Có nhiều cách chết

Thứ Hai, 07/07/2014, 13:40
Vòng tứ kết World Cup 2014 kết thúc, để lại trong ta những suy ngẫm về cách chết và ý nghĩa của sự chết trong bóng đá: Có những cái chết nhạt, có những cái chết mà thực chất là tự chết, lại có cả những cái chết kiêu hùng.

"Chúng tôi có thực lực yếu hơn đối thủ, và chúng tôi thua là chính xác" - HLV trưởng Deschamps của ĐT Pháp đã nói như thế sau trận thua Đức 0-1, và đấy là một câu nói rất trúng vấn đề. Hàng loạt chiến thắng dễ dàng ở vòng bảng và vòng 1/8 khiến Pháp được đánh giá cao trong mắt nhiều người. Nó thậm chí đã che đi một thực tế: tất cả các bại tướng của họ thực chất đều rất non kinh nghiệm chiến trường. Phải đến ghi gặp Đức, một đội bóng vừa đồng đều về lực lượng, vừa mạnh mẽ về ý chí, lại vừa có quá nhiều kinh nghiệm trong những trận đánh sống còn, thì sự yếu kém của Pháp mới lộ ra. Nó lộ ra trong cách cả một tập thể cố gắng đá nhanh, tạo đột biến nhưng không thể đột biến trước một đối phương quái cơ hơn mình. Một vài tình huống cá nhân của Benzema ở cuối trận có thể khiến người Pháp tiếc nuối, nhưng khách quan mà nói thì Pháp đã chết một cách công bằng. Chết nhàn nhạt và xứng đáng!

Khác hẳn so với tâm thế của HLV Deschamps, HLV Marc Wilmost của ĐT Bỉ lại ấm ức với cái chết của đội nhà trước Argentina. Ông thầy này bảo: "Họ không xứng đáng là một đội bóng lớn. Một đội bóng lớn không bao giờ đá phòng ngự và thường xuyên có những biểu hiện câu giờ như thế cả". Rồi ông bảo: "Nếu tôi cho các cầu thủ của tôi đá như họ, chắc chắn tôi sẽ bị giết". Wilmost nói đúng hay không? Đúng ở chỗ: quả nhiên là trận này Argentina không còn dâng đội hình tấn công như mấy trận trước, mà kéo Messi đá lùi, đồng thời triển khai một thế trận chậm chắc, chờ cơ hội phản đòn. Nhưng không đúng ở chỗ: mỗi một đội bóng có quyền lựa chọn các kiểu đá - kiểu sống khác nhau, và sự lớn - nhỏ không được quyết định bởi các kiểu sống ấy. Nó được quyết định bởi sự hiệu quả mà mỗi kiểu sống mang lại.

HLV Pinto và các cầu thủ Costa Rica đã có một kỳ World Cup quật cường.

Về điểm này thì Wilmost chỉ có thể tự trách mình, bởi đã nhìn rõ Argentina đá chậm chạp chờ thời, thế mà ông cứ để các học trò dâng cao - một việc làm chẳng khác gì đưa mình vào bẫy. Cứ nhìn lại những trận đã qua của Argentina mà xem, họ chỉ sợ đối phương đá phòng ngự số đông, thậm chí là mang màu sắc tử thủ kiểu như Iran, Thụy Sĩ, chứ gặp những ai nôn nóng dâng cao đội hình, những đội chân hảo hạng  của Argentina như Di Maria, Messi, Higuain rất dễ bề hoạt động. Thế nên có thể nói một cách hình ảnh răng, ĐT Bỉ của Wilmost đã tự đưa mình vào bẫy và tự chết trước khi đối phương còn chưa vung kiếm.

Khác hẳn so với cái chết nhạt của Pháp hay kiểu "tự chết" của người Bỉ lại là những cái chết cuồn cuộn lửa - cuồn cuộn cảm xúc của Colombia và Costa Rica. Cứ nhìn cái cảnh các cầu thủ Colombia liên tiếp vây hãm chủ nhà Brazil, và đã đẩy chủ nhà vào một khoảng thời gian sợ hãi cuối trận là đủ hiểu người Colombia đã có 90 phút quả cảm như thế nào. 90 phút ấy, số 10 James Rodriguez đã dẫn dắt các đồng đội liên tục bắn tỉa khung thành đối phương, và nếu ông trọng tài chính xác hơn trong những tình huống cắt còi, có thể số phận trận đấu đã khác rồi. Nếu Rodriguez đã khóc sau một trận đấu "làm tất cả, nhưng không thắng được trọng tài" (nhận xét của anh) thì cầu thủ Costa Rica lại khóc vì đã làm tất cả nhưng không thắng nổi vận may.

Rạng sáng qua (giờ Việt Nam) cả thế giới đã nín thở trước thứ bóng đá phòng ngự vừa mạnh mẽ về khí thế vừa đầu óc về khả năng tổ chức của Costa Rica. Cái đặc sản phòng ngự mà với nó, những chân sút hảo hạng bên phía Hà Lan như Van Persie, Robben đã rơi vào bẫy việt vị tới hơn chục lần. Cái đặc sản phòng ngự mà với nó, các cầu thủ Costa Rica bằng mình chống lại những cú sút từ tất cả các cự ly của đối phương.

Khi người Hà Lan bất lực trong 90 phút đá chính rồi thêm 30 phút hiệp phụ, và khi trận đấu phải kéo dài đến loạt luân lưu 11m thì nhiều người đã tin rằng Costa Rica sẽ thắng! Nhưng tiếc là trên chấm 11m, vận may đã quay lưng với họ. Nói như HLV Pinto của họ thì: "Chúng tôi đã thua, song thua chúng tôi có quyền ngẩng cao đầu với cách thua của mình".

Họ, những Pháp, Bỉ, Colombia, Costa Rica, mỗi đội bóng có một triết lý khác nhau, một thể hiện khác nhau, và cách họ rời khỏi World Cup cũng gợi cho chúng ta những suy nghĩ khác nhau về cách thua - cách chết trong bóng đá.

Rõ ràng, chết chưa phải là tất cả. Chết như thế nào mới là tất cả!

Vòng bán kết kinh điển

Sau 4 trận đấu tứ kết đã qua, World Cup còn lại 4 đội bóng, và 4 đội bóng ấy sẽ làm nên một vòng bán kết kinh điển. Kinh điển bởi những cuộc đối đầu châu Âu - Nam Mĩ giữa Brazil - Đức (bán kết 1) và Argentina - Hà Lan (bán kết 2). Nhìn ở góc độ lý thuyết thì đấy sẽ là những cuộc đối đầu giữa hai trường phái hoàn toàn đối lập: một Nam Mỹ bay bổng hào hoa và một châu Âu thực dụng, giàu toan tính. Nhưng trên thực tế thì ở kỳ World Cup này, cả Brazil lẫn Argentina đều cho thấy họ có thể chơi toan tính đến mức nào.

HLV trưởng Scolari của Brazil từng nhiều lần nói rõ đội bóng của ông sẵn sàng đá xấu để giành chiến thắng, còn HLV Sabella của Argentina thì bảo: "Trong bóng đá hiện đại, người chiến thắng là người có sự lập trình hiệu quả hơn".

Trong khí quyển đặc sệt của bóng đá toan tính, 2 trận bán kết chắc chắn sẽ là 2 cuộc đấu trí cực kỳ khôn lường của các ông thầy.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.