Điền kinh bắt đầu lại với kế hoạch Olympic Tokyo

Thứ Năm, 23/04/2020, 09:12
Kế hoạch tranh vé dự Olympic Tokyo tới ngay trong năm 2020 của điền kinh Việt Nam sẽ phải bắt đầu từ tháng 12 tới khi Liên đoàn Điền kinh thế giới công bố lịch thi đấu các giải tranh vé dự Olympic 2021 chỉ tính từ ngày 1/12/2020. Quan trọng là điền kinh Việt Nam sẽ tính đường đi nước bước như thế nào để hoàn thành mục tiêu giành vé trực tiếp dự Olympic tới thay vì nhận vé đặc cách.


Dừng cuộc chơi vì COVID-19

Mới đây, Liên đoàn Điền kinh thế giới đã thông báo về cách tính chuẩn dự Olympic Tokyo 2021. Theo đó, tất cả thành tích của các giải từ ngày 6/4 đến 30/11/2020 sẽ không được công nhận để xét chuẩn dự Olympic năm 2021. Chỉ thành tích tại các giải đấu từ 1/12/2020 đến 29/6/2021 sẽ được xem xét chuẩn dự Olympic 2021.

Đáng chú ý, theo lịch thi đấu cũ, trong khoảng tháng 4 đến tháng 11/2020, điền kinh Việt Nam sẽ dự giải vô địch châu Á ở Trung Quốc vào tháng 6/2020. Để chuẩn bị cho giải này, các VĐV trong nhóm có thể giành chuẩn dự Olympic Tokyo tới đã chuẩn bị kỹ càng, kể cả khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.

Họ vẫn mong manh hy vọng rằng giải đấu vào tháng 6 sẽ được tổ chức khi dịch COVID-19 được khống chế. Nhưng rồi hy vọng mong manh ấy cũng không thành hiện thực. Và điền kinh Việt Nam vẫn chưa giành được vé chính thức tham dự Olympic Tokyo tới.

Đội 4x400m hỗn hợp đang được kỳ vọng giành vé dự Olympic Tokyo tới.

Bởi từ đầu năm 2020 đến ngày 5/4, điền kinh Việt Nam vẫn chưa giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo tới. Trong khi đó, Liên đoàn Điền kinh thế giới đã thông báo, thành tích trong năm 2019 không được tính chuẩn dự Olympic 2021 và chỉ tính thành tích tại các giải đấu từ ngày 1/1 đến 5/4/2020 để xét vé dự Olympic 2021.

Thực tế, cách tính chuẩn mới dự Olympic tới của Liên đoàn Điền kinh thế giới cũng không khiến điền kinh Việt Nam bị ảnh hưởng. Đơn giản, trong năm 2019 cũng như hơn 3 tháng đầu năm 2020, chưa có VĐV điền kinh nào của Việt Nam giành chuẩn dự Olympic 2021. Còn nếu đã giành vé trong khoảng năm 2019 hay trong hơn 3 tháng đầu năm 2020 thì sẽ tạo nên tiếc nuối nhất định.

Tấm vé đầu tiên dự Olympic tới của điền kinh Việt Nam từng được kỳ vọng sẽ được hiện thực hóa tại giải đi bộ châu Á vào tháng 3/2020 tại Nhật Bản. Nhưng rồi giải đấu bị hủy vì dịch COVID-19 nên giấc mơ giành vé dự Olympic Tokyo tới của điền kinh Việt Nam đành gác lại.

Trong khi đó, những ứng cử viên khác có thể giành vé dự Olympic tới như: Nguyễn Thị Huyền (400m rào, 400m), Phạm Thị Thu Trang (đi bộ nữ) hay đội 4x400m hỗn hợp cũng chưa có cơ hội thi thố trong năm 2020. Đến khi lịch thi đấu mới được công bố thì họ hiểu rằng, sẽ phải đợi đến cuối năm nay hoặc nửa đầu năm 2021 để có thể hoàn thành giấc mơ dự tranh tại đấu trường Olympic.

Như tổng kết của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết cách tính mới của Liên đoàn Điền kinh thế giới không ảnh hưởng đến VĐV Việt Nam đồng thời tạo cơ hội cho các VĐV Việt Nam có thời gian để chuẩn bị thêm cho hành trình giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo tới.

Tận dụng để làm tốt khâu chuẩn bị

Việc kéo dài thời gian tính chuẩn tham dự Olympic 2021 cũng mang tính “dễ người dễ ta, khó người khó ta” cho điền kinh Việt Nam. Không chỉ VĐV Việt Nam mà VĐV nhiều nước khác cũng có cơ hội để hoàn thiện về chuyên môn hơn.

Tuy nhiên, lại có nhiều VĐV điền kinh Việt Nam cần hoàn thiện về chuyên môn, nền tảng thể lực hơn là những VĐV chỉ việc lo giữ đỉnh cao phong độ. Đơn cử như ở nội dung đi bộ nữ. Tại nội dung này, VĐV trẻ Phạm Thị Thu Trang của Hà Nội được xem là hy vọng hàng đầu của điền kinh Việt Nam trong việc giành vé dự Olympic tới.

Nếu tham dự giải đi bộ châu Á vào tháng 3/2020 ở Nhật Bản, cô ít có khả năng giành vé trực tiếp dự Olympic tới do chưa tích lũy đủ thể lực và kinh nghiệm để thi đấu ở một giải tầm cỡ châu lục. Lúc ấy, khả năng giành vé của Phạm Thị Thu Trang chỉ ở mức 50-50. Trong khi đó, nếu dự giải vào tháng 3-2021, cô đã có “vốn liếng” đáng kể về chuyên môn, thể lực để có thể tự tin tranh vé trực tiếp dự Olympic 2021.

Đó còn là câu chuyện của đội 4x400m đang có thành tích được xếp hạng 17 thế giới và kém gần 1 giây so với đội xếp thứ 16 – thứ hạng sẽ được xét vé dự Olympic 2021.

Còn Nguyễn Thị Huyền cũng có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho hành trình tranh vé dự Olympic 2021 ở nội dung 400m và 400m rào nữ. Thực tế, thành tích của cô vào cuối năm 2019 cũng chưa hẳn là cao nhất so với đỉnh cao phong độ trước đây. Ở SEA Games 30 năm 2019, Nguyễn Thị Huyền giành HCV 400m với thời gian 52 giây 80, vẫn còn kém chuẩn A Olympic 2021 tới gần 2 giây.

Trong khi đó, thành tích giúp cô giành HCV nội dung 400m rào là 56 giây 90 hơn tới 1 giây 50 so với chuẩn Olympic là 55 giây 40. Ngay cả nhà vô địch ASIAD 2018 Quách Thị Lan dù từng đạt thành tích 56 giây 10 cũng kém chuẩn A dự Olympic tới là  0,70 giây.

Điều đó, cũng đồng nghĩa trong thời gian tới các tuyển thủ Việt Nam sẽ phải tăng tốc trong khâu tập luyện để có nền tảng thể lực tốt nhất khi trở lại tập luyện, thi đấu cọ xát.

Theo ông Lại Phúc Lộc, Trưởng bộ môn điền kinh (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội), quãng thời gian đến khi diễn ra các giải đấu tính chuẩn dự Olympic 2021 thực sự quý giả để những VĐV trẻ như Phạm Thị Thu Trang tích lũy thể lực cũng như trau dồi kinh nghiệm. Vấn đề là các HLV và chính VĐV phải nhận thức được điều này để tận dụng tối đa.

Đó cũng là điều mà các ứng cử viên giành vé dự Olympic 2021 của điền kinh Việt Nam cần lưu tâm. Nếu không, điền kinh Việt Nam đành phải đến Olympic 2021 với 2 tấm vé đặc cách dành cho mọi quốc gia không giành được vé trực tiếp tham dự Thế vận hội.

Ông Dương Đức Thủy, quản lý bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) nhận định: “Vẫn có lý do để tin rằng điền kinh Việt Nam sẽ giành vé chính thức tham dự Olympic 2020. Còn trong trường hợp xấu nhất thì đành nhận 2 vé dự Olympic 2021 theo cửa phụ, dành cho mọi thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế nhằm động viên phong trào và để có sự hiện diện mang tính khích lệ tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh”.

Tất nhiên, chẳng ai muốn nhận vé đặc cách. Phải giành vé để đến Olympic tới bằng cửa chính. Có như vậy, mới chứng tỏ năng lực thực sự của điền kinh Việt Nam, đang là số 1 Đông Nam Á.

Trong 2 kỳ Olympic gần đây, điền kinh Việt Nam có 4 suất trực tiếp tham dự trong đó Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ nữ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ) tại Olympic 2012; Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào nữ); Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ nam) tại Olympic 2016. Vì vậy, điền kinh Việt Nam đang hy vọng giành ít nhất 2 vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo tới. (Minh Khuê)
Minh Hà
.
.
.