Đại gia sân cỏ "trói chân" cầu thủ trẻ

Thứ Sáu, 20/03/2009, 10:31
Trong khi các cầu thủ Việt Nam hiểu biết pháp luật chưa nhiều, không ít các đại gia kinh tế làm bóng đá đã tha hồ “cài” các “tiểu xảo” trong quá trình ký kết hợp đồng. Không ít ước mơ chơi bóng tự do đã bị “cột chặt”.

Cầu thủ bị “cài bẫy”?

Ở Việt Nam, chỉ cần một điều khoản “gài bẫy” trong hợp đồng, một vài lời thuyết phục suông hoặc có khi là một lời dọa dẫm thì các cầu thủ trẻ có thể phải “mãn đời” chịu sự chi phối của đội bóng đó. Các cầu thủ trẻ ở Việt Nam thường không mấy khi chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng hoặc có thì cũng... ngó qua qua.

Khi mà niềm mong ước được chạy trên sân bóng đang cháy bỏng thì bất chấp: được đá, được tập đã là quá tốt rồi. Hơn nữa, khá nhiều cầu thủ Việt Nam có trình độ văn hóa thấp, lại không có luật sư, người đại diện nên khó có thể nhận ra các “tiểu xảo”.

Xin nhắc lại câu chuyện của cầu thủ Mai Tiến Thành khi còn đá cho Đội Thanh Hóa. Cầu thủ có biệt danh Thành “rìu” này được xem là tài năng, từng được đi tham quan, học tập ở CLB Leeds United của Anh. Đầu năm 2008, khi kết thúc hợp đồng với Halida Thanh hóa (H.Thanh Hóa), Thành chuẩn bị khăn gói ra đầu quân cho Vinakansai Ninh Bình (V.Ninh Bình) thì trục trặc xảy ra: H. Thanh Hóa tuyên bố Thành chưa hoàn thành hợp đồng.

Tài năng trẻ Mai Tiến Thành (phải) suýt bị "trói chân" ngoài ý muốn.

Mai Tiến Thành đành cầm lá đơn và bản hợp đồng đã ký với H.Thanh Hóa (thời hạn đến ngày 1/1/2008) để kêu cứu VFF và luật sư. Với bản hợp đồng này, đương nhiên Tiến Thành là một cầu thủ tự do của mùa giải 2008 và việc anh đặt bút ký một bản hợp đồng khác với CLB hạng Nhất V.Ninh Bình là điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng chỉ có điều, khi Tiến Thành trình được bản hợp đồng ấy với V.Ninh Bình và VFF thì lãnh đạo CLB H.Thanh Hóa lại đưa ra một bản hợp đồng khác cũng có chữ ký của Thành phải phục vụ cho CLB đến tận năm 2010?

Kỳ lạ, một bản hợp đồng cùng chữ ký giống nhau nhưng lại có hai thời điểm kết thúc hợp đồng cách nhau tới gần 3 năm. Theo giải thích của Mai Tiến Thành thì lần gần đây nhất anh đã trực tiếp ký vào bản hợp đồng kéo dài đến ngày 1/1/2008 mà anh đang nắm giữ trong tay.

Sự việc sau đó được giải quyết một cách êm thấm chủ yếu theo kiểu “dàn xếp nội bộ” và cho đến thời điểm này, đây vẫn là một “khúc mắc” của làng bóng đá. Nếu không có công luận, các báo, đài lên tiếng ủng hộ có lẽ Mai Tiến Thành khó mà thực hiện ước mơ của mình.

Giá như Thành có nhiều kiến thức về pháp lý hơn, giá như Thành có một vị luật sư tư vấn trong quá trình đàm phán ký hợp đồng, có lẽ đã không có những rắc rối này xảy đến. Nhưng trong mặt bằng cầu thủ ở Việt Nam, cũng khó có thể trách một cầu thủ trẻ như Mai Tiến Thành - một thanh niên đến từ miền núi xa xôi như Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Các lò đào tạo ở Việt Nam khi ký hợp đồng đào tạo, họ ràng buộc cầu thủ trẻ ký vào điều khoản phải phục vụ cho CLB vài năm trước khi trở thành cầu thủ tự do, được phép chuyển nhượng.

Mới đây, Thể Công đã đề nghị các cầu thủ trẻ, những người từng được đào tạo ở Bulgaria và Đức, hiện vẫn đang dưới 23 tuổi ký những bản hợp đồng mới. Trong đó có một điều khoản phải tiếp tục chơi cho CLB 3 mùa bóng sau khi đã đủ 23 tuổi.

Tại V – League đang có một cầu thủ trẻ tài năng phải chịu án kỷ luật vì không ký vào một số điều khoản ràng buộc trong hợp đồng. Hay thậm chí nhiều CLB đã “nắn gân” các cầu thủ trẻ bằng cách không cho họ cơ hội thi đấu. Một siêu sao đẳng cấp thế giới mà bị “giam” khoảng 6 tháng thì cũng chật vật mới lấy lại được phong độ, đừng nói đến chuyện các cầu thủ trẻ đang tuổi phát triển tài năng.

Rõ ràng, nếu không nhanh chân “buộc” các tài năng thì sẽ bị những CLB giàu có đến “rinh” đi mất, bao nhiêu công sức đào tạo coi như “đổ sông đổ biển”. Ví dụ điển hình là CLB SLNA - nơi được xem là lò đào tạo bóng đá trẻ lớn nhất cả nước. Trong những năm gần đây, khi bóng đá Việt Nam đang từng bước đi lên chuyên nghiệp, đã có không ít lần, các đội bóng lớn về Nghệ An tính dùng những khoản tiền lớn để “câu” đi mất của họ những cầu thủ triển vọng nhất.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, Giám đốc điều hành SLNA Hồ Văn Chiêm đã phải thốt lên: “Sông Lam đã không ít lần mất người vì những trò chơi hậu trường như thế”.

Ông Chiêm lý giải: “Rõ ràng, chúng tôi mất quá nhiều công sức để đào tạo. Mỗi năm chúng tôi đổ 4-5 tỉ đồng phục vụ công tác đào tạo trẻ và một khóa chỉ được dăm cầu thủ đủ tiêu chuẩn chơi chuyên nghiệp. Những cầu thủ giỏi như Văn Quyến, Công Vinh... thì 5-6 năm mới có một lứa. Vậy mà, không ít lần chúng tôi đã bị mất oan”.

Hình như cũng rút ra được bài học, quyết không đầu tư rồi để bị hớt tay trên, vừa rồi, SLNA đã quyết “làm căng” với Văn Quyến để yêu cầu ngôi sao này phục vụ thêm cho CLB một vài năm gọi là trả công SLNA cưu mang trong khi hoạn nạn.

Chuyện “buộc chân” trong bóng đá thế giới

Nói đến chuyện đào tẩu, các hợp đồng “buộc chân” các cầu thủ bóng đá, có lẽ trước hết phải nhắc đến vụ “buộc chân” làm sửng sốt bóng đá thế giới: Figo bỏ Barcelona để đầu quân cho kình địch Real Madrid cách đây 8 năm. Những thông tin gây sốc này được Jose Veiga, người đại diện cũ của siêu sao bóng đá Bồ Đào Nha tiết lộ. Các ngôi sao có ảnh hưởng lớn của Barca thường rất ít khi đầu quân cho “kền kền trắng” nhưng Figo đã ra đi với phí chuyển nhượng là 65 triệu euro, theo dạng mua đứt hợp đồng.

Veiga tiết lộ, ông đã ký một bản giao kèo với Florentino Perez, nhân vật khi ấy còn đang ở thế yếu trong cuộc chạy đua tranh cử với Lorenzo Sanz. Theo đó, Figo sẽ gia nhập sân Bernabeu trong trường hợp Perez được bầu làm Chủ tịch CLB. Và thế là mọi rắc rối bắt đầu nảy sinh.

Veiga cho rằng, ông ký vào bản giao kèo là để gây sức ép với Barca trong chuyện gia hạn hợp đồng (tất nhiên còn vì khoản hoa hồng trị giá 3 triệu euro). Tuy nhiên, bản thỏa thuận lại kèm thêm một điều khoản “nghiệt ngã”, quy định Veiga và Figo phải bồi thường 30 triệu euro trong trường hợp không chịu gia nhập Real nếu Perez lên làm chủ tịch.

Nhưng cái điều mà Veiga không ngờ lại xảy đến, Perez dùng chính con bài Figo làm “mồi câu” các lá phiếu, đem lại chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Khi sự đã rồi, người đại diện và siêu sao của Barca lâm vào thế bí. Figo hỏi: “Bây giờ chúng ta sẽ phải làm gì?”. Và Veiga trả lời: “Có 3 sự lựa chọn. Thứ nhất, anh ở lại Barca và bồi thường 30 triệu euro. Thứ hai, anh ở lại, không trả tiền, còn tôi đi tù. Thứ ba, anh gia nhập Real Madrid”. Câu chuyện sau đó diễn biến ra sao thì tất cả đều đã rõ.

Theo Veiga, kịch bản trên nhiều khả năng cũng đang được đương kim Chủ tịch Ramon Calderon của Real áp dụng cho vụ “câu” Ronaldo của MU.

Bóng đá thế giới hiện tại cũng đang chứng kiến rất nhiều chiêu thức ràng buộc, “trói đời” các cầu thủ tài năng của các “ông lớn”. Ví dụ như để được nâng lương, tài năng trẻ lớn nhất của bóng đá thế giới lúc này là Lionel Messi phải chấp nhận “đính kèm” vào hợp đồng một điều khoản giải phóng hợp đồng lên tới 150 triệu euro. Các nhà lãnh đạo sân Noucamp đã tính toán để đội bóng nào đưa được Messi đi sẽ phải bỏ ra số tiền không tưởng... khoảng 254 triệu euro (gồm cả tiền giải phóng hợp đồng, tiền thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân...). Đây là một điều kiện ràng buộc vững chắc mà có lẽ chỉ có một luật sư như Joan Laporta mới tính toán nổi.

Những ngôi sao sáng nhất của bóng đá thế giới như Cristiano Ronaldo, Samuel Eto’o, Kaka... cũng có kiểu hợp đồng ràng buộc lên đến hàng trăm triệu euro. Đấy là chưa kể đến những ràng buộc về thuế, lương, bản quyền hình ảnh...

Tuy vậy, những ngôi sao này đứng ra ký hợp đồng với sự giúp sức của người đại diện, luật sư nên rất ít khi bị “gài bẫy”, bị “buộc chân” mà không đính kèm được một quyền lợi nào đáng kể (hoa hồng, thời hạn hợp đồng, mức lương...).

Khi bàn về vấn đề này, từ việc soi vào các nền bóng đá phát triển, quyền lợi cầu thủ được đảm bảo, bóng đá Việt Nam các cầu thủ cũng cần có người đại diện và luật sư.

Được trợ giúp pháp lý, các cầu thủ sẽ đỡ thiệt thòi hơn trong đàm phán hợp đồng với các “đại gia Việt Nam” làm bóng đá – những người vốn quen mang các tiểu xảo kinh doanh áp vào bóng đá mà không thèm có sự điều chỉnh nào

T.H.C.
.
.
.