Tranh luận

Được ăn cả ngã về không

Thứ Hai, 09/06/2014, 14:43
Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Hoàng này, hôm nay chúng ta tranh luận về chủ đề kinh tế World Cup và tôi muốn bắt đầu bằng World Cup 1950 - kỳ World Cup được coi là cú hích kinh tế đáng nhớ của Brazil. Nhưng ta cũng biết Olympic Athens 2004, Hy Lạp vỡ nợ công cũng một phần vì sự kiện đó ngốn quá nhiều ngân sách của họ. Hoàng nghĩ sẽ có biểu tình chống World Cup ở Brazil ngay trong thời gian diễn ra giải không?

Đức Hoàng: Tôi nghĩ là có. Theo anh, những cuộc biểu tình ấy là chính đáng hay bất công với bóng đá?

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Tôi nghĩ tất cả đều chính đáng. Nếu anh có thể giương cao biểu ngữ "Bóng đá muôn năm" thì tôi cũng có quyền giơ khẩu hiệu "Bóng đá tai hại". Ở góc độ của người biểu tình chống World Cup, họ nhìn vấn đề bằng con mắt xã hội, chứ không phải bằng con mắt của người hâm mộ. Có thể, họ vẫn yêu mến bóng đá nhưng họ thấy sự cấp bách của một xã hội xuống cấp, một nền kinh tế nghèo nàn. Người ta bảo World Cup có thể giúp các nước gia tăng khách du lịch, nhưng nên nhớ, không có World Cup, Brazil vẫn là một trong những nước thu hút du lịch bậc nhất.

Đức Hoàng: Các thống kê chỉ ra rằng họ sẽ có thêm khoảng 2 triệu khách/năm từ nay đến 2018. Con số cũng đáng suy nghĩ đấy chứ?

Đức Hoàng, nhạc sĩ Hà Quang Minh.

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Hoàng nghĩ, con số đó có bao nhiêu % đến từ tác động của World Cup 2014? Tôi nghĩ, tất nhiên World Cup sẽ có tác động tích cực với nước đăng cai nhưng rõ ràng, với khoản đầu tư quá sức thì lợi ích tích cực kia quá nhỏ.

Đức Hoàng: Nếu nhìn như thế, phải chăng có thể nói như vậy với mọi sự kiện, mọi quốc gia? Nước nào chẳng có người sống trong cảnh nghèo khó.

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Đúng là ở đâu cũng có người nghèo. Nhưng khi cái nghèo là thứ phổ biến thì lại khác hoàn toàn với cái nghèo chỉ là thiểu số. Nhưng nói cái đó xa lắm, và sẽ không bao giờ dừng lại được. Tôi nghĩ FIFA không quan tâm chủ nhà ĐƯỢC hay MẤT. Họ chỉ quan tâm họ ĐƯỢC gì thôi.

Đức Hoàng: Ý anh, World Cup vốn là một cuộc đi buôn?

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Đúng. FIFA tổ chức World Cup, và nhiều lúc cảm giác họ mang các ĐTQG ra kinh doanh như kiểu “Sơn Đông mãi võ”.

Đức Hoàng: Nếu căn cứ vào những sự lên án như thế, phải chăng chúng ta nên dừng World Cup và cả Olympic lại?

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Tôi thấy Olympic vẫn còn tinh thần thể thao nhiều hơn là World Cup. Song thực tế, tôi không nhìn World Cup với con mắt lên án. Đơn giản tôi nghĩ là để vận hành một cỗ máy như FIFA, với những chương trình phát triển thường niên của nó, thì việc nó dùng sản phẩm được yêu thích nhất là World Cup để kinh doanh cũng phải. Và không nhất thiết cứ kinh doanh là có tiêu cực. Cái tiêu cực của mua lá phiếu đăng cai không phải là tiêu cực của World Cup, mà là của những kẻ muốn dùng thương hiệu World Cup để tư lợi thôi.

Đức Hoàng: Thế giới này phải chăng lúc nào cũng được vận hành bởi "lợi ích nhóm", và sự ích kỷ? Anh có nghĩ rằng việc phân tích như thế sẽ chỉ thấy mặt tối của các vấn đề?

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Mà này, Hoàng có nhớ đích xác là từ khi nào logo của các hãng trang phục thể thao xuất hiện trên áo đấu ĐTQG không?

Đức Hoàng: Tôi không nhớ, nhưng chi tiết ấy có ý nghĩa gì?

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: À. Kể từ năm 1986, sau khi Argentina vô địch với áo của Le Coq Sportif; Adidas 3 lần vô địch; Nike 1 lần; Puma 1 lần và Umbro 1 lần. Giờ chỉ còn Nike đấu với Adidas thôi. Hoàng nhớ slogan của họ là gì không?

Đức Hoàng: Nike là "Just do It", Adidas là "Impossible is nothing". Nhưng câu chuyện ấy có thực sự liên quan đến bóng đá không hay chỉ là thuyết âm mưu?

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Không. Tôi chỉ nói là vui thôi mà. Nike: "Just do It", nôm na như kiểu "Cứ chiến đi". Còn Adidas thì gần đây đã dùng thêm "Adidas is All in", nôm na là "Được ăn cả, ngã về không" nhỉ? Tôi cứ liên tưởng đến FIFA đang bảo ban các nước đăng cai là "Cứ chiến đi, chả có gì là bất khả cả. Được ăn cả, ngã về không". Mà phàm là, toàn FIFA được thôi Hoàng nhỉ?

H.Q.M. (ghi)
.
.
.