Đừng trục lợi tình yêu bóng đá
Tuần rồi, Ban tổ chức giải thưởng Laureus, được coi là giải Oscar trong lĩnh vực thể thao, đã quyết định hủy lễ trao giải hoành tráng như mọi năm. Thay vào đó, số tiền ấy sẽ được đưa vào quỹ từ thiện ủng hộ cho các nạn nhân bị thiệt hại bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa trong thời buổi đâu đâu cũng phải "thắt lưng buộc bụng". Trong làng thể thao thế giới, nhiều giải đấu cũng đã noi gương Ban tổ chức giải Laureus với khẩu hiệu "tiết kiệm là trên hết".
Tình yêu cuồng nhiệt mà người hâm mộ dành cho bóng đá đang bị lợi dụng?. |
Nhưng đó là chuyện xứ người, chứ còn ở Việt Nam, tiết kiệm lại là điều... xa xỉ. Chẳng nói đâu xa, tại V-League, các câu lạc bộ (CLB) đang đua nhau chuẩn bị tiền tỉ để dành cho việc mua cầu thủ mới trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa. Sẽ có rất, rất nhiều tiền được đổ vào cuộc chơi tốn kém, mà chưa chắc đã đem lại thành công này. Nhưng đâm lao thì phải theo lao.
Theo logic của các doanh nghiệp, những người bỏ tiền ra để nuôi đội bóng, nếu thành tích thi đấu được cải thiện thì thương hiệu của doanh nghiệp ấy mới không bị mất giá, yếu tố quan trọng trong thời buổi khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Tuy vậy, như đã nói thì cuộc chơi tốn kém này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Chuyện chiêu mộ “ngoại binh” của các CLB Việt Nam chẳng khác nào đánh bạc. Nghĩa là nó có thể khiến nhiều đội bóng, mà trên nữa là doanh nghiệp nuôi đội bóng ấy, phải chịu mất trắng hàng tỉ bạc.
Thời buổi thóc cao gạo kém, vậy mà nói chuyện bạc tỉ cứ như không, dường như chỉ có ở bóng đá Việt Nam.
Trong khi đó, nhìn sang các nước láng giềng, hè này người hâm mộ nước họ sẽ được chào đón những CLB lừng danh như M.U hay Liverpool, với giá vé cao hơn không nhiều là bao so với mức mà các cổ động viên Việt Nam phải bỏ ra để xem đội bóng từng không vượt qua nổi vòng bảng Champions League mùa giải vừa qua.
Trong trường hợp này, liệu có phải những người làm bóng đá đang tìm cách trục lợi từ tình yêu mà người hâm mộ dành cho đội tuyển "của chúng ta"?