Huấn luyện viên bóng đá Pháp hết đất dụng võ

Thứ Năm, 24/01/2008, 15:15
Sau giải Vô địch bóng đá thế giới tại Pháp 1998, tên tuổi của bóng đá Pháp cũng như các huấn luyện viên (HLV) của đất nước hình lục lăng này nổi như cồn. Nhưng hiện nay, các HLV người Pháp trên khắp thế giới đang rơi vào tình trạng thất nghiệp với tỉ lệ cao chưa từng có: 24%.

5 HLV gồm có Guy Roux (Đội Lens), Albert Emon (Đội Marseille), Frédéric Hantz (Đội Sochaux), Pierre Dréossi (Đội Rennes), Francis de Taddeo (Đội Metz) của Giải vô địch quốc gia Pháp League 1 đã chính thức có tên trong danh sách những HLV mất việc làm từ khi mùa giải mới được bắt đầu. Quả thực tương lai trước mắt họ rất mờ mịt.

Đây là 5 tên tuổi đã từng thu hút được khá nhiều sự chú ý trong tổng số khoảng 20 HLV đang hành nghề tại quốc gia này. Trước tỉ lệ thất nghiệp cao khủng khiếp, các HLV còn lại cũng không khỏi lo lắng cho chính mình về sau.

Vào năm 2005, ai cũng biết rằng HLV Frédéric Hantz là người mang lại sự thăng tiến cho CLB Mans tại League 1. Cái tên Hantz sau đó đã trở nên rất nóng trên thị trường bóng đá Pháp.

Tháng 7/2007, Hantz được chiêu mộ vào CLB Sochaux. Những tưởng sẽ góp phần vào việc đưa Sochaux lên đỉnh cao nhưng không ai ngờ được kết quả lại lẹt đẹt ở vị trí thứ 19. Hantz không còn mặt mũi nào ở lại Sochaux được nữa.

Còn với HLV Pierre Dréossi, sự việc cũng thê thảm không kém. Sau một loạt 6 trận đại bại trên sân nhà. Dréossi đang tự tính một bước đi cho mình. Chọn lấy giải pháp từ chức là điều HLV này đã nghĩ đến.

Với Francis de Taddeo, mọi việc còn nhuốm màu tồi tệ hơn nữa. Mùa giải vừa rồi, CLB Metz nằm trong khu vực "đèn đỏ” với vỏn vẹn 7 điểm. Metz sẽ phải tụt xuống thi đấu ở giải hạng 2 trong mùa tới. Có thể nói thất bại này là của chung toàn đội nhưng với cương vị HLV, Taddeo sẽ là người "đứng mũi chịu sào". Suy tính gì cho thời gian sắp tới đang là vấn đề nhức nhối nhất của HLV này.

Trên thực tế, Pháp đang dư thừa khoảng 120 HLV - chiếm 24% tổng số HLV hoạt động trên toàn lãnh thổ trong khi tỉ lệ này cách đây 3 năm chỉ là 7%. Và hàng năm, lại có thêm một số các HLV tốt nghiệp từ các trường thể thao. Tỉ lệ ngày hôm nay là 24% nhưng trong tương lai sẽ còn tăng thêm nữa.

"Thị trường Pháp không có đủ việc làm cho các HLV cả mới lẫn cũ. Đáng buồn là tất cả trong số này đều được đào tạo rất bài bản. Thế mới biết môn thể thao vua đầy khắc nghiệt với HLV" - Thibaut Dagorne ngao ngán.

Biện pháp tình thế là phải tìm cách "xuất khẩu" HLV Pháp ra nước ngoài. HLV Claude Le Roy đã tìm được một vị trí trong Đội tuyển Ghana (nước chủ nhà của Cúp bóng đá châu Phi 2008) hay HLV Henri Michethì sang cầm quân cho Đội Morocco.

Tổng số HLV tìm đường ra nước ngoài lập nghiệp (chủ yếu là sang châu Phi và Trung Đông) đến nay đã lên đến hơn 50 người.

Tuy nghề HLV đầy bất ổn nhưng cũng vẫn còn một vài trường hợp có thể trụ lại bền vững. CLB Nancy, á quân của Giải vô địch quốc gia Pháp, vẫn chỉ hợp tác với một HLV từ 5 năm nay. Người đàn ông may mắn này mang tên Pablo Correa.

Hay ở CLB Lille, mọi sự diễn ra cũng khá thuận buồm xuôi gió, Claude Puecũng vẫn giữ chắc được cái ghế HLV của mình từ năm 2002 dù vào thời điểm nghỉ lễ năm ngoái, thứ hạng của Lille khiêm tốn ở vị trí thứ 17.

Frédéric Hantz là người thấm thía nỗi buồn nhất và cũng là người hiểu được phải cố gắng thế nào thì những Pablo Correa hay Claude Puemới yên vị được chừng ấy năm.

Hantz tâm sự: “Không phải đến lúc mùa đấu kết thúc tôi mới có quyết định chia tay CLB. Ngay từ đầu mùa mà đã gặp nhiều thất bại thì tôi biết rằng, mình không có lý do gì và cũng không có cơ hội để lặp lại những sai lầm. Tôi nhận thức rất rõ nguy cơ cũng như rủi ro nghề nghiệp HLV mà mình đang đeo đuổi.

Bỏ Sochaux thì bản thân tôi cũng thấy rất thất vọng nhưng đã đến lúc tôi phải làm việc đó. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho thông báo của Chủ tịch Plessis. Giờ đây, tôi đã tìm được một công việc phù hợp ở Aveyronnais".

Một vài HLV khác thì chuyển sang làm công tác khác như quản lý thành viên CLB hay lo việc chuyển nhượng cầu thủ... chứ không hoàn toàn phụ trách công việc thi đấu hay chuyên môn kỹ thuật nữa. Cách thay đổi này tuy không phải ai cũng thấy thích thú nhưng cũng còn hơn việc chịu cảnh thất nghiệp.

Phần lớn những người lâm vào hoàn cảnh này đều có ước nguyện là tạm thời án binh để chờ đợi một thời cơ mới. Lúc đó mới có thể quay về con đường thênh thang như cũ.

Tuy nhiên, người ngoài cuộc ít khi biết rằng vị trí của HLV bền vững hay bị "lung lay" cũng phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ với chủ tịch CLB. Thế mới có trường hợp HLV này có nhiều quyền hạn hơn so với HLV khác hay cũng có người rơi vào tình thế "bù nhìn".

Hantz rút ra một kinh nghiệm xương máu: "Người có tài nhưng cũng phải khôn khéo và gặp nhiều may mắn, mới có thể trở thành HLV ổn định lâu dài"

Đan Kô (tổng hợp) - ANTG số 725
.
.
.