EURO 2020, giải đấu không bao giờ có lần thứ hai
Chỉ diễn ra 1 lần
"Chúng tôi sẽ không bao giờ tổ chức một giải đấu tương tự EURO 2020 nữa", Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin đã phải thốt lên như thế trong một lần phỏng vấn gần đây. Việc bị lùi lại 1 năm do ảnh hưởng từ COVID-19 không phải điều làm cho những nhà tổ chức chùn bước. Họ từng hào hứng với kế hoạch về một giải đấu diễn ra trên toàn châu Âu, để rồi hứng chịu cơn đau đầu không hồi kết về những khó khăn trong quá trình bắt tay vào làm việc.
Từ con số 13 ban đầu, EURO 2020 thu gọn quy mô lại xuống chỉ còn tổ chức ở 11 quốc gia. Chừng đó là quá đủ khiến các quan chức UEFA phải gánh vác khối lượng công việc đồ sộ chưa từng có. EURO hiện diện ở 11 nước đồng nghĩa với việc họ phải tìm đủ 11 thành phố, 11 sân vận động có khả năng tổ chức, và thành lập 11 đội vận hành ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Đi kèm đội ngũ hùng hậu này là hàng chục, hàng trăm khách sạn, trung tâm lưu trú phục vụ cầu thủ cũng như người hâm mộ.
Do dịch COVID-19, khán đài chật kín khán giả gần như sẽ không xuất hiện ở EURO 2020. |
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Lần đầu tiên trong lịch sử 61 năm, EURO sẽ đồng loạt diễn ra trên khắp lục địa già. 11 sân bóng tổ chức EURO 2020 trải dài từ Bắc Âu xuống Nam Âu, từ Tây Âu sang Đông Âu khiến tất cả mọi người rơi vào ma trận hành trình. Cầu thủ lớn phải chơi trước một vài nhóm nhỏ cổ động viên vì lệnh hạn chế khán giả vào sân. Nơi xa xôi nhất tổ chức EURO, Azerbaijan, thậm chí còn gần châu Á hơn 10 sân bóng còn lại.
Thụy Sĩ và Ba Lan hẳn sẽ có lý do chính đáng nếu họ bị loại sớm, bởi 2 đội tuyển này sẽ phải di chuyển quãng đường xấp xỉ 10 ngàn km chỉ để đá 3 trận vòng bảng. Và tất cả những vấn đề đó đã hiện hữu trước khi COVID-19 bùng phát. Đại dịch chỉ khiến cho những vấn đề phức tạp trở nên rối rắm hơn, qua đó làm UEFA phải căng mình từ đầu đến cuối. Chỉ đến lúc tiếng còi kết thúc trận chung kết vang lên, tất cả mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Ceferin hẳn đang vô cùng thấm thía với di sản ông kế thừa từ người tiền nhiệm. Dự án EURO 2020 tổ chức trên khắp châu Âu vốn là món quà ông nhận được từ Cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini. 9 năm trước, các cường quốc bóng đá châu Âu đồng loạt tẩy chay UEFA nên chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất ứng cử đăng cai EURO 2020. Việc tổ chức EURO sang nhiều quốc gia phần nào là một giải pháp tình thế Platini đưa ra, nhưng cuối cùng lại khiến tất cả khốn đốn.
Lỗ vẫn phải làm
Platini rời UEFA vào năm 2015 cùng bê bối hối lộ, nhưng dự án tổ chức EURO trên khắp châu Âu vẫn còn đó. Ceferin tiếp nối di sản người tiền nhiệm để lại bằng việc thông báo giải bóng đá vô địch châu Âu sẽ có không dưới 10 thành phố đăng cai. Nhưng chỉ không lâu sau đó, kế hoạch của Ceferin nhận về một gáo nước lạnh. Brussels, một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất, xin rút khỏi danh sách các nước chủ nhà. Họ không thể chắc chắn xây một sân bóng mới chào đón EURO 2020.
Bỉ rút lui, các ứng viên khác lập tức nhảy vào thay thế. Đến đầu năm 2020, mọi thứ tưởng chừng như đã đâu vào đấy. Một vài nhà tài trợ lạc quan thậm chí đã khởi động chiến dịch quảng bá cho EURO 2020. Nhiều nhãn hàng cũng mở bán quà lưu niệm liên quan đến sự kiện. Chẳng ai ngờ đó là lúc EURO tưởng chừng sẽ phải tạm hoãn vô thời hạn. Dịch COVID-19 bùng nổ từ châu Á sang châu Âu. Italy, quốc gia khai màn EURO trở thành tâm dịch.
"Tất cả mọi người đều cảm thấy mất phương hướng", Martin Kallen, Giám đốc phụ trách tổ chức EURO 2020 của UEFA chia sẻ. Họ cố gắng giữ nguyên kế hoạch, nhưng đó là điều bất khả thi khi số ca nhiễm và người chết vì COVID-19 tăng vọt trên toàn châu Âu. Không ai biết mình sẽ phải làm gì để sống sót vượt qua đại dịch, chứ chưa nói đến chuyện tổ chức một giải đấu bóng đá. Chẳng ai biết tương lai gì đang chờ đón họ ở phía trước cả.
Nhiều triệu đô la bỏ ra để chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức giải đấu vào năm 2020 đương nhiên tan thành mây khói. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp xấu nhất, không ai nghĩ đến chuyện sẽ huỷ EURO 2020. Việc lùi thời điểm tổ chức lại 1 năm chắc chắn vẫn gây thiệt hại, nhưng có còn hơn không. Nếu EURO 2020 bị huỷ ngang, số tiền đền bù hợp đồng chắc chắn không thể đong đếm. Đó là lý do UEFA vẫn quyết tâm tổ chức giải đấu bất chấp thiệt hại.
Theo dự toán tài chính của UEFA, việc lùi EURO 2020 lại 1 năm khiến họ tổn thất khoảng chừng 366 triệu USD. Tuy nhiên ngoài việc duy trì một sự kiện thể thao định kỳ, EURO còn mang nhiều ý nghĩa vượt xa khỏi khía cạnh tài chính. Giữa thời điểm thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, ai cũng muốn chứng kiến tín hiệu của cuộc sống bình thường. EURO 2020 sẽ chính là điểm bắt đầu cho ngày trở lại đó. Những khán đài có thể không chật kín khán giả như trước, nhưng họ sẽ dần lấp đầy những chỗ trống.
EURO 2020 chắc chắn là sự kiện thể thao có một không hai, và cũng sẽ không bao giờ lặp lại.
Sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất Để EURO 2020 diễn ra thuận lợi vào năm 2021, UEFA đã phải tính đến những phương án rất xa. "Chúng tôi luôn có sẵn kế hoạch B, C, thậm chí là D", Kallen khẳng định. Kinh nghiệm có được từ 1 năm lùi lại kế hoạch tổ chức EURO khiến những nhà tổ chức phải tìm mọi cách để giải đấu mở đầu và kết thúc theo đúng kịch bản có sẵn. Một trong những trở ngại chính của Ban tổ chức sẽ là trận tứ kết diễn ra tại Munich. Những cầu thủ và CĐV di chuyển từ Anh đến Đức chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì lệnh hạn chế đi lại. Một vấn đề khác là lượng khán giả tại EURO 2020 có thể thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Đức chỉ đồng ý cho phép 20% CĐV vào sân Allianz Arena. Chỉ có Romania hào phóng nhận phủ kín sân bóng. Việc lấp đầy ghế trống đang được đích thân Chủ tịch Ceferin đảm nhiệm. Ông liên tục xúc tiến cuộc họp với những nguyên thủ quốc gia để thuyết phục họ nâng giới hạn số lượng khán giả đến sân. Cho đến thời điểm hiện tại, Ceferin vẫn lạc quan về một viễn cảnh diễn ra trận chung kết EURO 2020 trên sân bóng chật kín khán giả. |