòng những năm 2008, 2009 bỗng nghe ông Dũng than nhiều rất nhiều quanh hai chữ: “Đầu tư”. Ông kể rằng mùa bóng cuối cùng tại vị ở Hải Phòng, mình đã gào thét đến khản cổ về việc phải bổ sung nhân sự lấp vào chỗ trống của những cầu thủ đình đám đã ra đi nhưng những kêu gào đó vẫn không được đoái hoài. Hậu quả là mỗi lần ra trận ông Dũng lại sống trong cảm giác bất lực với một đội bóng vừa yếu, vừa thiếu, vừa không được quan tâm.

Lạ ở chỗ 1,2 mùa bóng trước đấy Hải Phòng vẫn là một “thiên đường tiền bạc”, nơi mà những HLV đình đám như cựu HLV trưởng ĐTVN Alfred Reidl hay những cầu thủ đình đám như cựu tuyển thủ Brazil Denilson vẫn còn hồ hởi đặt chân đến, thế thì tại sao mọi thứ lại quay ngoắt 180 độ như vậy? Tại sao Hải Phòng bỗng nghèo như vậy? Tại sao các cầu thủ lại lần lượt ra đi như vậy? HLV Vương Tiến Dũng chua xót trả lời: “Bóng đá trong thời buổi này cũng là một công cụ để người ta chứng tỏ hoặc đạt được một mục đích gì đó mà thôi. Khi chưa đạt được, người ta sẵn sàng đổ tiền của, công sức cho bóng đá, và thế là đội bóng được bốc thơm. Đến khi  đạt được rồi, người ta bỏ bóng đá, thế là mọi thứ lập tức quay sang hướng khác”.

Chiều thứ Bảy vừa rồi, đồng nghiệp của tôi hỏi một trong những người đã mang chiếc quan tài giấy vào sân Lạch Tray: “Có tin tưởng vào tương lai đội bóng hay không?”. CĐV này đã “đọc” rõ Hải Phòng như “đọc” từ trong bụng đọc ra: “Mùa tới có thể Hải Phòng vẫn đá V.League nhờ mua suất V.League của đội khác. Nhưng vấn đề là liệu có ai cần danh vị, cần mục tiêu đến mức sẵn sàng đổ tiền vào đội bóng như trước đó hay không? Nếu là có, chúng tôi tin đội bóng sẽ mạnh trở lại. Còn nếu là không, chẳng thà chấp nhận xuống hạng, làm lại từ đầu còn hay hơn”.

Nghe những tâm sự như thế mới thấy những người hâm mộ chân chính vẫn nuôi trong mình ít nhiều hy vọng cho dù trong một phút nản lòng họ đã mang một chiếc quan tài vào sân Lạch Tray, để biến cái “pháo đài chiến thắng” ngày nào thành một “tử địa” trong một buổi chiều rờn rợn mùi tử khí!

Phan Đăng
.
.
.