Có một Italia không chỉ biết phòng ngự

Thứ Năm, 30/06/2016, 08:35
20 năm trước, Antonio Conte là một trong những tiền vệ trụ chơi rắn nhất của Italia. 20 năm sau, Italia dưới sự chỉ huy của ông vẫn chơi bóng với đúng tinh thần thiên thanh bất diệt. Chỉ khác lạ, Italia giờ còn biết tấn công.


Tại World Cup 1994, Mauro Tassotti (Italia) đấm vỡ mũi Luis Enrique (Tây Ban Nha). Tình huống ấy diễn ra trong vòng cấm, trọng tài Sandor Puhl đứng cách đó không xa, vậy mà vua áo đen lại chẳng thể phát hiện!

Phải tới khi hội đồng kỷ luật FIFA mổ băng ghi hình, hành động phi thể thao của Tassotti mới bị phát hiện. Án kỷ luật 8 trận được đưa ra, nhưng một cách công bằng, bản án khi ấy chẳng còn nhiều ý nghĩa nữa. Vì tỷ số thắng 2-1 nghiêng về Italia đâu thay đổi được nữa!

Một tình huống nhưng đã bao quát toàn bộ đặc tính của nền bóng đá Italia: Tinh ranh, ma mãnh và đầy bạo lực. Họ sẵn sàng đá rát, chơi thô bạo khi cần thiết song tuyệt nhiên, những động tác ấy được thực hiện rất “kín”, chẳng hề thô bỉ tẹo nào.

Sau năm đó, bóng đá Tây Ban Nha nổi lên như thế lực mới với những giáo trình dạy đá bóng tân thời. Lối chơi kiểm soát dần lên ngôi, và những giá trị xưa cũ kiểu Italia dần phai nhạt.

Chức vô địch World Cup 2006 không che phủ đi những khiếm khuyết của bóng đá Italia. Huyền thoại Arrigo Sacchi thậm chí đã gọi catenaccio, niềm tự hào của Calcio là “món đồ trung cổ”.

Phía liên đoàn (FIGC) cử Sacchi vào vị trí người đứng đầu bộ phận phát triển hoạch định bóng đá Italia. Ông hướng các cầu thủ trẻ ở đây chơi bóng như những nghệ sỹ đường phố, điển hình như Insigne.

Sacchi tiến cử Prandelli – một HLV Italia thích bóng đá tấn công vào ghế thuyền trưởng. Cứ xem Italia ra sân với dàn nghệ sỹ gồm Pirlo, Cassano và cả Balotelli là đủ hiểu.

Song hạn chế của Prandelli hay Sacchi là họ tự cho mình là người… Tây Ban Nha mà không hiểu rằng, cầm bóng hay đá bay bướm chưa từng và sẽ không bao giờ là bản ngã của Italia.

Azzurri có thể học hỏi những nền tảng chiến thuật tươi mới, nhưng chỉ nên phát triển những tầng kiến thức du nhập ấy trên nền móng vững chắc của người Italia, là nghệ thuật phòng ngự và trò chơi tâm lý chiến.

Có vẻ như Conte đang làm rất tốt công việc ấy. Hãy xem: Italia cầm bóng tới 51%, nhiều hơn cả chuyên gia kiểm soát bóng Tây Ban Nha trong hiệp 1. Đội sút 7, gấp 3 lần thống kê của Tây Ban Nha. Ai bảo Italia chỉ biết phòng ngự?

Tấn công hay thế song tuyệt nhiên, Italia của Conte không ngủ quên trên mặt trận tấn công như Italia của Prandelli. Mọi phẩm chất tốt đẹp nhất của nền bóng đá nổi tiếng với thủ pháp phòng ngự bậc thầy đều được thể hiện.

Cả trận, Morata (TBN) chỉ chạm bóng được 28 lần, với chỉ 2 lần xuất hiện trong vòng 16m50. Nếu không phải những trung vệ đậm chất Calcio của Italia, sẽ không phải ai khác đủ sức ngăn chặn một tiền đạo toàn diện như Morata.

Antonio Conte tới Pháp mà không có nhiều hào thủ trong tay. Nói đúng hơn, Italia chẳng có lấy một ngôi sao “cỡ bự”. Nhưng chiến lược hợp lý, khả năng hòa trộn những con người, cá tính khác nhau vào chung một thực thể của Conte đang biến Italia thành tập thể toàn diện, khó lường và biến ảo hơn bao giờ hết.

Nhắc tới Italia lúc này, không nên chỉ nhắc tới phòng ngự. 

Khải Huyền
.
.
.