Đội tuyển bắn súng Việt Nam: Những "chuyện lạ" có thật

Thứ Tư, 17/10/2012, 08:41
Một trường bắn dùng bia giấy như ở Nhổn giờ là “của hiếm” ngay cả ở khu vực ĐNA, bởi như Lào cũng đã đầu tư xây dựng trường bắn bia điện tử cách đây vài năm. Khi mà cả thế giới đã sử dụng các thiết bị điện tử, vừa chuẩn xác, vừa nhanh vì điểm hiện lên ngay trên màn hình, thì trường bắn Nhổn có những ròng rọc kéo bia giấy về rất mất thời gian, lại phải phân công nhiều trọng tài đứng kiểm tra, ghi điểm.

Bắn súng chính là một trong những môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam. Thậm chí tại Olympic vừa rồi, ĐT bắn súng góp mặt tới 2 xạ thủ và suýt đoạt HCĐ nếu như Hoàng Xuân Vinh may mắn hơn. Nói thế để thấy, vị thế của bắn súng Việt Nam (BSVN) trên đấu trường quốc tế cũng không đến nỗi nào, đặc biệt ở sân chơi khu vực thì không có đối thủ ở mỗi kỳ SEA Games hay giải vô địch ĐNA. Vậy mà, đằng sau sự hào nhoáng đó, đằng sau những thành tích đáng tự hào đó, là những câu chuyện khó tin...

Trường bắn "độc nhất vô nhị" ở ĐNA

Từng là một trong những quốc gia có phong trào bắn súng rất phát triển, nhưng ĐT BSVN lại đang phải tập luyện ở một trường bắn lạc hậu nhất khu vực. Trường bắn tại Trung tâm Nhổn được xây dựng từ năm 2003, đến nay vẫn "giữ nguyên hiện trạng", thậm chí là xuống cấp. Cụ thể ở trường bắn đĩa bay, sau trận mưa kéo dài lịch sử năm 2008, hàng chục chiếc máy bắn đĩa đã bị hỏng hóc nặng vì ngập nước. Tuy nhiên từ đó đến nay, số máy này không hề được sửa chữa vì chi phí đắt, biến thành một đống sắt gỉ một cách lãng phí.

Phải mới gần đây, một số máy đã được "cứu chữa" nhưng lại không thể bắn tự động. Vậy là mỗi khi giải diễn ra, súng bắn đĩa hiện đại có giá trị hàng tỷ đồng được vận hành bằng...tay, khiến các xạ thủ la oai oái vì tay thì làm sao chuẩn bằng máy. Dù sao thì truờng bắn đĩa bay mỗi năm cũng chỉ tổ chức 1-2 giải, nên các xạ thủ cũng "thông cảm", nhưng với trường bắn đầu tư cho ĐTQG và thậm chí là nơi tập huấn của các địa phương và cả các đội nước ngoài, cũng lạc hậu chưa từng có.

Một trường bắn dùng bia giấy như ở Nhổn giờ là “của hiếm” ngay cả ở khu vực ĐNA, bởi như Lào cũng đã đầu tư xây dựng trường bắn bia điện tử cách đây vài năm. Bắn bia giấy cũng có cái hay của nó, bởi các xạ thủ sẽ có "cảm giác" hơn. Tuy nhiên, khi mà cả thế giới đã sử dụng các thiết bị điện tử, vừa chuẩn xác, vừa nhanh vì điểm hiện lên ngay trên màn hình, thì trường bắn Nhổn có những ròng rọc kéo bia giấy về rất mất thời gian, lại phải phân công nhiều trọng tài đứng kiểm tra, ghi điểm.

Chuyện súng ống, đạn dược

Trong bắn súng, chuyện súng gặp trục trặc khi đang thi đấu là chuyện bình thường, nhưng những trục trặc đó lại diễn ra như cơm bữa với BSVN thì đúng là dở khóc dở cười. Còn nhớ tại SEA Games 25, đang dẫn đầu cuộc thi, súng của lão xạ thủ Mạnh Tường bị hỏng băng tiếp đạn. Sự cố này đã khiến xạ thủ bị tâm lý, mất tấm HCV đầy tiếc nuối. Với những xạ thủ kinh nghiệm, bản lĩnh như Mạnh Tường, khi súng trục trặc đã nhiều lần xử lý kịp, chứ với các xạ thủ trẻ, coi như bỏ cuộc.

Được biết, mỗi năm bộ môn bắn súng thường có những báo cáo, xin mua súng mới cho các xạ thủ, nhưng chi phí để mua một khẩu súng không phải chuyện đơn giản. Song, ngay cả khi có súng mới rồi, thì cũng không phải dùng được luôn.

Trước thềm Olympic 2012, một chuyện bi hài đã xảy ra với đội súng ngắn. Chẳng là sau khi giành vé tham dự Olympic, đội này được trang bị một khẩu súng mới hiệu Morini CM 162 EI sản xuất tại Thụy Sỹ, để phục vụ việc tập luyện. Đây chính là loại súng sẽ dùng tại Olympic vì được trang bị cò điện tử. Vui mừng khôn xiết vì có súng "xịn", nhưng do được cấp muộn quá, khiến các xạ thủ buộc phải cất trong tủ để... ngắm. Hỏi ra mới biết, súng mới nhưng muốn dùng phải mất nhiều thời gian để gọt báng cho vừa tay.

Hết chuyện súng ống, lại đến đạn dược. Nhiều năm qua, các xạ thủ luôn tập luyện rất cầm chừng vì không có đủ đạn để bắn. Thực ra, vẫn có đạn loại 2 với chi phí rẻ, nhưng một số xạ thủ trụ cột tâm sự, bắn đạn rởm nhiều khi ức chế, lại chẳng thể "lên tay" được. Bởi thế, mỗi lần được đi tập huấn nước ngoài là các xạ thủ "mừng như bắt được vàng" vì được bắn đạn "xịn" thoải mái.

"Khó khăn lớn nhất là kinh phí"

Đó là thừa nhận của ông Uýnh, trước những câu chuyện bi hài trên. Theo ông Uýnh, là người quản lý, ông luôn mong muốn các xạ thủ được tập luyện, thi đấu trong môi trường tốt nhất. Khó khăn các xạ thủ đều quen nhưng họ gặp nhiều thiệt thòi khi ra sân chơi quốc tế, sẽ phải mất nhiều thời gian để làm quen với hệ thống thiết bị hiện đại.

Được biết, trước mắt, bộ môn bắn súng sẽ trình lên cấp trên kế hoạch xây dựng trường bắn mới, trong đó việc lắp đặt các thiết bị tự động là rất cần thiết với nhu cầu tập luyện, thi đấu hiện tại. Song song với kế hoạch này, bộ môn cũng sẽ giúp các VĐV có nhiều hơn nữa những chuyến tập huấn nước ngoài, coi đó là cách nhanh nhất giúp các xạ thủ làm quen với thiết bị hiện đại, luật thi đấu mới trước mỗi giải đấu quốc tế lớn. Tuy nhiên như thừa nhận của ông Uýnh, vấn đề lớn nhất vẫn là kinh phí. Nếu không có kinh phí, thì những đề xuất, kế hoạch của mình khó mà thực hiện được.

Điều đáng mừng là trong điều kiện thiếu thốn như vậy, BSVN vẫn vượt qua khó khăn, lập bao chiến tích cho thể thao nước nhà. Chỉ có điều, cứ mỗi lần những Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Ngọc hay một xạ thủ nào đoạt giải quốc tế, lại không khỏi khiến nhiều người phải suy ngẫm

An Nhi
.
.
.