Cơ hội của 3 ứng viên Phó Chủ tịch tài chính VFF
Theo danh sách VFF công bố, 3 ứng viên sẽ tham gia tranh cử gồm ông Phạm Thanh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ khoá 8; ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Cacao Việt Nam; ông Lê Văn Thành, Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khoá 8.
Trong số 3 ứng viên này, ông Trần Văn Liêng là người ngoại đạo bóng đá. Đây là một trong những ứng viên từng tham gia tranh cử tại Đại hội VFF khoá 8. Cũng vì thế mà ông Liêng bắt đầu được giới bóng đá biết đến. Những dấu ấn mà ông Liêng để lại là một bản đề án tranh cử từng gây tranh cãi.
Ông Lê Văn Thành và Phạm Thanh Hùng là Uỷ viên BCH VFF. Ảnh: VFF. |
Ông Liêng từng lên kế hoạch sẽ kiếm 249 tỉ đồng cho VFF vào năm 2022 từ ý tưởng do ông sáng lập là “Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam” (Vietnam Football Ecosystem - VFEco). Theo tính toán, ông sẽ giúp VFF kiếm được 121 tỉ đồng qua VFEco vào cuối năm 2018, 145 tỉ đồng vào năm 2019, 174 tỉ đồng vào năm 2020 và 208 tỉ đồng vào năm 2021. Nếu VFEco hoạt động tối ưu và thành tích của các ĐTQG tốt thì năm 2022 con số thu về là 249 tỉ đồng.
Những con số là một điều mà VFF đang cần, chỉ có điều kế hoạch mà ông Trần Văn Liêng đưa ra có phần xa vời so với bóng đá Việt Nam. Việc khó áp dụng vào thực tiễn khiến cho đề án của ông Liêng thời điểm đó bị coi là khá mơ hồ. Kết quả là ông Liêng đã nhận được số phiếu rất thấp. Do đó mà ông Liêng được đánh giá là một trong những ứng viên yếu thế nhất trong việc tham gia tranh cử chức Phó Chủ tịch tài chính lần thứ 2 tại Đại hội thường niên VFF.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thành sẽ trở lại cuộc chạy đua vào vị trí này với một vị thế mới. Tại Đại hội VFF khoá 8, ông Thành chỉ để thua ông Cấn Văn Nghĩa ở vòng 2 với số phiếu sát sao. Trong vai trò người đứng đầu Công ty CP Thể thao Động Lực, ông Thành đã tham gia tài trợ cho nhiều giải đấu trong nước, quốc tế và các địa phương. Điều này cũng là một điểm cộng rất lớn.
Bên cạnh đó, ông Thành đang là Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khoá 8. Đó sẽ là một lợi thế trong cả công việc và quan hệ sẵn có của ông Thành với các thành viên VFF. Hệ thống này sẽ tiếp tục được vận hành trơn tru nếu ông Thành đắc cử.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, ông Lê Văn Thành đang đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhưng tình hình tài chính của tổ chức này lại không thực sự quá dư dả. Một câu hỏi được đặt ra, liệu ông Thành có đảm bảo nguồn lực kinh tế cho VFF hằng năm? Đó là chưa kể, ông Thành là một ứng viên thường xuyên thất bại trong các cuộc bầu cử của VFF. Dù vậy, đây vẫn là ứng viên sáng giá.
Ứng viên được đánh giá nặng ký nhất là ông Phạm Thanh Hùng. Hiện tại ông Hùng đang là Uỷ viên Ban chấp hành VFF, Trưởng Ban bóng đá nữ. Trong hành trình của bóng đá nữ đến ngôi vô địch SEA Games 30 có dấu ấn lớn của ông Hùng. Không chỉ đồng hành với những khó khăn của bóng đá nữ, ông Hùng còn trực tiếp bỏ tiền ra tài trợ cho toàn đội. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong điều hành, quản lý bóng đá trong suốt thời gian gắn bó với CLB Than Quảng Ninh.
Ông Hùng bày tỏ quan điểm: “Khi ra tranh cử Phó Chủ tịch tài chính VFF, tôi xác định là chung tay, giúp đỡ cho bóng đá nữ và bóng đá nam cùng phát triển. Vị trí này là hỗ trợ tài chính cũng như kêu gọi tài tài trợ, đồng hàng cùng bóng đá. Nếu ai nghĩ rằng vào đây để tư lợi, kiếm tiền thì tốt nhất không nên”.
Đặc biệt, ông Hùng cũng cam kết sẽ không để VFF chịu thua lỗ kinh tế trong năm 2020. Ngoài việc bỏ tiền túi, ông Hùng sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Đó là điều mà Phó Chủ tịch VFF cần có.
Phó Chủ tịch tài chính VFF cần đến một cái tên “có giá”, cả về giá trị tiền bạc kiếm về cho VFF và giá trị thương hiệu bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những lá phiếu tín nhiệm cũng cần có trách nhiệm. Bài học từ câu chuyện của ông Cấn Văn Nghĩa là một điển hình. Dù dính phải nhiều lùm xùm cá nhân liên quan đến sai phạm của Khu LHTTQG Mỹ Đình nhưng ông Nghĩa vẫn được các tổ chức thành viên giới thiệu và trúng cử. Để rồi 6 tháng sau ông Nghĩa bất ngờ xin từ chức không rõ nguyên nhân.
Cơ hội của các ứng viên Phó Chủ tịch tài chính VFF trên lý thuyết là ngang nhau. Tuy nhiên, có thể cuộc đua sẽ sớm ngã ngũ trước giờ G.
Cầu thủ HAGL tự tập luyện ở nhà VPF mới đây đã lần thứ 2 tạm hoãn V.League 2020 do dịch COVID-19. HAGL cũng như các đội bóng khác mới thi đấu xong 11/13 trận của giai đoạn 1. Giải đấu số 1 Việt Nam chưa biết khi nào nối lại, vì thế các đội bóng đều hạn chế tối đa việc ra sân tập luyện trong thời gian này. Dự kiến ngày 10-8, HAGL mới hội quân lại. Toàn thể đội bóng, cầu thủ thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch COVID-19. Có quãng nghỉ dài, tuy nhiên các cầu thủ HAGL phải thực hiện nghiêm túc các bài tập bổ trợ tại nhà. Tiền vệ Lương Xuân Trường vừa chia sẻ hình ảnh anh cùng đồng đội tự tập luyện tại nhà, có sự giám sát trực tuyến của ban huấn luyện. Đây là cách mà HAGL cũng như nhiều đội bóng khác V.League đã áp dụng khi V.League 2020 tạm hoãn lần đầu tiên. Sau 11 vòng đấu, HAGL đang đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng với 17 điểm. Họ có cơ hội lớn để giành vé vào Top 8, tranh ngôi vô địch ở giai đoạn 2. Theo lịch, đội bóng phố Núi còn 2 trận đấu của giai đoạn 1 gặp Sông Lam Nghệ An và TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc hội quân khá muộn, HAGL tạm thời không tính đến việc bổ sung cầu thủ mới. Ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa, họ đã ký với Anh Đức theo dạng chuyển nhượng tự do. Bầu Đức hy vọng kinh nghiệm của chân sút sinh năm 1985 sẽ giúp ích cho đội bóng. Chấn thương của tiền vệ phòng ngự Kelly Kester đã gần hồi phục để sẵn sàng ra sân khi V.League trở lại. Với lực lượng như thế, HAGL không tính đến việc mua thêm cầu thủ cũng dễ hiểu. |