Từ sự “lệch pha” giữa VFF và Tổng cục TDTT về chỉ tiêu cho SEA Games 28:

Hãy coi chừng...!

Thứ Sáu, 16/01/2015, 10:04
Hội nghị BCH Olympic Việt Nam sáng qua đã thông báo kế hoạch chuẩn bị và các chỉ tiêu của các ĐT thể thao nước nhà tại SEA Games 28 diễn ra vào tháng 6 tới, trong đó "sốt" nhất là việc ĐT U.23 Quốc gia được giao chỉ tiêu phải lọt vào chung kết môn bóng đá nam.

Sốt là bởi ngay từ khi nhiếp chính, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã nhấn đi nhấn lại rằng trong nhiệm kỳ của mình, thành tích của các ĐT không phải là vấn đề mà ông quan tâm.

Điều đáng quan tâm là: phải xây dựng lại một chân đế bóng đá vững chắc để đến năm 2018 chúng ta có thể sòng phẳng cạnh tranh ở đấu trường khu vực và châu lục.

Liên quan đến kế hoạch tham dự SEA Games 28, mới đây ông Dũng thậm chí còn công khai việc sẽ lấy lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt cho ĐT U.23 QG, bất chấp  điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ "chấp" đối phương ít nhất 2 tuổi.

Nghe đâu danh sách nhân sự ĐT U.23 đã được chốt xong xuôi, và ở đó thì những cầu thủ U.19 chiếm một số lượng lên tới 2/3. Thậm chí, việc đưa ông thầy ruột của lứa cầu thủ này, HLV trưởng CLB Hoàng Anh Gia Lai Guillaume Graechen vào BHL ĐT cũng đã được tính toán cho đến trước khi nhà cầm quân này nói thẳng: "Tôi không lên ĐT chỉ để làm trợ lý".

Quan điểm của ông Dũng nói riêng và những tân lãnh đạo VFF nói chung rất rõ ràng, và đấy là quan điểm mà cả làng cả nước đều biết. Thế thì tại sao lại có việc Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn báo cáo tại Hội nghị BCH Olympic về việc: "ĐT U.23 phải vào chung kết"? Tại vì Tổng cục không nắm, không hiểu những đường đi nước bước của VFF?

Thật khó tin, bởi khi mà mọi thứ đã được bày biện công khai trên mặt báo, và đến cả những fan hâm mộ bình thường nhất cũng đã biết, thậm chí đã thông suốt thì không thể có chuyện Tổng cục không biết gì. Vậy thì có thể hiểu đấy là một cú "ra đòn" gián tiếp của Tổng cục với VFF được không?

Theo lời kể của một số nhà báo có mặt tại Hội nghị BCH Ủy ban Olympic Việt Nam ngày hôm qua thì Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tỏ ra khá bất ngờ với chỉ tiêu chung kết. Và ông cũng cho biết là VFF sẽ phải làm việc lại với Ủy ban Olympic - nơi mình vừa được bầu làm PCT bổ sung với 100% số  phiếu thuận cùng Tổng cục TDTT để thống nhất, chốt lại chỉ tiêu cuối cùng.
HLV trưởng ĐT U.23 Việt Nam Toshyia Miura (phải) hẳn rất sốc với chỉ tiêu chung kết. Ảnh: H.M.

Có thể tin rằng sau khi các bên ngồi lại, thống nhất với nhau thì cái lý lẽ "cần ưu tiên lớp trẻ", "cần hy sinh thành tích" để hướng đến tương lai của ông Lê Hùng Dũng rồi sẽ được thông qua.

Nhưng qua câu chuyện này chắc chắn là ông Dũng nói riêng và cái tổ chức mà ông lãnh đạo nói chung cũng sẽ học được những bài học quan trọng về cách đối nhân xử thế. Và nếu đúng vậy, có quyền tin từ nay về sau tổ chức này sẽ không tuyên bố vội vã bất cứ vấn đề gì khi chưa xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của cấp trên.

Vẫn cứ phải nhắc lại rằng các chủ tịch VFF trước nay phần lớn đều là các quan chức của ngành Thể thao chuyển sang, chỉ riêng đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng là một doanh nhân. Vì là doanh nhân nên ông Dũng cũng thường xuyên có những cách nghĩ, cách nói, cách hành động theo đúng chất quyết liệt, không ngại va chạm của một doanh nhân.

Nhưng hãy coi chừng khi phía trên ông không phải là những người dễ dàng im lặng, dễ dàng cho qua, chứ chưa nói tới chuyện dễ dàng đồng thuận?

Bi hài chuyện chỉ tiêu Đội tuyển

Trước thềm AFF Cup 2014 vừa rồi, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng nhắc đến việc trước đây VFF từng nhiều lần đặt chỉ tiêu chung kết rồi vô địch nhưng đều thất bại, nên lần này ông thấy không cần thiết phải đặt ra một chỉ tiêu cụ thể nào. Cũng chẳng có khoản thưởng nào được "treo" cho cầu thủ. Đơn giản là: tất cả hãy đá tốt, đá hết mình, và nếu đã làm hết mình rồi thì mọi thứ sẽ tự đến.

Đấy một sự thay đổi nhận thức cực lớn của ông Dũng trong suốt quá trình dài tham dự vào đời sống bóng đá Việt Nam. Bởi ở SEA Games 23 năm 2005 trên đất Philippines thì chính ông trên tư cách tận PCT tài chính VFF đã treo thưởng 6 tỷ đồng cho ngôi vô địch.

Đến trước thềm SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia thì ông lại bảo: "ĐT U.23 QG vào chung kết mà không vô địch thì coi như thất bại", khiến HLV trưởng ĐT khi ấy là ông Calisto "sôi máu", và sau đó đã chọn giải pháp... bỏ của chạy lấy người.

Bây giờ, khi ông Dũng có vẻ không còn đặt nặng chuyện chỉ tiêu, thành tích thì oái ăm thay lại bất ngờ xuất hiện cú "dằn mặt" theo kiểu "ĐT phải vào chung kết". Chờ xem ông sẽ hoá giải "cú đòn" này ra sao?

Ngọc Anh
.
.
.