Vấn đề của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF:

Cơ chế giám sát con người?

Thứ Bảy, 17/12/2011, 14:48
Kết thúc lượt đi V.League 2011, đã có thống kê cho thấy SHB.Đà Nẵng là đội được “ăn” Penalty nhiều nhất và hưởng lợi từ những quyết định của trọng tài nhiều nhất. Ngay lập tức người ta đặt ra câu hỏi: Có phải chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi là người Đà Nẵng nên “lính” của ông khi bắt các trận đấu có Đà Nẵng đều ít nhiều phải… chùn tay?

Dĩ nhiên, tất cả những nhân vật có liên quan khi đứng trước câu hỏi đều… chối nguầy nguậy. Họ nói rằng việc SHB.ĐN là CLB được hưởng lợi nhiều nhất từ các quyết định của trọng tài thật ra chỉ là một việc ngẫu nhiên. Khi người ta đã đổ tại cho… ngẫu nhiên thì chẳng có bất cứ lý do, cơ sở nào để truy cứu vấn đề nữa, nhưng có một sự thật là cái nghi ngại về việc ĐN được trọng tài ưu ái vẫn cứ âm ỉ xuất hiện trong làng bóng.

Nói lại câu chuyện của một năm về trước là để trở về với một câu chuyện rất thời sự hiện nay: Phần lớn những nhân vật “tai to mặt lớn” ở VPF – Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đều có đội bóng riêng đang thi đấu ở V.League và giải Hạng nhất QG. Ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng là ông bầu của ĐT.LA, các ông PCT VPF Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức lần lượt là những ông bầu của CLB Hà Nội, và HA.GL. Thế nên ngay sau khi những nhân vật này “trúng cử” dân làng bóng đã lập tức đặt ra nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, khi điều hành các trận đấu có liên quan đến những đội bóng của những ông bầu nói trên, đội ngũ trọng tài, giám sát có đủ dũng khí để làm việc một cách công tâm, sòng phẳng hay không? Thứ hai, khi các đội bóng đó gặp một sự cố nào đó đáng bị xử phạt thì ban lãnh đạo VPF có dám thẳng tay phạt theo đúng luật lệ, nguyên tắc của cuộc chơi hay không? Và thứ ba, khi đội bóng của mình ở vào tình thế ngặt nghèo, nguy hiểm các ông bầu liệu có lợi dụng quyền hạn của mình trong VPF để ra tay “cứu” hay không? Lại có  một câu hỏi tế nhị khác: Ngay cả khi các ông bầu trong tư cách “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã cố gắng hết sức để “đá” và “thổi” một cách công tâm thì phần đông dư luận liệu có thể tin tưởng tuyệt đối vào sự công tâm của họ?

Bầu Kiên – bầu Đức bây giờ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” V.League. Ảnh: Quang Minh.

Khi trả lời báo chí, PCT VPF Nguyễn Đức kiên – cha đẻ của ý tưởng thành lập VPF nói rằng công ty ra đời với một mục đích tối cao là thúc đẩy sự phát triển của BĐVN, chứ nhất quyết không phải là nơi để các ông bầu lợi dụng nhằm tạo ưu thế cho mình và đội bóng của mình. Ông Kiên cũng nói rằng, với cơ chế hoạt động công khai, minh bạch các thành viên của VPF một khi không làm tốt nhiệm vụ cũng có thể bị thay thế bất cứ lúc này. Khi đụng tới vấn đề này, ông Kiên đã kể ra trường hợp của Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn – người mà trong cách nhìn của chính ông là trước đây cũng đã dính vào một vài “cú phốt” khó chấp nhận trong ngôi nhà VFF.

Nhưng ông Kiên phân tích: “Chuyện trước đây đã qua rồi. Bây giờ thì anh Viễn hoạt động trong một mô hình hoàn toàn mới. Ở mô hình đó, nếu không làm được việc, anh ấy sẽ bị sa thải ngay lập tức”.

Cứ theo cách phân tích của ông Kiên thì xem ra cơ chế hoạt động của VPF sẽ là công cụ giám sát con người của VPF một cách hữu hiệu. Và chính nhờ công cụ giám sát ấy mà không một ai ở VPF có thể lạm dụng quyền lực, tư lợi cá nhân, làm ảnh hưởng tới cái chung. Về mặt lý luận chúng tôi đồng tình với cách nhìn nhận, phân tích này.

Nhưng những hiểu biết của mình về BĐVN và về cả những ông bầu BĐVN lại mách bảo chúng tôi rằng: sẽ không thừa nếu kiên nhẫn chờ đợi những gì sắp sửa diễn ra trong thực tiễn để kiểm nghiệm xem rốt cuộc thì VPF có “làm” được như những gì mà VPF đang “nói” hay không ?!

Phan Đăng
.
.
.