Bóng đá Việt Nam thời khủng hoảng: Thực trạng và lối thoát

Hãy tháo vòng kim cô cho VPF

Thứ Sáu, 28/12/2012, 11:46
Chiếc vòng kim cô ấy “trói” VPF ở cả góc độ ý tưởng lẫn thực tiễn. Và một ngày nó còn tồn tại là một ngày VPF tiếp tục phải sống trong cảnh “tình ngay lý gian”. Thế nên để có thể phát huy tốt nhất giá trị của mình, hơn lúc nào hết, phải tháo ngay vòng kim cô cho VPF.
>> Ông phó chuyên môn, ông hội đồng hay... ông giám đốc?

Công bằng mà nói suốt 1 năm tồn tại vừa qua, VPF đã làm được nhiều việc có ích cho các giải đấu QG, mà rõ nhất là đã qui tụ được những con người điều hành giải tử tế hơn và đáng tin hơn, so với những con người VFF từng sử dụng. Chính từ những con người như thế, điển hình là các ông trưởng giải V.League Trần Duy Ly hay trưởng giải hạng Nhất Nguyễn Hữu Bàng mà các thông tin của giải đấu luôn luôn được mở rộng cho báo chí, tạo ra mối quan hệ hai chiều vừa mang tính cộng hưởng, vừa mang tính phản biện, rất có ích cho sự phát triển. Nó khác và khác rất nhiều so với thời của ông cựu trưởng giải Dương Nghiệp Khôi – cái thời mà thông tin luôn chỉ được tung ra một cách nhỏ giọt, cũng là cái thời mà câu chuyện những nhà làm giải “xua đuổi” phóng viên thi thoảng vẫn được phản ánh trên nhiều tráng báo.

Ngoại trừ việc công khai hoá và minh bạch hoá các thông tin giải đấu, VPF cũng làm được một điều mà VFF trước đó không làm (hoặc không muốn làm?), đó là đã đuổi vĩnh viễn 2 trọng tài “có vấn đề” sau giai đoạn lượt đi V.League, và đã chỉ mặt ít nhất 2 ông bầu “có vấn đề” cũng sau giai đoạn lượt đi nhạy cảm này. Ở một đời sống bóng đá mà mỗi khi đứng trước tiêu cực là người ta lại đau đầu với câu hỏi “bằng chứng đâu?”, rõ ràng cái hành động “chỉ mặt” rồi “đuổi vĩnh viễn” mà các ông bầu trong HĐQT VPF thực hiện không khác gì một cuộc cách mạng. Và từ cuộc cách mạng đó người ta nhìn rõ khát vọng làm trong sạch hoá các giải đấu QG.

Tuy nhiên cái khổ của VPF nằm ở chỗ, những người điều hành tổ chức này lại đồng thời là ông chủ của những CLB hoặc ở V.League hoặc ở hạng Nhất. Và sau giai đoạn lượt đi V.League 2012, một số đội bóng của một số ông bầu này luôn nhận được những quyết sách ưu ái của trọng tài, gây bức xúc trong dư luận. Chúng tôi tin chẳng ông bầu nào ở VPF “dại dột” bảo trọng tài phải bắt ưu ái cho đội mình, vấn đề nằm ở chỗ bản thân các trọng tài khi bắt các đội bóng của các ông bầu như thế luôn rơi vào trạng thái….run tay.

Bùi Quang Thông – ông vua áo đen, người bị phía Khánh Hoà cho rằng đã thổi ép đội mình và ưu ái cho CLB BĐ HN của bầu Kiên (người lúc đó nắm quyền sinh quyền sát ở VPF) tâm sự rất thật với chúng tôi: “Các ông bầu điều khiển cuộc chơi này.  Nếu chúng tôi chẳng may bắt không tốt cho đội bóng của họ, năm tới, họ không mời chúng tôi điều hành giải thì chúng tôi thất nghiệp hết à?”. Khi nghe lời tâm sự này có thể mọi người sẽ trách Bùi Quang Thông kém bản lĩnh, nhưng thực tế thì nó lại là tâm sự chung của đại bộ phận các trọng tài Việt Nam.

Rất nhiều trọng tài “sợ” bắt các trận đấu của các ông bầu trong VPF. Ảnh: Quang Minh.

Rõ ràng là việc các ông bầu “vừa đá bóng” (trong tư cách ông chủ các CLB), lại vừa “thổi còi” (trong tư cách những người điều hành VPF) đã khiến cho nhiều đối tượng tham gia giải đấu (điển hình là các trọng tài) không có được một trạng thái hành nghề ổn định, và khiến cho ngay chính các ông bầu cũng rơi vào cảnh tình ngay lý gian. Và đấy chính là một chiếc vòng kim cô khiến cho VPF không thể phát huy tối đa vai trò và sức mạnh của mình.

Năm nay trước tình trạng sa sút của đa số các ông bầu, có người nói rằng VPF đang dần dần thất thế, và không loại trừ khả năng sẽ trở thành một “đứa con ngoan” (hiểu theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực của sự “ngoan”) trong mối quan hệ với bà mẹ VFF. Nhưng xét cho cùng, bất luận là “con ngoan” hay “con hư” thì “đứa con” ấy cũng cần vận động một cách thông minh, thay vì cứ bị trói (mà thực chất là tự trói) bởi một chiếc vòng kim cô nào đó.

Chi khi nào chiếc vòng kim cô của VPF được tháo ra, nghĩa là chỉ khi nào có một cuộc đại cách mạng về hệ thống nhân sự ở HĐQT VPF thì lúc đó một tổ chức ra đời với mục đích “phát triển bóng đá Việt Nam” mới có thể thực hiện mục đích ấy một cách đúng đắn và hợp lệ.

Bi hài nhân sự VFF

Nếu tình trạng nhân sự của VPF nằm ở việc các ông bầu “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì vấn đề nhân sự của VFF lại nằm ở sự trì trệ, không lối thoát của cả bộ phận quản lý lẫn bộ phận điều hành. Ở bộ phận quản lý, đã có quá nhiều dấu hỏi về cách hướng đạo bóng đá Việt Nam của cặp bài trùng PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.

Cách hướng đạo mà ở đó người ta không nhìn thấy một chiến lược phát triển bài bản căn cơ, mà cứ thay đổi xoành xoạch, thậm chí thay cả một ông thầy sau chỉ 1 giải đấu, dù trước đó chính mình ngạo nghễ tuyên bố: “Ông ấy là thầy ngoại giỏi nhất từ trước tới nay của chúng ta”(chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói về cựu HLV trưởng ĐT U.23 QG Falko Goetz). 

Còn ở góc độ điều hành, những ai bám sát các hoạt động của VFF đều biết  ông tân TTK VFF Ngô Lê Bằng đang phải khốn khổ làm việc với cái bộ máy được tạo dựng bởi người tiền nhiệm Trần Quốc Tuấn. Cái bộ máy mà ở đó, ngay cả khi ông Bằng ngồi ghế TTK tới gần nửa năm, thế mà nhiều văn bản gửi ông phê duyệt, không hiểu sao cấp dưới của ông vẫn ghi chức danh... “TTK Trần Quốc Tuấn” (?).

Cũng ở trong bộ máy ấy tồn tại một cách xưng hô rất lạ giữa một nhân vật quyền lực với đại bộ phận phần còn lại, đó là kiểu xưng hô “bố - con”, cho dù người làm “con” chỉ kém “bố” chưa đầy 10 tuổi. Dĩ nhiên, nếu đấy là kiểu gọi vui vẻ thì chẳng có gì đáng bàn, vấn đề là nó được duy trì như một cách gọi chính thống, và cách gọi ấy khiến người ta đặt ra câu hỏi: vậy các mối quan hệ ở đây thực chất được tổ chức, sắp xếp theo dạng nào? 

Năm tới sẽ diễn ra Đại hội VFF nhiệm kỳ mới, và người ta hy vọng đấy sẽ là một cơ hội để nhân sự VFF được làm mới triệt để cả ở cấp độ quản lý lẫn cấp độ điều hành.

Tuấn Thành

Diệp Xưa
.
.
.